Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi chuyển từ Apple Watch sang Mi Band 4 và đây là cảm nhận

Sau một năm gắn bó với Apple Watch, tôi thật sự "ngán" vì phải sạc cho model này mỗi ngày. Tôi mua chiếc Mi Band 4 vì thiết bị được quảng cáo có thể dùng đến 20 ngày.

Năm 2016, tôi mua chiếc Mi Band 2 với giá 800.000 đồng. Thời điểm đó, chiếc vòng thông minh này gây sốt với mức giá dễ chịu hơn nhiều đối thủ. Tuy nhiên, tôi chỉ đeo được khoảng 2 tháng vì chán màn hình trắng đen.

Sau đó, tôi quyết định mua Apple Watch vì thiết bị có màn hình màu, chạy watchOS. Model này có thể dễ dàng kết nối với các sản phẩm trong hệ sinh thái Apple mà tôi đang dùng như iPhone, AirPods và MacBook.

Tôi từng nghĩ sau khi chuyển sang dùng Apple Watch sẽ không bao giờ quay lại những chiếc vòng thông minh theo dõi sức khỏe. Chiếc Apple Watch có thiết kế thời trang, ứng dụng đa dạng, nhiều mặt đồng hồ.

Tuy nhiên, cũng chính việc có quá nhiều tiện ích nên chiếc Apple Watch tiêu hao năng lượng một cách đáng kể. Mỗi lần sạc đầy, tôi dùng thiết bị được 1-2 ngày. Sau hơn một năm chịu đựng, tôi quyết định chuyển sang chiếc Mi Band 4. Model này có màn hình màu, được quảng cáo dùng khoảng 20 ngày trong một lần sạc.

Những ngày đầu tiên

Việc chuyển từ màn hình 1,65 inch trên Apple Watch xuống 0,95 inch của Mi Band 4 làm tôi chưa thể quen trong những ngày đầu. Các nội dung hiển thị như ngày giờ, thông số sức khỏe… của Mi Band 4 bé hơn rất nhiều so với Apple Watch.

Mi Band 4 là model đầu tiên trong dòng Mi Band được trang bị màn hình màu. Xét trong tầm giá dưới 1 triệu đồng, Mi Band 4 có nhiều đối thủ đến từ Trung Quốc. Màn hình của model này hiển thị tốt hơn với độ sáng khá cao, tôi dễ dàng xem được các thông tin ngay cả khi đang chạy xe ngoài trời nắng.

Mi Band 4 cũng được trang bị nhiều mặt đồng hồ, tôi có thể thay đổi theo sở thích. Tuy nhiên, Xiaomi không cho phép người dùng tùy chỉnh các nội dung hiển thị như trên Apple Watch. Mi Band 4 có tổng cộng 45 mặt đồng hồ trên ứng dụng.

Model này không có bất kỳ phím cứng nào nên các thao tác đều được thực hiện trên màn hình. Nếu muốn sử dụng các tính năng như luyện tập sức khỏe, xem thời tiết… tôi phải dùng ngón tay vuốt lên. Để trở về (back) bạn chỉ nhấn vào nút nguồn ở dưới màn hình khá nhanh và tiện.

Dung lượng pin có lâu như quảng cáo?

Mi Band 4 được trang bị viên pin dung lượng 135 mAh. Với một lần sạc, tôi có thể sử dụng thiết bị 18-20 ngày tùy vào chế độ luyện tập. Đây được xem là một khoảng thời gian khá lâu. Tôi không còn phải thường xuyên mang sạc theo bên người như lúc dùng Apple Watch.

Ứng dụng Mi Fit không thể so sánh với phần mềm của Apple. Tuy nhiên, nếu so với phiên bản 2016 lúc tôi còn dùng Mi Band 2 thì ứng dụng này đã được cập nhật và có nhiều cải tiến.

Tôi có thể xem các thông tin sức khỏe như số bước chân, nhịp tim, giấc ngủ… một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khi mở ứng dụng, việc đồng bộ các dữ liệu từ vòng thông minh khá chậm: tầm khoảng 1 phút. Mi Band 4 hỗ trợ 6 bài tập cơ bản như chạy bộ, đạp xe, đi bộ, bơi lội, cử tạ và chạy bộ trên máy.

Mi Band 4 còn được trang bị tính năng điều khiển phát nhạc trên smartphone. Tôi có thể tăng, giảm âm lượng hay chuyển bài hát trên chiếc vòng này thay vì phải rút điện thoại ra. Tuy nhiên, do màn hình khá nhỏ nên những thao tác của tôi đôi khi không được chính xác. Tính năng này hoàn toàn không xuất hiện trên một số đối thủ và các model cao cấp hơn.

Những đánh đổi không tránh khỏi

Phần mềm trên Mi Band vẫn còn một số lỗi khi hiển thị tiếng Việt. Đại diện Xiaomi Việt Nam nói rằng hãng sẽ khắc phục lỗi này vào tháng 8.

Danh gia Mi Band 4 anh 9
Mi Band 4 vẫn bị lỗi tiếng Việt khi hiển thị.

Bên cạnh đó, thời gian đồng bộ các dữ liệu từ vòng đeo tay và ứng dụng khá lâu cũng làm cho tôi cảm thấy khó chịu. Ứng dụng Mi Fit thiết kế với việc chia nhỏ nhiều tác vụ. Người dùng phải mất khá nhiều thời gian để làm quen. 

Việc chuyển từ một chiếc smartwatch xuống smartband ban đầu làm tôi hụt hẫng. Vì trước giờ, tôi đã quen sử dụng một thiết bị đeo có màn hình lớn, hiển thị to những nội dung, dễ dàng theo dõi các thông tin.

Khi mang chiếc Mi Band 4, màn hình của model này nhỏ hơn phân nửa so với Apple Watch, nên việc quan sát những thông tin của tôi không thật sự thoải mái.

Bên cạnh đó, màn hình của Mi Band 4 có độ sáng thấp hơn nhiều so với Apple Watch, màu sắc của nó tương đối nhạt, hình ảnh hiển thị cũng không được sắc nét.

Nhìn chung, bạn có thể dùng Mi Band 4 nếu cần một thiết bị đeo thông minh với các năng theo dõi sức khỏe ở mức cơ bản cùng giá dễ chịu, pin khỏe.

Bạn không nên mua nếu cần một thiết bị đeo có thiết kế thời trang, hỗ trợ nhiều ứng dụng. Phần mềm của Apple Watch mang đến sự mượt mà, ổn định. Trong khi ứng dụng Mi Fit của Xiaomi vẫn chưa ổn định.

Một số lựa chọn khác có thể nhắm tới trong tầm giá dưới 1 triệu đồng là Samsung Galaxy Fit e hay Oaxis Tenvis HR.

Xiaomi Mi CC9 về VN - camera selfie 32 MP, có Mimoji, giá 7 triệu đồng

Xiaomi Mi CC9 có ngoại hình tương tự mẫu Mi 9 ra mắt trước đó. Máy tập trung vào camera selfie với AI hỗ trợ làm đẹp cùng nhiều tính năng độc đáo.

iPhone sẽ có bản rẻ hơn nữa để cạnh tranh Huawei, Xiaomi?

iPhone giá rẻ có thể loại bỏ nhận diện khuôn mặt Face ID, thay bằng cảm biến vân tay dưới màn hình.



Lê Trọng

Bạn có thể quan tâm