Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Tôi chưa bao giờ thấy trận sóng thần nào tàn khốc như vậy'

Không gian rung chuyển mỗi lúc một tệ. Vết nứt trên các bức tường mở ra khép lại như hàm khủng long. Ngoài vịnh, nước rút sạch rồi thình lình ập đến theo con sóng màu đen.

song than Nhat Ban 2011 anh 1

Cơn địa chấn mào đầu diễn ra lúc 11h45 (ngày 9/3/2011), cường độ 7,3 độ Richter. Tôi cảm nhận được một cú uỳnh mạnh trong căn hộ của mình ở Miyako, tỉnh Iwate, nơi tôi đang sống vào thời điểm đó.

Tôi hoảng sợ chạy xuống cầu thang đến chỗ chủ nhà trọ, nhưng ông quả quyết với tôi rằng không có gì phải lo lắng. Ông nói khi nào động đất thực sự xảy ra thì tôi sẽ biết ngay thôi.

Hai ngày sau, lúc 14h46, trận động đất thực sự đã xảy ra - mạnh 9,0 độ.

song than Nhat Ban 2011 anh 2

Sóng thần càn quét thành phố Miyako, tỉnh Iwate, Nhật Bản vào ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters.

Vết nứt trên các tòa nhà mở ra khép vào như hàm khủng long

Lúc đầu, tôi vẫn yên vị dưới bàn sưởi của mình và tự nhủ rằng vẫn ổn. Tuy nhiên, sự rung chuyển mỗi lúc một khủng khiếp hơn, hàng loạt các cú rung lắc chóng mặt khiến người ta khó có thể đứng vững được. Khi đồ đạc bắt đầu đổ, tôi chạy nhanh ra khỏi căn hộ. Khu nhà tôi sống đã cũ và tôi lo nó có thể sập.

Trên lối cầu thang đi ra khỏi khu nhà, tôi thấy nhiều vết nứt lớn trên tường các tòa nhà lân cận. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng các vết nứt cứ mở ra và khép lại trong rung chấn khiến tôi liên tưởng đến hàm của một con khủng long bạo chúa.

Khi tôi ra đến đường, cơn rung lắc dừng lại, đầu tôi lúc này mới bớt quay cuồng. Trận động đất kéo dài khoảng 6 phút nhưng tôi cảm thấy như đến 30 phút. Điều đó có thể là do sau trận động đất đầu tiên, có rất nhiều dư chấn ngắn xảy ra liên tiếp. Tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì như vậy trước đây.

Chủ nhà của tôi, ông và bà Kondo, đã gặp tôi và nói rằng đây mới là động đất thực sự. Tôi thậm chí không hề nghĩ đến khả năng xảy ra sóng thần, nhưng ông Kondo bảo chúng tôi cần phải đến chỗ cao hơn.

Chúng tôi lên đường đến một ngôi đền trên đỉnh đồi tên là Zenrinji, trụ trì của đền là bạn của gia đình ông Kondo. Đi đến lưng chừng đồi, bà Kondo hỏi tôi có mang theo hộ chiếu không. Tôi không mang. Hoảng loạn, tôi quên hết những cảnh báo từng được học ở trường và phóng như bay xuống đồi về căn hộ của mình để lấy hộ chiếu.

Khi tìm thấy hộ chiếu, tôi cũng nhặt đại một vài vật dụng khác, như chiếc cặp táp rỗng, hay chiếc iPod chưa sạc, vốn không có chút hữu ích nào. (Bài học mà tôi rút ra ở đây là hãy chuẩn bị sẵn một chiếc túi khẩn cấp, đựng bản sao tài liệu, dụng cụ lọc nước, thực phẩm dự phòng, thuốc men, đèn pin, ủng, và chăn nếu có thể).

Thảm họa giống như các cuộc đánh bom ở Thế chiến II

Với hộ chiếu, cặp táp và iPod trong tay, tôi tức tốc chạy trở lại đồi để đến đền, nơi nhà Kondo và các hàng xóm khác đang trú ẩn. Từ trên đồi nhìn ra vịnh, một cảnh tượng kỳ lạ đập vào mắt tôi: Bờ vịnh trống rỗng, nước biển đã biến mất.

Hình dung về sóng thần của tôi là hình ảnh trong các bộ phim về thảm họa. Những cơn đại hồng thủy trong phim hầu hết đều đồ sộ đến độ chúng sẽ phá hủy cả một thành phố.

song than Nhat Ban 2011 anh 3

Một khu vực lớn của thành phố đổ nát hoàn toàn sau trận động đất, sóng thần. Ảnh: Reuters.

Sóng thần thực tế trông không hề "gợi cảm" như Hollywood hay miêu tả. Đúng là nó có các đỉnh sóng, vòng cung và những nét oai hùng khác như họa sĩ Hokusai đã miêu tả trong bức tranh “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” của ông. Tuy nhiên, những nét đẹp đó chỉ nằm ở ngoài đại dương mà thôi.

Một cơn sóng thần thực tế, như tôi đã trải qua, ban đầu rón rén trườn vào đất liền, rồi thình lình ập xuống áp đảo mọi thứ. Nó không mang màu xanh thẳm của biển, cũng không điểm những mảng bọt trắng xóa. Nó có màu đen như bùn vì trộn lẫn với những thứ mà nó quét qua - đất, đá, cây cối, nhà cửa… Cho đến khoảnh khắc đó, tôi chưa bao giờ thấy thiên nhiên xung quanh thể hiện sức mạnh dữ dội như vậy.

Nước rút hết ra khỏi vịnh nhưng đã quay lại và bổ nhào qua các bức tường chắn lũ. Nó bao trùm khắp các con phố và ngày càng cao hơn. Nước dâng đến chân đồi. Không còn nơi nào để tháo chạy, chúng tôi đứng nhìn chằm chằm vào mép nước và cầu nguyện rằng nó sẽ không dâng cao thêm.

Sóng thực sự không dâng thêm, ngọn đồi vẫn an toàn. Sau khi mối đe dọa trước mắt giảm bớt, các giác quan của tôi trở lại. Tôi có thể cảm nhận được cái lạnh buốt của tháng 3 ở Nhật Bản, tôi có thể ngửi thấy mùi mục nát của biển thẳm, và tôi có thể nghe thấy tiếng kêu cứu từ bên dưới.

Ông Kondo lay tôi ra khỏi trạng thái thất thần, đưa cho tôi những chiếc chăn và quả quyết rằng chúng tôi phải giúp đỡ những người gặp nạn đó.

Hai nhân viên cứu hỏa đã vớt được một người đàn ông lên khỏi mặt nước. Anh ta bơi quanh ngôi nhà đổ nát của mình để tìm mẹ. Chúng tôi đi xuống đồi, cẩn thận để không bị trượt chân, đắp chăn cho người kia. Chúng tôi cũng giúp lính cứu hỏa khiêng anh ấy vào đền.

Chập tối, tuyết bắt đầu rơi. Bên kia vịnh, tôi nhìn thấy các đám cháy đang hoành hành ở khu công nghiệp.

Bà Kondo tìm và kéo tôi vào bên trong phòng bếp lò sưởi của ngôi đền. Có khoảng 20 người đang tụ tập ở đó, gồm ba đứa trẻ con, hai cặp vợ chồng trẻ, những người còn lại trên 65 tuổi và một số khoảng 90 tuổi. Chúng tôi ngồi nghe đài phát thanh để biết chi tiết về tình hình. Những người già so sánh trận động đất sóng thần với các vụ đánh bom trong Thế chiến II.

Chưa từng thấy điều gì dữ dội như trận sóng thần ngày 11/3

Trong vòng chưa đầy một ngày, nơi tôi gọi là nhà trong suốt 18 tháng đã biến thành một đống gạch vụn. Thế giới của tôi lúc bấy giờ chỉ gói gọn trong khu đất rộng 200 m2 nơi đền Zenrinji tọa lạc.

Sáng 12/3, sau khi thức dậy, tôi dành phần lớn buổi sáng để tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra. Lúc ấy, tôi không biết quy mô của thảm họa, nhưng chúng tôi không có điện, còn nhà vệ sinh thì bị hỏng.

song than Nhat Ban 2011 anh 4

Anh Mattehew Ketchum (người thứ ba từ trái sang), một giảng viên người nước ngoài làm việc tại một đại học ở thị trấn Taro, kể về trải nghiệm của mình trong thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: Mattehew Ketchum.

Tôi và hàng xóm đều mắc kẹt trên đồi trong ba ngày sau trận động đất. Các đống đổ nát khiến chúng tôi không thể tiếp cận các con đường vào thành phố.

Tôi được cử ra ngoài để tìm thức ăn. Trên đường đi, tôi bắt gặp một cụ ông. Ông chỉ tay vào một cái rương nhờ tôi mở giúp. Tôi lấy một tảng đá dập vỡ nó và thấy bên trong là một đống tiền, có lẽ là tiền tiết kiệm cả đời của ông. Ông gom tiền, cám ơn tôi rồi lên đường.

Cuối cùng tôi cũng đến được cửa hàng tiện lợi Lawson cách đền 45 phút lái xe. Thế mà tôi phải mất 4 tiếng. Tôi lội qua các con phố ngập bùn đến đầu gối và trườn qua các mảnh nhà đổ và những mảnh vụn khác.

Không có thức ăn ở Lawson, nhưng tôi bắt gặp một số sinh viên của mình. Ngày xảy ra trận động đất, lẽ ra tôi phải đến trường ở thị trấn Taro, nhưng đã được nghỉ vì sinh viên đang làm bài kiểm tra. Tôi hỏi thăm tình hình và họ chỉ trả lời đơn giản: “Mất rồi”.

Thật khó để miêu tả được hết trải nghiệm của tôi về trận động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ngày 11/3. Tôi đã xem qua rất nhiều câu chuyện đau thương trong thảm họa, nhưng tôi luôn cố gắng để không bị chìm vào những câu chuyện đó khi nhớ lại những gì đã xảy ra.

song than Nhat Ban 2011 anh 5

Trận động đất, sóng thần năm 2011 đã để lại những vết sẹo lớn trong lòng nhiều người dân ở Nhật Bản. Ảnh: AP.

Sau thảm họa, tôi đã có thể thông báo tới gia đình rằng mình vẫn an toàn. Thế nhưng, tôi đã không thể nói chuyện sớm với họ trong vòng hai tuần vì không có điện. Trong khoảng thời gian đó, mọi người chủ yếu dọn dẹp khu vực. Tôi gặp một người bạn trên phố và anh rủ tôi vào một đội dọn dẹp. Chúng tôi dậy lúc 7h mỗi sáng, lấy xẻng và đi dọn từng đống đổ nát.

Trong đời, tôi chưa bao giờ thấy trận sóng thần nào tàn khốc như vậy, và tôi hy vọng mình sẽ không bao giờ chứng kiến điều tương tự.

Tuy nhiên, tôi cũng chưa bao giờ thấy tình đoàn kết và lòng nhân ái lại mạnh mẽ đến vậy. Hy vọng rằng đó là điều mà tôi sẽ có thể trải nghiệm lại ở trong những hoàn cảnh khác nhau.

Ngoài ra, gia đình ông Kondo cuối cùng đã mua một ngôi nhà trên đồi. Họ nói rằng họ không muốn sống quá gần vịnh nữa.

10 năm sau thảm họa kép, 'vùng đất chết' ở Nhật Bản chật vật hồi sinh

Việc tái thiết và khôi phục cuộc sống ở các tỉnh miền Đông Bắc, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề từ thảm họa động đất và sóng thần cách đây 10 năm, vẫn còn nhiều khó khăn.

'Bốt điện thoại của gió' - nơi người Nhật gặp lại thân nhân đã khuất

Dưới tán cây anh đào, bốt điện thoại màu trắng lấp lánh trong ánh nắng đầu xuân là nơi những người sống gọi điện cho thân nhân đã khuất của họ.

Hồng Ngọc

Theo Japan Times

Bạn có thể quan tâm