Bốt điện thoại được xây dựng bởi ông Itaru Sasaki, nằm ở thị trấn Otsuchi, cách thủ đô Tokyo khoảng 500 km về phía đông bắc. Nơi đây được người dân Nhật Bản đặt tên là “bốt điện thoại của gió”, nơi người sống quay số và để lại những lời nhắn nhủ của mình tới người đã mất. Ảnh: Reuters. |
Ý tưởng này được thực hiện bởi ông Sasaki. Năm 2010, ông đã mất đi người em họ của mình vì căn bệnh ung thư. Để vơi bớt nỗi buồn, ông xây dựng bốt điện thoại trên đồi cao với hy vọng có thể nhờ gió chuyển những lời nhắn tới người em họ đã qua đời. Ảnh: Reuters. |
Sau thảm họa kép động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, bốt điện thoại trở thành điểm đến của nhiều người. Họ hy vọng có thể thông qua nơi đây để liên lạc với người thân đã khuất, để chia sẻ với người đã ra đi những cảm xúc còn chất chứa trong lòng. Ảnh: Moutain Culture Group. |
Ông Kazuyoshi Sasaki đã tìm đến bốt điện thoại để liên lạc với người vợ quá cố Miwako. Sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng một thập kỷ trước, ông mất đi người vợ của mình. Ông đã tìm đến các trung tâm sơ tán, các nhà xác tạm thời nhưng sau tất cả, ông lại trở về một mình vào ban đêm giữa đống đổ nát từ ngôi nhà cũ. Ảnh: Reuters. |
Bà Sachiko Okawa cũng đến đây để gọi cho người chồng đã mất trong sóng thần. Bà nói bà muốn hỏi chồng cuộc sống của ông ấy ở thế giới kia thế nào. Đôi khi bà ấy cảm thấy như có thể nghe thấy tiếng chồng ở đầu dây bên kia. "Nó làm cho tôi cảm thấy tốt hơn một chút", bà nói. Ảnh: Reuters. |
Bà thường đưa hai cháu trai đến đây để trò chuyện với ông nội của chúng. “Ông ơi, cháu sắp vào cấp 2 rồi”, Daina, cháu trai 12 tuổi của bà Okawa, nói khi cả ba chen chúc trong chiếc bốt điện thoại nhỏ xíu. "Chúng cháu đeo khẩu trang vì có loại virus mới đang giết chết rất nhiều người. Nhưng ông đừng lo, bà và cháu đều rất khoẻ”. Ảnh: Reuters. |
Ông Kazuyoshi Sasaki cũng tìm đến đây để chia sẻ về cuộc sống hiện tại với người vợ quá cố. Ông thông báo mình đã tạm thời chuyển ra khỏi nhà và con trai út của họ đang xây một ngôi nhà mới để ông có thể sống cùng các cháu. "Tôi sẽ tự lo cho bản thân mình", ông hứa với bà lúc ra về. Ảnh: Reuters. |
Ông Sasaki kể lại lần đầu tiên tỏ tình, ông đã bị bà từ chối khi cả hai còn học trung học cơ sở. Phải mất 10 năm sau cả hai mới bắt đầu hẹn hò. Cuối cùng, họ kết hôn và có bốn người con. Thế nhưng thảm họa năm 2011 đã khiến họ phải chia xa vĩnh viễn. Ảnh: Reuters. |
Mỗi năm, bốt điện thoại thu hút hàng nghìn lượt khách từ khắp nơi trên Nhật Bản. Nhiều người chia sẻ đường dây điện thoại không kết nối ở thị trấn Otsuchi giúp họ giữ liên lạc với những người thân yêu và mang lại cho họ chút an ủi để vượt qua nỗi đau mất mát. Ảnh: Reuters. |
Một số người đến để bày tỏ nỗi thương nhớ người đã khuất. Một số khác lại đến để thông báo cho người thân biết rằng họ vẫn sống tốt ở thế giới thực tại. Dù ai cũng biết tất cả chỉ là ước mong nhưng họ vẫn nói, vẫn thổ lộ để nỗi buồn vơi đi phần nào. Ảnh: Reuters. |
Vài tháng trước, một số tổ chức đã liên hệ với anh Sasaki, chủ nhân bốt điện thoại, với mong muốn xây thêm những bốt tương tự ở Anh và Ba Lan. Cũng giống như thảm hoạ, đại dịch Covid-19 đến bất ngờ đã khiến nhiều người không có cơ hội được nói lời cuối với người thân của mình. Ảnh: Alexander McBride Wilson. |
Vì vậy, không chỉ hướng tới những nạn nhân trong thảm họa kép ở Nhật Bản, các tổ chức hy vọng thông qua “bốt điện thoại của gió”, sẽ có thêm nhiều người hơn trên thế giới được thổ lộ với người đã mất để vơi đi nỗi buồn trong cuộc sông. Ảnh: Reuters. |