Bất chấp nỗ lực của chính phủ Nhật Bản, việc tái thiết và khôi phục cuộc sống ở các tỉnh miền Đông Bắc - nơi hứng chịu hậu quả nặng nề từ thảm họa động đất và sóng thần cách đây 10 năm - vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ làm rung chuyển bờ biển Đông Bắc Nhật Bản, gây ra sóng thần khổng lồ cao đến 40 m. Thảm họa kép làm 22.000 người chết và mất tích, phá hủy 122.000 ngôi nhà. Động đất và sóng thần cũng làm nóng chảy lõi nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Với một số người may mắn sống sót, sự bình yên trở thành điều xa vời, dù một thập kỷ đã qua đi. Hậu quả từ thảm họa kép không ngừng đeo bám tâm trí, bởi những gì họ phải chứng kiến không chỉ là người thân mãi mãi ra đi trong biển nước, mà còn là khung cảnh hỗn loạn chưa từng có vào những ngày tiếp theo.
Khi thảm họa ập đến vào năm 2011, Yuto Naganuma chỉ mới 16 tuổi. Suốt mười năm kể từ ngày 3 người thân trong gia đình vĩnh viễn ra đi, anh vẫn luôn tự trách bản thân.
Hai ngày trước vụ động đất, khi dạo chơi trên bờ biển, Naganuma cảm nhận được sự rung chuyển. Khi đó, cậu chỉ cho rằng mình nhầm lẫn.
"Tôi luôn nghĩ em trai có lẽ không phải chết. Tất cả họ có lẽ không phải chết, nếu tôi kịp thời cảnh báo mọi người", Naganuma nói với AFP.
Bà và cụ cố của Nagamuna cũng thiệt mạng khi cơn sóng thần ập vào thị trấn Ishinomaki ở tỉnh Miyagi, nơi gia đình anh sinh sống.
Trong suốt những năm tiếp theo, chàng trai sống trong tâm trạng dằn vặt, tự hỏi vì sao mình thoát khỏi thảm kịch, trong khi vô số người thân, bạn bè không được may mắn như vậy.
Cũng chìm trong ám ảnh tương tự là Nayuta Ganbe, năm nay 21 tuổi. Cậu mất đi cha ruột trong thảm họa năm 2011. Khi nhớ lại, Ganbe nói quãng thời gian xảy đến sau thảm kịch cũng không kém phần bi thương.
Trong một lần đi bộ tới trường, Ganbe - khi đó 11 tuổi - nhìn thấy một thi thể người và vài bộ phận cơ thể, theo AFP. Đó là một trải nghiệm không hề dễ chịu cho những đứa trẻ.
Khi đưa tin về quãng thời gian sau thảm họa, truyền thông Nhật Bản tập trung vào hình ảnh dòng người di tản luôn trật tự, và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Nhưng Ganbe lại chứng kiến không ít người lớn chen hàng để tranh giành thực phẩm, đẩy những đứa trẻ về phía sau. Cậu bé phải chịu đói nhiều ngày vì không thể tìm được đồ ăn.
Tại trường học, trẻ em không được khuyến khích nói về những người bạn "mất tích" hay miêu tả lại những gì chúng trải qua. "Không biết từ lúc nào, việc tránh đề cập đến thảm họa lại trở thành chuyện bình thường", Ganbe nói với AFP.
Hazuki Shimizu, cô gái sống ở Namie, tỉnh Fukushima cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Gia đình Shimizu sống chỉ cách nhà máy điện hạt nhân vài cây số.
Ngày 12/3, khi lệnh di tản được ban bố, gia đình cô rời khỏi Namie. Cuối cùng, họ chuyển đến Chiba, ngoại ô thủ đô Tokyo. "Tôi vỡ vụn từ bên trong", cô gái năm nay 27 tuổi nhớ lại cảm giác khi phải chứng kiến thảm họa xảy ra với quê nhà.
Tại Chiba, gia đình Shimizu xây dựng lại cuộc sống. Nhìn bề ngoài, họ đã an toàn. Nhưng bên trong thiếu nữ mới lớn năm đó, vết thương chưa bao giờ thực sự thôi rỉ máu. Cô được đăng ký vào một trường ở địa phương để hoàn thành nốt chương trình học. Và ở đây, bạn bè xung quanh không bao giờ nhắc đến thảm họa ngày 11/3.
"Tôi chỉ không hiểu vì sao mọi người không nói về chuyện đó (thảm họa). Vì sao họ thờ ơ như vậy? Tôi cảm thấy rất lạc lõng", Shimizu nhớ lại.
Theo chia sẻ của Ganbe, những người ở độ tuổi trưởng thành khi thảm họa xảy ra thường có xu hướng ngần ngại chia sẻ về ký ức đau thương. Còn với người trẻ, những gì họ nhớ chỉ là một chuỗi cảm giác sợ hãi rời rạc. "Trong 20 năm nữa, chúng ta có lẽ sẽ thấy những thanh niên sinh ra sau thảm họa chẳng biết gì về sự kiện này", Ganbe nói.
Hậu thảm họa năm 2011, người dân sống trong bán kính 20 km quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima và ở những nơi có nồng độ phóng xạ cao - với tổng diện tích đến 1.150 km2 - buộc phải di dời. Nhiều người chuyển hẳn đến các tỉnh, thành khác. Lúc cao điểm, số người rời đi lên đến khoảng 470.000.
Namie là một thị trấn nhỏ nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 10 km. Trước thảm họa, thị trấn có 25 công ty chế biến hải sản. Sau 10 năm, chỉ duy nhất một doanh nghiệp trụ lại. Đó là công ty Shibaei, thuộc về ông Koichi Shiba, theo Nikkei Asia.
Ông Shiba năm nay 82 tuổi, trưởng thành trong gia đình có truyền thống theo nghề bán cá. Cơ sở chế biến của ông chỉ vừa trở lại hoạt động trong năm 2020.
Tới nay, lệnh di tản bắt buộc đã được dỡ bỏ ở nhiều nơi. Phạm vi cấm tiếp cận ở khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima giảm xuống còn 337 km2.
Nhưng điều đó không có nghĩa người dân sẵn sàng quay lại. Kể từ khi bắt đầu mở cửa trở lại vào năm 2017, chỉ khoảng 1.100 người quay về Namie, dù đây từng là nhà của 21.000 dân.
Ngay cả ông Shiba, người thừa kế doanh nghiệp chế biến hải sản của gia đình, cũng suýt chút nữa quyết định ở lại Tokyo. Nhưng sau đó, những người bạn, đối tác cũ, và cả chính quyền địa phương, thuyết phục doanh nhân này quay lại. Và ông thực sự trở về, "vì thị trấn".
Để "hồi sinh", Namie thiết lập các khu công nghiệp không chỉ phục vụ ngành sản xuất hải sản truyền thống, mà còn chào mời các doanh nghiệp nghiên cứu robot và sản xuất hydrogen công nghệ cao, theo Nikkei Asia.
Dẫu vậy, hiệu quả vẫn là một dấu hỏi. "Không ai khác muốn trở lại. Vài năm qua, họ đã chuyển đi và tạo lập cuộc sống mới ở những nơi khác", một chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Namie nói.
Ông Takeshi Kanno, một cư dân 71 tuổi ở Rikuzentakata, từng mất nhà trong trận sóng thần năm 2011. Năm 2013, người đàn ông xây căn nhà mới ở ngay vị trí cũ. Sau đó, khu đất của ông Kanno được đưa vào dự án phát triển dân cư. Ông được đề nghị phá bỏ ngôi nhà và xây lại căn khác khi dự án hoàn thành.
Cuối cùng, ông Kanno nhận được ngôi nhà của mình vào năm 2020, và quyết định ở lại Rikuzentakata trong suốt phần đời còn lại. "10 năm là quãng thời gian quá dài. Tôi chứng kiến nhiều người qua đời mà không kịp xây lại mái ấm của mình", ông Kanno nói.
Tuy nhiên, những người chọn gắn bó đến cùng với quê hương Rikuzentakata như ông Kanno lại thuộc nhóm thiểu số. Sau 10 năm, nhiều người hoàn toàn từ bỏ ý định trở về để xây dựng lại nhà cửa. Hệ quả là dân số ở đây giảm 20% so với trước thảm họa.
Bất chấp các khoản tài chính được rót vào để cải tạo cơ sở hạ tầng và ngăn những thiệt hại tương tự xảy ra trong tương lai, vô số lô đất trống vẫn nằm rải rác khắp thành phố, theo quan sát của Nikkei Asia.
Đại dịch Covid-19 ập đến giáng thêm một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn mong manh của vùng Tohoku - khu vực địa lý bao gồm 6 tỉnh Đông Bắc Nhật Bản là Akita, Aomori, Fukushima, Iwate, Miyagi và Yamagata.
Tohoku vốn là vùng nông nghiệp trọng yếu của Nhật Bản, đặc biệt là sản xuất lúa gạo và chăn nuôi gia súc. Năm 2017, sản lượng nông nghiệp của Tohoku chiếm 14,7% toàn quốc, theo Nikkei Asia. Tuy nhiên, ngành khai thác thủy hải sản truyền thống lại bị ảnh hưởng đáng kể.
Sau thảm họa kép dẫn đến sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, các ngư trường truyền thống ngoài khơi Tohoku bị ảnh hưởng nặng nề. Ngư dân chỉ có thể ra biển 3 ngày/tuần.
Giờ đây, giãn cách xã hội khiến nhu cầu hải sản tại các nhà hàng giảm mạnh, trực tiếp ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến như công ty của ông Shiba tại thị trấn Namie. "Đôi lúc tôi nghĩ giá như không có virus corona", ông Shiba thở dài ngao ngán.
Trong bối cảnh thách thức vẫn bủa vây, ông Shiba và các doanh nhân địa phương đang tìm cách khôi phục công việc làm ăn.
Ở một câu chuyện nỗ lực hồi phục khác, bà Kyouko Tanaka từng mất trắng việc làm ăn hồi 10 năm trước bởi cửa hàng thực phẩm chỉ cách nhà máy hạt nhân Fukushima 20 km. Hàng chục người là đầu mối cung cấp hàng hóa cho cơ sở của bà Tanaka cũng thiệt mạng vì động đất và sóng thần.
Tuy nhiên, khó khăn không làm người phụ nữ này bỏ cuộc. Năm 2015, bà mở lại cửa hàng ở thị trấn Minamisoma, nói sẽ "gắng gượng ít nhất thêm 10 năm nữa" vì những người xung quanh.
Mãi đến năm thứ 10 sau thảm họa, thị trấn Minamisoma mới chứng kiến những dấu hiệu phục hồi đầu tiên, theo bà Tanaka. Một số doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại thị trấn từng như hoang mạc. "Mọi thứ đang được xây dựng lại. Điều này là mơ ước bấy lâu của tôi", bà Tanaka nói.
Qua thời gian, vấn đề nồng độ phóng xạ ở Fukushima đang dần được cải thiện. Bà Tanaka vẫn giữ một thiết bị đo nồng độ phóng xạ trong cửa hàng. Bà cho biết các sản phẩm nông nghiệp thương mại ở Fukushima giờ đây hiếm khi vượt ngưỡng 50 becquerel/kg, trong khi giới hạn cho phép của chính phủ là 100 becquerel/kg.
Ở một khung cảnh khác, thị trấn Onagawa thuộc tỉnh Miyagi được xem là "quán quân" tái thiết sau thảm họa.
Các cửa hiệu, nhà hàng được xây dựng dọc con đường lát gạch nâu đỏ cùng hai hàng cây, phía bên kia là một nhà ga và đường bờ biển dài đầy hứa hẹn cho ngành du lịch. Tại Onagawa, một cơ sở đông lạnh cùng một tổ hợp chế biến hải sản được đưa vào vận hành từ năm 2012, theo Nikkei Asia.
Ông Masanori Takahashi, Chủ tịch Phòng thương mại Onagawa, cho biết số thành viên của tổ chức giảm từ 445 hồi trước thảm họa xuống còn 311. Tuy nhiên, con số dần tăng lên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp được thành lập.
Sau thảm họa kép của thập kỷ trước, các quan chức Nhật Bản cam kết sẽ xây dựng lại khu vực Đông Bắc. Thực tế, họ đạt được thành công nhất định, với vô số công trình xây dựng đã hoàn thành.
Chính phủ Nhật Bản cũng mạnh tay rót tiền hỗ trợ các cho các khu vực nông thôn chịu ảnh hưởng từ thảm họa 2011, để họ xây dựng lại cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế. Nhờ làn sóng đầu tư, Miyagi, Iwate và Fukushima - ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa - đạt tăng trưởng hơn 10% so với thời kỳ trước tháng 3/2011.
Khoảng 280 tỷ USD được chi cho việc tái thiết, gồm dọn dẹp đống đổ nát, xây dựng lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nạn nhân. Ngoại trừ một số khu vực ở Fukushima vẫn bị phong tỏa, công cuộc tái thiết được triển khai ở các khu vực khác ở vùng Đông Bắc.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục chi 14 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ quá trình hồi phục của các tỉnh bị ảnh hưởng, theo Nikkei Asia.
Dù việc xây dựng lại các tòa nhà ở Onagawa, tỉnh Miyagi gần như hoàn tất, ông Masanori Takahashi - Chủ tịch Phòng thương mại thị trấn - nói khả năng hồi phục hoàn toàn vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
"Phần còn lại phụ thuộc vào thế hệ trẻ", ông Takahashi nói.
Hazuki Shimizu, cô gái sống sót trong thảm họa ở thị trấn Namie, quyết định trở về công tác ở khu vực ven biển Đông Bắc sau khi hoàn thành chương trình đại học. Giờ đây, cô làm việc cho một nhóm phi lợi nhuận, nhằm bảo tồn ký ức về thảm họa năm 2011.
"Khi trở thành nạn nhân của thảm họa, tôi học được rằng người ta sẽ phải đối mặt với đủ loại khó khăn, đau đớn, và đấu tranh với cảm xúc. Chúng ta cần lắng nghe họ, sát cánh bên họ", Shimizu nói.
Trong khi đó, chàng trai Naganuma chọn hướng nghiên cứu phương thức ứng phó với thảm họa tự nhiên. Naganuma giờ đây thường viếng thăm các trường học để thuyết trình về công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai.
Đối với Naganuma, người dân Nhật Bản "đang sống trong 'khoảng nghỉ' giữa những thảm họa". "Cách chúng ta sử dụng khoảng thời gian này như thế nào sẽ quyết định khả năng sinh tồn khi phải đối mặt thảm họa tiếp theo", Naganuma nói.