Tôi tự cảm thấy rất hồi hộp khi nói đi “một mình”. Đấy sẽ là lần đầu tiên tôi đi ra một thành phố lớn. Tôi không mong có bố hay mẹ đi cùng vì như thế họ sẽ phải bỏ bê công việc, mà tiền xe, tiền ăn ở Hà Nội không hề rẻ.
Mẹ tôi là giáo viên trường cấp hai ở gần nhà, ngôi trường mà tôi và lũ trẻ trong làng đều theo học. Bố tôi thì là nông dân, làm rẫy cà phê.
Lý do quan trọng hơn tôi quyết định không cho bố mẹ biết chi tiết về chuyến đi là vì từ khi nộp hồ sơ cho học bổng này tôi đã quyết tâm sẽ tự mình làm một cách âm thầm, khi nào thành công thì mới nói mọi người biết.
Tôi không muốn có cảm giác như đang khoe khoang và tôi muốn tự đặt áp lực cho bản thân mình. Cũng vì thế mà tôi vẫn chưa nói cho đứa bạn thân nào biết cả. Tôi sẽ chờ đến khi đi Hà Nội về, dù được hay không, sẽ cho tụi nó biết. Người duy nhất tôi kể cho là cô giáo chủ nhiệm vì tôi sẽ phải xin nghỉ học hai ngày ở trường.
Bố mẹ tôi hỏi tiếp:
“Chưa bao giờ ra thành phố, đi một mình như thế lạ nước lạ cái con biết làm thế nào?”
“Con sẽ không sao đâu, con sẽ rất cẩn thận".
“Thế khi nào con đi, ở chỗ mình có xe đi Hà Nội không hay phải lên tỉnh?”
“Con sẽ đi cuối tuần sau, chắc là phải lên tỉnh để đón xe đi rồi".
“Để bố đi làm, mẹ sẽ chở con đi".
Sách Trường làng vẫn ra thế giới trong lần xuất bản đầu tiên. Ảnh: Nhã Nam. |
Mẹ tôi không nói gì thêm, mặc dù tôi biết mẹ rất lo lắng. Nhưng tôi cũng biết mẹ tin vào quyết định và việc làm của tôi. Từ nhỏ tới giờ tôi vẫn luôn như thế, luôn cố gắng tự lập và không phụ thuộc vào bố mẹ. Tôi rất ghét bị nhắc nhở phải làm gì và tôi cũng không thích việc mình bị coi là trẻ con. Bố mẹ tôi bận rộn, tôi không muốn khi về nhà họ còn phải lo lắng cho mình nữa.
Từ lúc học cấp hai lên cấp ba, tôi đã chủ động việc học hành và phụ giúp bố mẹ việc nhà. Tôi học tập thật chăm chỉ và cố gắng đạt điểm cao trên lớp. Đi học buổi sáng, về nhà sau khi ăn cơm trưa xong là tôi nhảy vào bàn học luôn.
Hôm nào cũng vậy, cứ học đến bốn giờ chiều thì tôi dừng lại và bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Tôi nấu cơm, nấu nước, lau nhà, đi đón Quyết từ nhà trẻ rồi tắm cho nó. Lúc này bố mẹ không còn cảm thấy phải nhắc nhở tôi học bài nữa và cũng không phàn nàn hay hỏi chi tiết về việc học trên trường của tôi.
Mẹ chỉ xem bảng điểm cuối kỳ và biết rằng tôi vẫn học tập ổn định. Bố tôi thì có lẽ một năm mới hỏi tôi một lần về việc học. Miễn sao mẹ tôi không có gì lo lắng thì bố tôi cũng không cần phải để ý nhiều. Nhờ như vậy mà dần bố mẹ cũng cho phép tôi tự đưa ra quyết định và làm những việc của riêng mình.
Thứ bảy tuần sau đó, mẹ chở tôi lên bến xe thành phố Buôn Ma Thuột. Khi tới nơi, tôi đã thấy một bạn nữ tầm tuổi tôi đang đứng chờ. Tôi đoán là Nam Phương.
Thực ra cũng không hẳn là tôi đi ra Hà Nội một mình. Tôi đi cùng với một “đối thủ”. Nam Phương học trường chuyên Nguyễn Du trên tỉnh. Tôi biết Phương vì cả hai đứa đều tham gia vào một forum thảo luận về học bổng này. Trong hai mươi người được chọn phỏng vấn thì có tôi và Phương là cùng đến từ Đắk Lắk nên chúng tôi quyết định đi cùng nhau.
Tôi đoán Phương rất chăm học thông qua cặp kính dày khụ màu hồng cô đeo. Điểm thứ hai là Phương có vẻ rất lanh lợi. Vừa thấy mẹ và tôi tới, Phương đã rất nhanh nhẹn chào hỏi. Còn tôi thì chỉ lí nhí ngại ngùng chào lại.
“Ông có thấy lo lắng không?” Phương chủ động bắt chuyện trước.
“Ừ, có một chút. Bà thì sao?”
“Tôi cũng thế. Lần đầu tiên ông ra Hà Nội à?”
“Ừ!”
“Anh chị tôi sẽ ra đón khi tôi tới nơi. Ông sẽ ở đâu?”
Tôi luống cuống lục cặp để kiểm tra xem mẩu giấy nhỏ ghi địa chỉ và số điện thoại của gia đình host có còn ở đó không. Chưa biết gia đình host tôi như thế nào nhưng tôi đã cảm thấy rất biết ơn họ, đặc biệt khi tôi không có họ hàng hay bạn bè nào ở Hà Nội.
Mẹ dặn tôi đi cẩn thận và khi nào tới thì gọi điện cho mẹ luôn. Mẹ cười nhìn tôi bước lên xe. Một nụ cười động viên mà như nói rằng một nửa mẹ mừng vì tôi đang dần trưởng thành và làm những việc sớm muộn tôi cũng sẽ phải tự làm một mình, một nửa khác lại rất lo lắng vì không thể ở bên cạnh quan sát chăm lo cho tôi nữa.
Tôi như một chú chim non sắp rời tổ, và mẹ dù biết ngoài kia đầy nguy hiểm và cạm bẫy vẫn phải để đứa con của mình bay đi.
Xe lăn bánh từ từ đi ra khỏi thành phố. Tôi ngoảnh lại nhìn, mẹ tôi vẫn đứng ở cổng bến xe và nhìn theo mãi. Tôi tự nhủ khi quay trở về, nhất định phải quay về với những điều tốt đẹp để nụ cười của mẹ sẽ tràn đầy hạnh phúc, để tôi xứng đáng những nỗi lo âu chờ đợi của mẹ.