Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Con phải đi Hà Nội hai ngày có việc'

Nhận được điện thoại đi phỏng vấn cho chương trình học bổng các trường liên kết thế giới, Đỗ Liên Quang ra bến xe, bắt xe đò ra thủ đô.

Hai tuần sau, mẹ chở tôi lên bến xe tỉnh Đăk Lăk để bắt xe đò ra Hà Nội.

Tôi vẫn luôn ước được một lần đi máy bay, nhưng mà có lẽ để dành cho lần khác. Vé máy bay tới vài triệu, đối với gia đình tôi lúc này là một số tiền không nhỏ. Khi tôi nói với bố mẹ là mình sẽ đi Hà Nội thì cũng chẳng ai nghĩ đến máy bay, vì giống với tôi, bố mẹ cũng nghĩ máy bay là một cái gì đó xa xỉ.

Buổi tối sau khi nhận được cuộc điện thoại từ chị Hải Anh, tôi quyết định nói chuyện với bố mẹ. Nhưng tôi không biết phải nói như thế nào. Liệu bố mẹ tôi có hiểu được học bổng các trường liên kết thế giới là gì không, có an tâm để tôi đi ra Hà Nội một mình không, hay sẽ nghĩ đây là trò lừa đảo?

Gia đình tôi thường ăn tối sớm, khi mặt trời vẫn chưa lặn hẳn. Khoảng thời gian buổi chiều ngồi ăn cơm với gia đình luôn là thời gian ưa thích nhất trong ngày của tôi. Cả nhà trải chiếu ngồi ăn trước thềm. Trời vẫn sáng nhưng ánh nắng mặt trời đã chuyển hẳn sang màu hồng cam, mặt trời nhìn như quả lê ki ma lấp lửng sau những cánh đồng.

Không gian lắng xuống và không còn cảm giác quá hối hả nữa. Những con chim bồ câu thong thả đi quanh sân tìm thóc. Người trong xóm cũng đã đi làm về, ai nấy nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ, thỉnh thoảng nhà này đứng tán gẫu với nhà kia bên cạnh hàng rào trồng bằng những cây chè lùn. Một cảm giác rất yên bình của làng quê.

Du hoc anh 1

Sách Trường làng vẫn ra thế giới trong lần xuất bản đầu. Ảnh: Nhã Nam.

Cô Hoa hàng xóm lững thững đi dạo trên đường thấy gia đình tôi liền ghé vào và ngồi xuống trò chuyện. Ở quê là thế, thấy ai đi qua là chúng tôi mời vào, hoặc là ăn cơm, hoặc là uống trà.

Cô rôm rả kể chuyện trên trời dưới đất, chuyện đi làm trên rẫy, chuyện học hành của hai đứa con cô. Cô phàn nàn với mẹ tôi chuyện học hành không đâu vào đâu của đứa con đầu, cô thì đi làm cả ngày không có thời gian kèm cặp.

Mẹ tôi gật đầu thông cảm. Mai, con gái cô, kém tôi bốn năm tuổi gì đó. Hồi nhỏ, tôi, nó và những đứa nhỏ khác trong xóm chơi thân với nhau lắm. Chiều nào chúng tôi cũng rủ nhau chơi đủ các trò từ đánh khăng, gảy hình, gảy nịt, nhảy dây, tới xây lều và làm đồ hàng. Đứa nào cũng có những ước mơ rất lớn, rất nhiều màu sắc khi chơi đồ hàng:

“Tao muốn làm bác sĩ để chữa bệnh miễn phí cho cả họ hàng tao".

“Còn tao muốn làm cô giáo để được chơi với bọn trẻ suốt ngày".

“Tao muốn trở thành công an để bắt tội phạm".

“Tao muốn lái máy bay vì tao chưa được đi máy bay bao giờ”.

Nhưng lạ là khi nói đến việc học thì chẳng đứa nào hào hứng cả. Từ nhỏ chúng tôi đã được cha mẹ nhắc đi nhắc lại sự quan trọng của việc học, “học là con đường duy nhất để thoát nghèo”.

Cụ thể là học thật tốt, được điểm tốt, thi vào được cấp hai, rồi tốt nghiệp cấp ba, cuối cùng là đậu đại học. Chỉ có thế mới thoát được cuộc sống làm thuê, làm ruộng, làm rẫy mà bố mẹ chúng tôi đang ngày ngày vất vả trải qua để chúng tôi có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ăn cơm xong, tôi bưng mâm cơm và chén đũa xuống bếp rửa để bố mẹ ngồi nói chuyện với cô Hoa. Khi tôi quay lại, cô đã về. Mẹ tôi đang quét nhà và phủi những hạt cơm vãi cho lũ gà trên sân ăn. Bố tôi thì ngồi trầm ngâm bên điếu thuốc lào, thỉnh thoảng ông rít một hơi rồi lại đăm chiêu.

Tôi biết ông đang lo nghĩ về điều gì. Năm nay trời khô quá, nông dân phải tưới cà phê nhiều hơn, đồng nghĩa với việc tốn nhiều tiền hơn. Tôi chẳng bao giờ hỏi bố mẹ về chuyện tiền bạc, nhưng tôi biết cà phê bán được bao nhiêu tiền thì cũng lại chỉ đủ để mua phân bón, tưới nước cho mùa sau chứ không dôi dư được bao nhiêu.

Tôi nhìn hai bàn tay ông đầy những vết sần sùi và khô cứng. Da ông cũng tối dần đi theo màu của đất, mỗi khi cởi áo là lộ ra thân hình gầy gò.

Tôi quyết định nói cho bố mẹ biết chuyện đi Hà Nội.

“Con phải đi Hà Nội hai ngày có việc bố mẹ ạ”.

Bố mẹ tôi gần như giật mình, ngoảnh lại nhìn tôi và ngỡ ngàng.

“Hả, con đi Hà Nội làm gì? Đi với ai?” - Mẹ tôi lo lắng.

“Con có việc, khi nào đi về con sẽ nói. Con đi một mình thôi”.

Đỗ Liên Quang / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY