Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du học, con đường dễ dàng đến tương lai?

Du học không phải con đường duy nhất dẫn đến tương lai. Du học có thể nói là một chướng ngại vô cùng to lớn mà các bạn trẻ phải vượt qua trước khi chạm ngưỡng thành công.

Cuốn Teen ơi, làm bạn nhé là những suy ngẫm của TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong quá trình nuôi dạy con.

Bằng kinh nghiệm của bà mẹ và là người tiếp xúc nhiều tâm lý trẻ em, tác giả đúc rút những kỹ năng phụ huynh cần dạy cho con nếu hướng con theo con đường du học.

Được sự đồng ý của TS Vũ Thu Hương, Zing xin trích đăng một phần cuốn sách.

Khi con đi được già nửa chặng đường teen là lúc các cha mẹ nghĩ đến việc định hướng tương lai. Việc đó hoàn toàn không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất mà các cha mẹ quan tâm là CÓ CHO CON DU HỌC KHÔNG?

Chúng ta cần thừa nhận với nhau rằng du học không phải con đường duy nhất dẫn đến tương lai. Du học có thể nói là một chướng ngại vô cùng to lớn mà các bạn trẻ phải vượt qua trước khi chạm ngưỡng thành công.

Hay nói chính xác hơn, đó là thời gian tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để sử dụng sau này. Mở to đôi mắt, cảm nhận bằng mọi giác quan và thay đổi nhanh nhất trong suốt thời gian du học thì các bạn ấy mới có thể đạt tới thành công.

thu thach khi du hoc anh 1

Du học có thể là trở ngại lớn trên con đường hướng tới thành công của nhiều trẻ tuổi mới lớn. Ảnh: Swinburne University.

Vậy du học là gì?

Du học là cuộc sống tại một nơi vô cùng xa lạ, không có ai thân thuộc, rất ít hi vọng, trông chờ vào sự hướng dẫn, giúp đỡ của ai đó, phải học với phong cách hoàn toàn khác, yêu cầu vô cùng cao và phải có kỹ năng sống vô cùng tốt để phối kết hợp một cách hoàn hảo giữa làm thêm và học tập.

Vô vàn bạn trẻ đã bỏ lỡ việc học của mình chỉ vì túng thiếu quá. Các bạn không phải là con nhà nghèo.

Khi ra đi, gia đình chắc chắn phải lo cho các bạn một khoản tiền. Nhưng nếu không có kỹ năng quản lý tài chính, các bạn sẽ nhanh chóng tiễn những khoản tiền đó ra đi và rơi vào cảnh túng thiếu.

Gia đình ở xa, làm sao có tiền ngay được. Vay nợ không dễ. Nhiều bạn đã quyết định dừng học một năm để đi làm thêm. Sau một năm đó, nhiều bạn bỏ hẳn việc học vì quay lại ngại quá.

Và như vậy, các bạn đã phải chấp nhận thất bại rất đắng cay, thậm chí bỏ lỡ cơ hội học tập cả đời có một này.

Vậy, để du học, trẻ cần phải chuẩn bị điều gì?

Kỹ năng quản lý tài chính

Điều này hoàn toàn không đơn giản và có thể đúc rút ra trong 1, 2 ngày. Tôi đã có bài về quản lý tài chính rồi, các mẹ tìm đọc nhé.

Vấn đề là nên dạy con bài quản lý tài chính ngay khi con học lớp 5 hoặc lớp 6. Sau đó, mỗi tháng hoặc mỗi kỳ, cho con lĩnh một khoản “lương”. Số tiền này cũng cần khá một chút để con có thể chi tiêu trong suốt thời gian một tháng hoặc một học kỳ.

Sau đó, tuyệt đối cha mẹ không cấp thêm “lương” cho con dưới bất kể hình thức nào trong thời gian quy định. Con chắc chắn sẽ có lúc tiêu hết nhẵn tiền, có lúc lại ki bo quá mức.

Nhưng nếu việc con tự chi tiêu đó kéo dài suốt từ lớp 6 đến tận lớp 12 thì các mẹ khỏi lo đi, chúng ta đã đào tạo xong một “chuyên gia tài chính” rồi đấy.

Đi làm thêm

Nhiều bố mẹ sẽ phản đối và coi đó là hành động bóc lột sức lao động trẻ em. Tuy nhiên, theo tôi, sẽ chẳng bao giờ các bạn trẻ có thể hiểu và cảm thông được với sự vất vả của công việc kiếm tiền nếu các bạn ấy không nếm trải cảnh đi làm thêm.

Có đi làm, tự tiêu bằng tiền mình kiếm ra, các bạn ấy mới hiểu cái khó, cái khổ của từng công việc.

Là người quản lý nhân sự nhiều năm, tôi lắm lúc thấy thương cho những hiểu biết vô cùng hạn hẹp đến mức ngây ngô của một số các bạn thanh niên khi mới bước chân đi làm.

Bạn nào cũng nghĩ mình tài hoa lỗi lạc nên những việc tầm thường như rót nước pha trà, khuân vác đồ đạc… các bạn ấy nghĩ là không cần thiết phải làm.

Nhiều bạn có suy nghĩ là mình bị bạo hành, lạm dụng sức lao động khi thấy công việc quá khó khăn.

Nếu các bạn ấy được làm quen ngay khi còn đang đi học, đến lúc ra trường đi làm, các bạn ấy sẽ thấy mọi việc đơn giản hơn ăn kẹo và sẽ nhiệt tình phấn đấu, tích lũy cho một ngày mai thành công.

Vì thế, theo tớ, teen cần công việc làm thêm. Chọn việc cho con và giúp con hoàn tất công việc (đừng hùa với con để chê bai người sử dụng lao động bởi vì điều đó chỉ khiến cho các bạn ấy lười biếng, ỷ lại mà thôi).

Tự chăm sóc bản thân và người khác

Cái việc này nghe chừng càng ngày càng quan trọng. Các cha mẹ cần trang bị cho con một số kiến thức y học phổ thông cho con để con biết tự sơ cứu bản thân kịp thời ngay khi chớm mắc bệnh lúc đang ở một mình.

Các cha mẹ cũng cần trợ giúp con cả các kỹ năng tự phát hiện vấn đề và giải quyết sớm.

Ở xa nhà mà bị bệnh là hốt hoảng lắm. Nhưng nếu con có chút kỹ năng tự chăm sóc bản thân rồi thì chắc chắn con sẽ bình tĩnh hơn.

Tập cho con thói quen trữ một số thuốc thông dụng cần thiết trong nhà. Tập thói quen đọc kỹ hướng dẫn và hạn sử dụng thuốc trước khi sử dụng và hết 6 tháng thì lại thay thuốc một lần cho khỏi quá hạn các cha mẹ nhé.

thu thach khi du hoc anh 2

Làm việc nhà là kỹ năng teen cần biết trước khi du học. Ảnh: Getty Images.

Làm việc nhà

Úi giời ơi, lại việc nhà. Khéo cả nhà gọi tôi là Ms Hương-Việc nhà mất thôi. Nhưng thật sự việc nhà là vô cùng quan trọng.

Ban đầu, có thể các mẹ chia sẻ với con. Khi con đã lên lớp 10 thì tốt nhất dù trai hay gái, các mẹ hãy dồn mọi việc cho con, coi chúng như một quản gia.

Lý do là sau này khi đi du học, con sẽ thực sự là một “quản gia” của chính mình. Vì thế, cho con tập để con còn làm cho tốt.

Các bố mẹ đừng thương quá mà làm hộ con, con sẽ không học được kỹ năng quản lý gia đình đâu.

Kỹ năng quản lý thời gian

Thời gian biểu là phương tiện vô cùng cần thiết với các con trong thời gian học THCS và THPT. Nếu thiếu món này, bọn trẻ sẽ luôn cảm thấy vất vả và thiếu thời gian.

Chỉ một chút sao nhãng kiểu: ừ, nghe nhạc tí đã… là bọn trẻ có thể sẽ muộn học hoặc không làm hết bài tập. Nhưng học hết cả ngày cũng chẳng tốt mà chẳng ai có sức học như thế cả.

Vì thế, phân bổ thời gian hợp lý và khoa học là điều mà bọn trẻ cần phải làm. Các cha mẹ cần giám sát chặt chẽ việc lập thời gian biểu và kiểm tra việc thực thi theo thời gian biểu cho đến khi mọi việc đi vào quỹ đạo.

Chỉ có vậy, các bạn ấy mới học được kỹ năng quản lý thời gian và rèn giũa để có tác phong nhanh nhẹn hơn.

Thận trọng trong việc kết bạn

Việc này không hề đơn giản chút nào. Tuy nhiên, các cha mẹ có thể hỗ trợ con một chút xíu thông qua các kênh thông tin khác nhau.

Các cha mẹ có thể dạy con vài kỹ năng xem tướng mặt, các dấu hiệu bạn tốt, bạn xấu và cả kỹ năng kết bạn và giữ bạn. Các cha mẹ cũng nên làm gương tốt cho con.

Mẹ có nhiều bạn và các bạn đối xử với mẹ thật tuyệt vời cũng là một bài học tốt để con noi theo. Những tấm gương người xấu điển hình cũng nên cung cấp cho con biết, đặc biệt là những thông tin về các vụ án bắt cóc, xâm hại. Hãy dạy con cách ứng phó với các tình huống giả tưởng mà các cha mẹ có thể đưa ra.

Tuy nhiên, sống hết lòng và chân thành với bạn cũng là điều cần dạy con. Sẽ có lúc con ở xa gia đình, lúc đó bạn bè là những người sẽ bên con và nâng đỡ con.

Vì thế, dạy con đối tốt với bạn bè là rất quan trọng. Các cha mẹ cũng cần phải lắng nghe và làm bạn cùng con. Chỉ có như vậy, con mới có thể học được các kĩ năng kết bạn và chọn bạn mà chơi.

Kỹ năng tự sám hối

Để con tiến bộ nhanh, chẳng có gì tốt hơn là dẹp bỏ cái tôi to đùng để nhận biết mình sai ở đâu còn sửa cho nhanh. Khi một sự việc xảy ra, cha mẹ cần ngồi với teen cho đến cùng để chỉ rõ những điểm chưa được của teen.

Hướng dẫn teen thay đổi và nhớ khen ngợi con khi con đã có chút tiết bộ. Chỉnh sửa bản thân thật nhanh, không tự ái khi bị phê phán là việc con vô cùng cần học. Giúp con đi nhé các cha mẹ.

Kỹ năng tự ra quyết định

Trong suốt thời gian con học tập và sinh sống xa nhà, chắc chắn không ít lần con phải tự ra các quyết định quan trọng với cuộc đời của chính mình.

Vì thế, hãy giảm bớt dẫn đến chấm dứt hoàn toàn việc can thiệp của cha mẹ vào các quyết định của con ngay từ bây giờ sẽ giúp con học được cách tự tin quyết định mọi việc một cách sáng suốt.

Cha mẹ đừng nghĩ rằng con còn quá bé, chúng rồi sẽ lớn và sẽ giỏi hơn chúng ta nhiều đấy.

Du học thì ai cũng nghĩ đến là đi nước ngoài nhưng cũng có hình thức “du học trong nước” như các bạn sinh viên từ quê lên Hà Nội học tập.

Vì thế, tỷ lệ các bạn trẻ đi du học không hề ít. Hãy làm sao để con vững vàng vượt qua thời gian vất vả này và vươn tới thành công các cha mẹ nhé!

'Teen ơi, làm bạn nhé' - Kế hoạch dạy con suốt 18 năm

Theo TS Vũ Thu Hương, phụ huynh nên lập kế hoạch dạy con trong suốt 18 năm đầu đời để tránh ngỡ ngàng, lúng túng, thậm chí sốc khi con bước sang giai đoạn mới.

Trích sách "Teen ơi, làm bạn nhé"

Bạn có thể quan tâm