Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sự vô ơn, ích kỷ - bạn đang dạy con cái gì vậy?'

"Giờ đây, nhiều gia đình chẳng dạy con biết ơn cha mẹ nữa. Bọn trẻ sống trong thế giới vô ơn, chỉ nghĩ đến bản thân mình" - trích "Teen ơi, làm bạn nhé" của TS Vũ Thu Hương.

Cuốn Teen ơi, làm bạn nhé là những suy ngẫm của TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong quá trình nuôi dạy con.

Bằng kinh nghiệm của bà mẹ và là người tiếp xúc nhiều tâm lý trẻ em, tác giả đúc rút mối quan hệ giữa trẻ tuổi dậy thì với cha mẹ, những hiểu nhầm, sai lầm từ hai phía và cách giải quyết vấn đề.

Được sự đồng ý của TS Vũ Thu Hương, Zing xin trích đăng một phần cuốn sách.

Mới hôm qua, tôi nghe được những câu chuyện đến kỳ lạ về đám trẻ. Đó là khi thầy cô giáo ốm, bọn trẻ hoàn toàn không có ý thức hỏi thăm thầy cô lấy một câu.

Khi trong lớp có một bạn được bố mẹ gợi ý đã hỏi thăm cô giáo và tặng cô một cái bánh chưng nhỏ, có vài bạn khác về nhà xin tiền bố mẹ để mua quà tặng cô, chúc cô mau khỏe. Bố mẹ các cháu mắng con té tát và nói: Tại sao phải mua cho cô? Cô đòi hỏi à?

Khi biết được câu chuyện này, tôi thực sự điếng người. Phải chăng xã hội toan tính và thị trường đến mức biến con người thành những cỗ máy vô cảm. Phải chăng cha mẹ muốn dạy con vô ơn và vô cảm với mọi thứ xung quanh.

ban dang day con gai gi vay anh 1

TS Vũ Thu Hương cho rằng nhiều phụ huynh không còn dạy con về lòng biết ơn. Ảnh minh họa: Parent Toolkit.

Vụ chị bác sĩ gác chân lên ghế bị cả xã hội lên án cũng như thái độ soi mói của phụ huynh trước mọi việc làm của giáo viên cũng thể hiện sự vô ơn, vô cảm khủng khiếp mà dường như dư luận lại đang cảm thấy là đúng đắn.

Tôi nhiều khi nằm nghĩ, trong lúc chúng ta chăn ấm đệm êm ở đây, các bác sĩ đang chiến đấu với các loại dịch bệnh có phải là họ quá sung sướng.

Bạn tôi kể có cô y tá, con nằm cấp cứu trong khoa hồi sức, mẹ vừa tiêm cho bệnh nhân vừa khóc, vãn bệnh nhân là lao ra chỗ con. Lại có bác sĩ sốt trên 39 độ vẫn đi trực, khám cho bệnh nhân.

Thật sự, tôi muốn hỏi cả nhà, khi họ mệt mỏi, họ đau đớn như vậy, họ vẫn không có quyền gác chân hay sao? Vào viện, tôi gặp cảnh khi cần thì gọi bác sĩ ầm ầm, họ bận chưa ra thì điên tiết chửi bới họ. Vậy nhưng, khi họ khám xong, chẳng mấy câu cảm ơn dành cho họ cả.

Tôi vào viện khám thường xuyên như cơm bữa, vậy mà khi tôi cảm ơn các bác sĩ, vài người tròn mắt nhìn tớ, có người cười rất vui tươi, có người gật đầu hớn hở. Phải chăng, điều đơn giản là nhận câu cảm ơn từ bệnh nhân cũng là điều hiếm gặp ở các bệnh viện thời nay.

Việc ăn uống của các con hiện nay cũng là sự vô ơn cực kỳ. Chẳng mấy cha mẹ nói cho con biết sự vất vả của bác nông dân khi làm ra hạt thóc nuôi con như ngày xưa bố mẹ tôi đã dạy con mình. Cũng chẳng bố mẹ nào dạy con rằng mẹ nấu cơm cũng khá mệt mỏi. Con rất cần cảm ơn điều đó.

Với thầy cô giáo, ngày 20/11, dạo này không còn là sự tôn vinh công sức của thầy cô, là dịp để trẻ bày tỏ lòng biết ơn với thày cô nữa. Đó trở thành dịp để các cha mẹ tìm đến thày cô đặt tiền đòi sự quan tâm đến con họ hơn con người khác. Mối quan hệ tiền bạc đã biến xã hội Việt Nam thành xã hội vô cảm đến mức đau lòng.

Giờ đây, nhiều gia đình cũng còn chẳng dạy con biết ơn cha mẹ nữa. Bọn trẻ sống trong thế giới vô ơn, chỉ nghĩ đến bản thân mình và hoàn toàn không bao giờ đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ.

Tôi đào tạo sinh viên 20 năm nay và nhận ra rằng: các bạn ấy ngày càng vô ơn, vô cảm và vô trách nhiệm. Đám tốt nghiệp gần đây nhất luôn kể với tôi về những ngôi trường quá đáng, dám đòi hỏi họ phải ký hợp đồng 3 năm, 5 năm chứ không ký từng năm một.

Chẳng bạn nào nhìn ra được rằng nhà trường nơi họ sắp vào làm việc sẽ tạo cơ hội cho các bạn ấy được học tập, rèn luyện trong điều kiện thực tế, trong các lớp tập huấn, và trường cần đảm bảo công sức đào tạo của họ phải được đền bù bằng những giáo viên chắc tay nghề và làm việc nghiêm túc với khoảng thời gian 3 năm, 5 năm.

Ai cũng thích nhà trường cho họ lương cao, dạy họ cách làm để trở thành giáo viên giỏi nhưng không được đòi hỏi, yêu cầu gì họ, để họ tùy ý rời bỏ trường đi nơi khác bất kể lúc nào cũng được. Có bạn đã bỏ trường cũ đi tìm trường mới chỉ vì sự ràng buộc làm việc trong 3 năm, 5 năm.

ban dang day con gai gi vay anh 2

Rên rỉ, chửi bới, kết tội quá nhiều, chúng ta chỉ làm cho mọi thứ tối tăm, xấu xa đi. Ảnh minh họa: VICE.

Thói vô ơn, vô cảm kéo theo sự vô trách nhiệm với cơ quan, với bản thân chính là mầm mống của nhiều vấn đề kế tiếp về sau.

Ngay cả người lớn hiện nay cũng chẳng có mấy người biết ơn và thể hiện điều đó. Tất cả chỉ suy nghĩ dưới lăng kính của lợi ích của tiền bạc mà thôi.

Chúng ta thừa biết sau năm 1975, đất nước ta tan hoang sau 2 cuộc chiến tranh tàn bạo. Thực phẩm không có, đói khát triền miên. Điện không có, bóng tối bao trùm, đất nước nghèo nàn lạc hậu như thời kì đồ đá.

Sau hơn 40 năm, mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác. Chúng ta không những đã thoát nghèo mà phần lớn dân chúng còn là những người giàu có. Từ đi bộ, xe đạp, chúng ta chạy xe máy, ôtô và có người có máy bay riêng.

Từ đói khát, giờ đây chúng ta suốt ngày lo giảm béo, lo dư thừa thực phẩm. Từ chiến tranh liên miên giờ đây chúng ta có vị thế trong suy nghĩ của bạn bè quốc tế.

Vậy nhưng điều chúng ta đọc được hàng ngày trên Facebook vẫn là sự chỉ trích, bôi nhọ, nói xấu, kêu ca, hờn dỗi chính quyền.

Tôi đi đã nhiều, gặp gỡ nói chuyện với bạn bè quốc tế không ít. Tôi nhận ra rằng: chẳng ở đâu là không có chuyện này chuyện kia. Chẳng chính phủ nào không có vấn đề. Chẳng có xã hội nào trong vắt như pha lê.

Nhưng nếu rên rỉ, chửi bới, kết tội quá nhiều, chúng ta chỉ làm cho mọi thứ tối tăm, xấu xa đi mà thôi. Cảm giác của tôi mỗi khi nghe những chuyện này là nỗi buồn da diết và sự thất vọng ngập tràn.

Tôi đã mong muốn đóng góp công sức để làm giáo dục Việt Nam và xã hội Việt Nam tiến bộ.

Rõ ràng, người lớn chúng ta cần luôn suy nghĩ và hành động tích cực. Những suy nghĩ tiêu cực dạng này sẽ chỉ khiến con trẻ học theo thói quy nghĩ vô ơn, đòi hỏi, yêu cầu mà không muốn cống hiến, phấn đấu vì đất nước cũng như không biết cảm thông bao dung cho người khác, ngành nghề khác.

“Cha mẹ là số phận của con cái”. Nếu các cha mẹ luôn thể hiện thái độ rõ ràng với tốt/xấu, có thái độ lịch sự, cảm thông và bao dung với mọi người ở khắp mọi ngành nghề, có suy nghĩ minh bạch, thể hiện tầm hiểu biết cao rộng … thì con trẻ cũng sẽ học theo và sống tích cực, đóng góp nhiều cho xã hội, trở thành những người có ích.

'Teen ơi, làm bạn nhé' - 12 điều thiết yếu cần dạy con gái

"Chúng ta không thể đẻ theo phong trào, chiều con vì mặt chúng dễ thương, chăm con vì nỗi lo sợ của chúng ta được", TS Vũ Thu Hương nhận định.

Trích sách "Teen ơi, làm bạn nhé" của TS Vũ Thu Hương

Bạn có thể quan tâm