Tác giả Nick M (Nguyên Minh Ngọc) có một năm 2018 thành công. Anh là chủ biên và tác giả của 2 cuốn sách gây ấn tượng tốt: 1987 và Ba lô trên thảm đỏ. Nếu cuốn sách đầu tiên là hoài niệm thế hệ, thì cuốn sách thứ hai tập trung vào nghề làm báo giải trí và những cuộc du hành.
Nhưng cả hai cuốn sách đều nói lên con người của tác giả: sống hết mình cho tuổi trẻ và những chuyến đi xa. Nick M có cuộc trò chuyện đầu năm với Zing.vn về cảm hứng sống bất tận của anh.
Không có nhà xe như bạn bè, tôi hoàn toàn không thấy thua kém
- Trong cuốn sách “Balô trên thảm đỏ” của anh, nhiều người đọc ấn tượng vì “sự đánh đổi”. Anh đã đánh đổi những gì để sống một tuổi trẻ theo ý mình?
- Tôi đánh đổi thời gian, tiền bạc, sức khỏe nhưng quan trọng nhất là “vùng an toàn” của bản thân. Tốt nghiệp đại học ở tuổi 22, tôi mất phương hướng. Cha mẹ tôi là thế hệ cũ, luôn muốn “đón đầu” bằng việc hướng tôi và em trai làm viên chức trong cơ quan gần nhà và là chỗ người quen.
Tuy nhiên, nghề viết thực sự thay đổi cuộc đời tôi. Khi mới làm báo, cha mẹ vẫn nghĩ tôi chỉ làm “thử sức”, sau sẽ kiếm chỗ “nhàn và ổn định hơn”. Nhưng nghề viết dẫn tôi đến với những chuyến đi. Và những chuyến đi tạo giúp tôi có nhiều cuộc gặp gỡ đầy cảm hứng. Càng viết, đi và gặp nhiều, tư duy của tôi càng thay đổi.
Đến nay, tôi tự tin khẳng định luôn biết mình muốn gì, làm chủ cuộc sống và biết cách tận hưởng nó. Đánh đổi sự “an toàn” đổi lấy một tuổi trẻ rực rỡ, phóng khoáng và tinh thần lạc quan. Đó là lựa chọn của tôi và tôi biết mình không sai.
- Qua tuổi 30, khi nhìn lại những tài sản vật chất mình đã có so với bạn bè, anh có cảm giác thua kém?
- Chắc chắn tôi có sự thua kém, vì qua tuổi 30, bạn bè tôi nhiều người đã có nhà, có xe hơi, có gia đình (thậm chí còn “tập 2”, “tập 3”). Nhưng còn cảm giác thua kém thì hoàn toàn không.
"Đánh đổi an toàn để lấy một tuổi trẻ rực rỡ và phóng khoáng, tôi biết mình không sai"
Nick M
Mỗi khi gặp bạn bè đồng trang lứa hay họp lớp, tôi luôn tự tin, chẳng có gì phải tủi thân khi bạn bè giàu về vật chất, còn mình chưa có gì. Hơn thua là do góc nhìn thôi.
Tôi có những cô bạn, ngay từ tuổi 18, mục đích sống duy nhất chỉ là lấy chồng giàu để hưởng thụ cuộc sống nhàn nhã. Tôi có những cậu bạn coi việc đi du lịch là vô bổ và nên đầu tư tiền làm ăn để mua nhà, mua xe vì đó là hai thứ mà ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ.
Tôi không phán xét và tôn trọng sự khác biệt. Với tôi, vật chất không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Thế nhưng, trải nghiệm tuổi trẻ thì khác, đó là thứ tài sản được sinh ra và sẽ mất đi theo thời gian.
Trèo lên cây cầu xanh nổi tiếng ở Budapest trong chuyến đi 1 tháng ở Ý và Đông Âu hè 2018. |
Đi 20 quốc gia, 100 thành phố chỉ trong 5 năm
- Số tiền anh bỏ ra để đi hay chơi khắp thế giới trong 10 năm qua là khoảng bao nhiêu?
- Trong 10 năm, tổng số tiền tôi dành cho các chuyến đi chắc phải hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi thực sự đi nhiều từ năm 2013. Số tiền cho những chuyến đi 5 năm trở lại đây cũng phải 700 triệu.
Với số tiền đó, xe thừa sức mua được, thậm chí 2 chiếc. Nhà thì cố thêm chút nữa hoặc đi vay là được căn chung cư. Trong 2 năm đầu tiên đi làm, tôi gần như không đi đâu và mỗi năm để dành được 100 triệu đồng.
Tại Venice, lần đầu tiên đi châu Âu vào năm 2013, khi 26 tuổi. Đã dành 80 triệu cho chuyến đi kéo dài 2 tuần. |
Nhưng từ năm thứ ba, tôi đi nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn và nhận ra đam mê của mình là du lịch, khám phá vùng đất mới. Tiền tiết kiệm 2 năm đầu tôi tiêu hết vào các chuyến đi.
5 năm qua, tôi đi hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến thăm gần 100 thành phố. Tôi đến được những nơi mơ ước thuở bé như châu Âu, Nhật Bản.
Sau mỗi chuyến đi, tôi lại có thêm nhiều năng lượng, cảm hứng sáng tạo, kỹ năng sống, tư duy. Những thứ đó có thể “mua” được, nhưng sẽ cần rất nhiều tiền bạc, thời gian và chút liều lĩnh của tuổi trẻ.
Nếu tôi làm việc chăm chỉ như một cái máy và không đi đâu hết trong vòng 10 năm thì giờ đây, tôi có thể mua được cả xe lẫn nhà mặt đất.
Nhưng dám chắc một điều, tôi cũng sẽ hóa điên hoặc bị bệnh hiểm nghèo. Là người yêu tự do, tôi tìm thấy ở các chuyến đi sự cân bằng cho cuộc sống.
Điểm đến trong mơ từ năm tháng niên thiếu, Santorini (Hy Lạp), trong chuyến đi lần đầu tới châu Âu 2013. |
- Anh sống ở đô thị lớn. Ở đó, chủ đề giá đất, giá nhà vẫn là mối quan tâm thường trực. Anh có đứng ngoài những cuộc trò chuyện đó?
- Ngược lại, đó là chủ đề quen thuộc của tôi và bạn bè. Tôi rất quan tâm tới chuyện nhà đất, giá cả thị trường hay những thay đổi của cuộc sống đô thị hiện đại: Khu vực nào nhà đang hot? Chung cư nào mới mọc lên?
"Nếu làm việc như cái máy và không đi đâu trong 10 năm thì giờ đây, tôi mua được cả xe lẫn nhà mặt đất. Nhưng chắc chắn một điều, tôi cũng hóa điên"
Nick M
Đó là những chủ đề mà chúng tôi luôn bàn tán sôi nổi trong những buổi cà phê hay trên bàn nhậu.
Ngày trước, mua nhà là để có một cuộc sống ổn định nhưng với thế hệ hiện nay, đặc biệt là thế hệ Y (Millennials) như tôi, mua nhà còn là để đầu tư: mua ở đâu thì bán được giá, dễ cho thuê.
Người trẻ ngày nay xê dịch liên tục, khó ở mãi một chỗ nên chuyện mua nhà càng phải tính toán rất kỹ.
Sống trọn tuổi trẻ không phải là tàn phá sức khỏe
- “Tuổi trẻ là quãng thời gian bạn sẽ tàn phá thể chất mình một cách triệt để”, quan niệm này của anh có cực đoan không khi các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột quỵ… đang bị trẻ hóa?
- Đúng là ngày càng có nhiều người trẻ mắc những căn bệnh hiểm nghèo, phần lớn do lối sống. Nhưng câu nói của tôi là cách ví von về sự cân bằng giữa công việc và hưởng thụ cuộc sống, chứ không phải cổ vũ lối sống "phá sức".
Đại nhạc hội Sziget ở Budapest (Hungary) năm 2018, đánh dấu là show ca nhạc quốc tế thứ 20 từng trải nghiệm trong vòng 5 năm. |
Tuổi trẻ cho bạn quyền làm việc và vui chơi hết mình. Tôi luôn nghĩ năng lượng tuổi trẻ giống như một cục pin đầy, bạn phải xài hết thì mới sạc tiếp. Nếu mới chỉ xài chưa đến nửa mà đã sợ sập nguồn và lập tức cắm sạc tiếp thì rất dễ chai pin.
Những năm tháng thanh xuân, tôi có thể làm việc thâu đêm suốt sáng cả 7 ngày trong tuần nhưng sau đó, tôi sẽ tự thưởng một chuyến đi chơi xứng đáng để “sạc pin”.
Tôi hoàn toàn không ủng hộ lối sống “phá sức” như làm việc căng thẳng, bế tắc đến mức phải nhập viện hay chỉ ăn chơi sa đọa “quên tháng ngày” bên các loại chất kích thích. Đó là nguyên nhân gây ra những căn bệnh hiểm nghèo.
Điều cốt lõi để có một tuổi trẻ “triệt để” là sự cân bằng. Bạn phải làm chủ được chính mình. Một cục pin đầy nếu để đó không xài thì cũng hao mòn theo thời gian chứ chẳng thể vĩnh cửu được. Năng lượng tuổi trẻ cũng vậy.
Ngày mai luôn là một ngày khác mà chúng ta vẫn đang sống. Chính vì thế, hãy đủ tỉnh táo để tiếp tục đón nhận nó. Khi tuổi trẻ qua đi, thứ còn lại trong mỗi người là sự trưởng thành.
Một mình trên chuyến tàu từ Czech sang Áo trong chuyến đi du lịch xa một mình đầu tiên. |
Sống cho mình không có nghĩa là ích kỷ
- Trong sách của mình, anh cổ vũ đi khi còn trẻ vì về già không còn sức tận hưởng. Liệu đó có phải là lối sống khi anh có quyền lựa chọn, còn nhiều người khác, họ không có quyền chọn vì phải lo kinh tế gia đình?
- Quyền lựa chọn là ở mỗi người, không ai có quyền bắt ép người khác. Bạn có thể vừa lo kinh tế gia đình mà vẫn có thể đi, tại sao không? Việc đi du lịch giờ đây không còn quá khó khăn và tốn kém như thời bao cấp, quan trọng là bạn có muốn đi hay không thôi. Kinh tế chỉ là một phần quyết định cho vị trí địa lý.
Hãy tự trả lời câu hỏi “Bạn đang sống vì ai?”. Nếu bạn sống vì người khác thì hãy răm rắp nghe theo như một con robot và không phàn nàn bất cứ điều gì. Nhưng nếu bạn sống vì chính mình, hãy làm những điều khiến bản thân không hối hận.
Tác giả Nick M đi để gặp gỡ và viết. Anh gặp gỡ nhiều ngôi sao điện ảnh trong những chuyến công tác nước ngoài. Ảnh chụp với nam diễn viên Keanu Reeves. |
Sống vì mình không đồng nghĩa với ích kỷ. Phán xét hay áp đặt người khác phải lựa chọn theo ý mình mới là sự ích kỷ. Tôi cổ vũ việc đi khi còn trẻ vì khi đó, ta mới có đủ sự va vấp để trưởng thành, đủ thời gian hoàn thiện kỹ năng sống, khám phá bản năng sinh tồn. Nếu không nghĩ mình có quyền lựa chọn thì làm sao lo được cho người khác?
"Nếu bạn chọn sống như một con robot thì hãy răm rắp nghe lời. Còn nếu bạn sống vì chính mình thì đừng hối hận"
Nick M
- Bạn bè anh có sống tuổi trẻ theo ý mình?
- Tôi sinh năm 1987, giai đoạn giao thời của đất nước. Bối cảnh thay đổi giữa cũ và mới khiến thế hệ tôi bị phân thành nhiều nhóm, mỗi người một con đường riêng.
Có những người như tôi, phản đối mọi thứ mà chúng tôi coi là “cổ hủ” để sống theo ý mình. Nhưng cũng có những người chấp nhận an toàn, ổn định. Họ kết hôn sớm, dành cả tuổi xuân theo đuổi công việc mình không đam mê nhưng đem lại tiền bạc để mua nhà, mua xe. Đến khi có biến cố, họ không chịu đựng nổi và tuyệt vọng, luyến tiếc tuổi trẻ đã qua.
Tôi có rất nhiều người bạn lập gia đình sớm và rồi hôn nhân đổ vỡ, họ đau khổ và bị tổn thương bởi những lời nói cay độc của xã hội. Chúng ta đang sống trong thế giới hiện đại mà đám đông rất dễ bị thao túng, chạy theo xu thế mà không cần biết đúng sai. Tôi nghĩ là hãy sống sao để không phải hối tiếc.