Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

1987: Trẻ đến trang cuối, già dặn như nỗi buồn

Trong rất nhiều những cuốn sách có màu sắc tự truyện hay hồi ký, "1987" đem lại một cảm giác man mác bùi ngùi mà vẫn nhiều vẻ non tơ.

sach ve the he 1987 anh 1sach ve the he 1987 anh 2

Trong rất nhiều những cuốn sách có màu sắc tự truyện hay hồi ký, "1987" đem lại một cảm giác man mác bùi ngùi mà vẫn nhiều vẻ non tơ.

Nó gợi đến những thế hệ người Việt thời toàn cầu hóa, cứ trẻ mãi không già. Dường như họ của những năm bắt đầu Đổi mới với họ của năm họ ba mươi tuổi không mấy đổi khác.

Cái vẻ trẻ trung phơn phớt nhung tuyết đó đôi khi làm nhói lòng người đọc đã đi qua quãng đời như thế, những người cùng chia sẻ không gian văn hóa của các tác giả. 1987, trước hết, đã nói trúng một lịch sử của sự lớn lên và trưởng thành.

sach ve the he 1987 anh 3sach ve the he 1987 anh 4

sach ve the he 1987 anh 5

Lợi thế đầu tiên là có hẳn một tập thể đông vừa đủ, và cũng đủ đa dạng để đọc liền mạch mà không bị nhàm chán. Vừa một giọng hơi học trò đã thoắt sang một giọng có phần từng trải, vừa có sự ngây thơ dại khờ lại có sự thản nhiên phớt tỉnh sớm trước tuổi.

sach ve the he 1987 anh 6

Điều này không mới. Nhưng cái tinh thần thoải mái phơi bày tâm trạng có vẻ là một điều các thế hệ trước ít dám làm. Kể từ chuyện động trời như bỏ nhà đi, chuyện các cô cậu cấp Hai (THCS) dám đọc sách “đen” hay khám phá phim “tươi mát”, hoặc chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân, họ cũng không nhìn nhận một cách khắc nghiệt hay mặc cảm tội lỗi nặng nề, cũng vẫn có một giọng kể khá tỉnh như khi viết về món đồ chơi điện tử bốn nút hay những thú vui trẻ thơ…

Điều này thể hiện một tinh thần cởi mở về nhân sinh quan, mà theo tôi những thế hệ lớn hơn vẫn còn chưa lấy làm thoải mái khi đối diện. Vì thế ở 1987, những đám mây u ám bi quan chỉ thoảng bay qua chứ chưa tạo ra những cơn mưa sầu thảm.

Bởi lẽ, các tác giả dường như viết với tâm thế rằng mình đang viết với một tập thể, một đồng bọn đứng sau cổ vũ “cứ nói ra đi, cứ viết ra đi”. Ở đây không có tác giả cô đơn dù nhân vật có lúc rất cô đơn.

sach ve the he 1987 anh 7

Các tác giả cũng đồng thời là các nhân vật của những mẩu tự truyện như thể họ đang tương tác với nhau, trong cùng một lớp học. Dù họ không đề tên tác giả từng bài, và cũng có thể nhận ra câu chuyện của một số người nổi tiếng như hoa hậu Ngô Phương Lan hay diễn viên Elly Trần, cũng như những bạn trẻ làm nghề kinh doanh hay một đứa trẻ nào đó đã từng đắm đuối những ban nhạc của kênh MTV, thì ta vẫn mặc nhiên quy ước đây là một tác giả chung.

Như thể ta đang đọc ký ức của một đứa em, một người bạn, hay của chính mình. Và ta có lúc thật sự ngổn ngang tâm trạng khi chứng kiến một phần đời đã lỡ nhịp, hay một mối tình trong trẻo bỗng dưng tan giữa thành phố lớn nơi nhiều khi người với người lướt qua nhau lắm hờ hững.

Bao nhiêu khát vọng của tuổi thanh xuân chưa thành, chẳng biết rồi có nên trong những năm của tuổi 30 sắp đến không? Cái cảm xúc bùi ngùi ấy như thể một tác dụng phụ rất khéo mà 1987 tạo ra một cách rất tự nhiên.

sach ve the he 1987 anh 8sach ve the he 1987 anh 9

sach ve the he 1987 anh 10

Cuốn sách thực ra không có nhiều mẩu tự truyện buồn. Thường chúng được gài cắm những tình huống buồn cười, hóm hỉnh, hơi chút láu lỉnh vặt của trẻ con. Nhưng có một cái độ già dặn nào đó len lỏi trong cách những bạn trẻ nhìn đời.

Với họ hình như các biến cố xảy ra là chuyện vô thường. Cái được hôm nay có thể sẽ là mất mát ngày mai, hay sự cố lúc này cũng chẳng thể làm họ gục ngã.

Như lời diễn viên Chiều Xuân trong tư cách mẹ của một bạn sinh năm 1987 và của chính một tác giả tại buổi giao lưu ra mắt sách tại Hà Nội vừa qua, thì “bọn sinh năm 1987” hay tuổi Đinh Mão thường “bướng lắm”, đã muốn làm gì thì sẽ làm cho bằng được.

Và hơn hết, bọn chúng có vẻ bình tĩnh, mềm dẻo trước các tình huống. Nhưng cũng chính vì thế, người đọc sẽ thấy ở đấy một nụ cười man mác vị buồn, như thể nụ cười của kẻ lữ hành đã nhìn thấy con đường hắn sẽ đi.

sach ve the he 1987 anh 11

Nhiều người nói đến cuộc đời như một món quà, hay tuổi thanh xuân là phần quý giá nhất của kiếp người, nhưng 1987 không đi tìm cách định nghĩa tuổi trẻ của họ như vậy. Không cực đoan hay đề cao quá mức một điều gì, 1987 của gần 30 tác giả đồng niên từ tốn kể về 30 năm đầu cuộc đời của mình một cách thành thực.

Thật sự phải có một suy nghĩ chín chắn nhất định để đạt được không khí ấy. Để rồi trên cái mạch nối già dặn bằng một nhận thức có tính thế hệ hơn là kinh nghiệm, là những lấp lánh tươi trẻ.

sach ve the he 1987 anh 12

Cuốn sách có bối cảnh trải ra từ Bắc vào Nam, có cả tác giả xuất thân từ vùng miền núi và nông thôn, nhưng đa phần tại hai thành phố lớn - Hà Nội và TPHCM.

sach ve the he 1987 anh 13

Tất nhiên đa số tác giả đều sinh trưởng trong những gia đình tương đối ổn định về kinh tế, thậm chí có người con nhà ngoại giao hoặc bố mẹ là những người thành đạt.

Họ sinh ra vào năm mà cuộc Đổi mới kinh tế bắt đầu, và họ thuộc vào lứa đã thừa hưởng những thành quả của công cuộc này ở một phạm vi rộng và ở một tác động mạnh mẽ, và họ cũng là lứa đầu tiên tiếp xúc các sản phẩm nghe nhìn toàn cầu ngay từ ấu thơ.

Họ đã có thể ước mơ, khao khát và chinh phục các mục tiêu thế giới, và cũng là lứa đã dám nhìn nhận bằng cấp hay địa vị không phải là tất cả. Với họ, niềm vui sống và sự dấn thân là điều quan trọng hơn cả. Như những bài viết cuối cùng, khi họ sắp đến ngưỡng ba mươi tuổi, họ lựa chọn hành trình đi tiếp và thay đổi chính mình để tiến bộ, cho dù có thể có những khó khăn chờ sẵn.

Chủ biên của cuốn sách, Ngọc Nick M., vốn là một nhà báo nhiều tương lai ở tờ báo điện tử đông người đọc, đã chọn một hành trình mới như vậy trước thềm ba mươi tuổi.

Cuốn sách này ra đời phải kể tới công tập hợp và thuyết phục gần 30 bạn trẻ đi đến đích. Dường như đây chính là một thách thức đầu tiên cho hành trình của Ngọc. Ngọc và các bạn không đánh mất sự trong trẻo trong chặng đầu này, và họ như một tập thể “dream team” vậy.

sach ve the he 1987 anh 14

Cách chúng ta tương tác với xung quanh thể hiện nhiều về chúng ta hơn là khi chúng ta tự bộc lộ. Không phải điều gì các bạn viết cũng là thuyết phục cả, nhưng cách các bạn tin ở điều mình viết ra đáng trân trọng. Xã hội của 1987 cũng như một xã hội lý tưởng vậy, nơi các cá thể bắt tay nhau, chia sẻ hào hiệp và ngay cả khi “không yêu cũng không nói lời cay đắng”.

Với bất kỳ ai, 1987 cũng đem lại một cảm giác dễ chịu ấy, khi mở ra và đọc bất kỳ mẩu tự truyện nào. Đọc chúng cũng như thể sờ vào lớp nhung tuyết đẹp, đôi khi ta phải nhẹ tay nâng niu. Đọc để nghĩ xem, chừng nào xã hội mình đang sống có thể dễ chịu và dễ mến như thế.

Và chính các bạn 1987, không biết mười năm tới, xã hội các bạn đã vun đắp trong thời thanh xuân của mình, sẽ chính là xã hội rộng lớn ngoài kia không? Lớp nhung tuyết ấy có còn được giữ?

sach ve the he 1987 anh 15

Sách ‘1987’ vẽ chân dung một thế hệ

Ngô Phương Lan, Lê Cát Trọng Lý, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, nhà báo Đức Hoàng… cùng kỷ niệm tuổi 30 của mình bằng một cuốn sách mang tên “1987”.

Nguyễn Trương Quý

Đồ hoạ: Minh Trí - Nguyên Anh

Bạn có thể quan tâm