Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi 30 hôm nay: Kết hôn muộn, yêu tự do, tình dục là chuyện nhỏ

Những người sinh năm 1987 nay đã 30 nhưng đôi khi trẻ măng, sẵn lòng muộn vợ muộn chồng chứ không "ế" vì thích độc thân quyến rũ. Họ hiểu chính mình và có lòng tự tin cao ngất.

MV ca khúc "Ba mươi (30)" - nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng Nhạc sĩ 30 tuổi nhắn nhủ: "Bài hát tặng cho những người bạn của tôi, những người đang 30, đã 30 và sẽ 30. Ca khúc cũng nằm trong dự án sách "1987" được sáng tác bởi nhiều tác giả".

Nhà báo Nick M (Nguyên Minh Ngọc) là chủ biên kiêm tác giả cuốn sách 1987 - quy tụ 30 nhân vật 30 tuổi (sinh năm 1987) viết về thế hệ của họ. Anh có thể coi là một người điển hình cho "lối sống 30 mới" ngày nay, khi tư tưởng "tam thập nhi lập" đã là quá lỗi thời: độc thân, vật chất đầy đủ, tinh thần phóng khoáng, có mối quan hệ bạn bè rộng lớn, thường xuyên đi du lịch thế giới...

Trong một buổi cà phê thay cho sự kiện ra mắt sách tại TP.HCM, tôi diện kiến nhóm tác giả, những người sinh năm 1987. Tất nhiên, họ không có cùng một gương mặt. Nick M cao lớn chững chạc. Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng có gương mặt trẻ thơ. Và bạn bè họ, những chàng trai cô gái là họa sĩ, copywriter, biên tập viên, đạo diễn nghệ thuật, tiến sĩ điện, nhân viên ngân hàng, hoa hậu, người mẫu, ca sĩ...

"Những người 30 ngày nay đã khác rồi!" - cuốn sách như muốn hét lên điều đó. Họ cá nhân hơn, bớt truyền thông hơn trong cả hôn nhân, tình yêu, tình dục, gia đình... nhưng đều có một điểm chung là có tầm nhìn thế giới rộng lớn, có thể khả năng nhìn bao quát cuộc sống, không chỉ biết riêng mình.

Zing.vn trò chuyện với Nick M để hiểu thế giới của những người 30 trong mắt tác giả 1987.

Thích phiêu lưu, ghét ổn định, thà ích kỷ còn hơn day dứt

- Nhiều người nói thế hệ 30 tuổi ngày nay khác hẳn thế hệ 30 của 10 năm trước, hoặc của thời bố mẹ chúng ta. Còn anh nghĩ sao?

- Tôi nghĩ điều đó đúng một nửa, nghĩa là có “khác” nhưng không “khác hẳn”. Thế hệ 30 tuổi ngày nay, chính xác là 1987 và những thế hệ lân cận đều sinh ra trong giai đoạn chuyển giao của đất nước, từ thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới. Chúng tôi đều trải qua sự thay đổi trong đời sống, xã hội suốt ba thập kỷ qua.

tac gia sach 1987 noi ve tuoi 30 anh 1
Nhà báo Nick M, chủ biên kiêm tác giả cuốn sách 1987.

Thời của bố mẹ chúng ta hay thế hệ 30 cách chúng tôi 10 năm sinh ra khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, còn thế hệ 1987 đơn giản chỉ là trải nghiệm nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi quên đi những tháng ngày ấy. Tem phiếu, xí bệt, đồ chơi Liên Xô cũ, xích lô, chăn con công, tiếng pháo ngày Tết… là những ký ức mà chúng tôi có chung với các thế hệ đi trước.

- Về ngoại hình, có những người 30 ngày nay trông vẫn búng ra sữa, còn có những người lại cực kỳ già dặn. Làm sao để nhận diện họ, hay họ quá đa dạng?

- Quả đúng là như vậy (cười). Tôi cũng không hiểu sao chúng tôi sống trong cùng một giai đoạn, được nuôi dưỡng và lớn lên trong một môi trường thực phẩm như nhau nhưng về ngoại hình lại rất khác nhau. Có người bé xíu, có người lại “khổng lồ” hơn cả những lứa trẻ sau này.

tac gia sach 1987 noi ve tuoi 30 anh 2
Bìa cuốn sách 1987 của 30 tác giả tuổi 30.

Ngày nay, trẻ em sướng hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều khi được nuôi lớn bằng sữa ngoại, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài hay chí ít cũng là những loại đắt tiền và thuộc hàng tốt nhất trong nước. Ngày trước, chúng tôi đơn thuần là chỉ lo “ăn no, mặc ấm” chứ chưa nghĩ đến chuyện “ăn ngon, mặc đẹp”.

Tất nhiên là ở thế hệ nào cũng vậy, sẽ có người này, người kia. Nhưng cá nhân tôi thấy rằng những người 30 ngày nay nếu họ nhỏ con thì họ sẽ trẻ rất lâu, hoặc họ vô tư, có một cuộc sống phẳng lặng, êm đềm thì lẽ dĩ nhiên là nét “thơ ngây” vẫn toát lên trong thần thái của họ. Ngược lại, những người mà có cuộc sống vất vả, phải lo toan đủ thứ hàng ngày trước sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống hiện đại thì chắc chắn họ sẽ già dặn và từng trải hơn.

30 năm qua là giai đoạn biến động không ngừng và những ai chỉ cần quan sát cái mạch thời gian đó thôi là cũng đã đủ thấy mình già đi. Tuy nhiên, để nhận diện những người 30 ngày nay là có thể thấy họ khá ham vui.

Ta đã yêu ta đã say ta đã mơ, ta đã 30 rồi/ Có bớt vui có bớt chơi có bớt ngông, có bớt đi tươi mới?

Lời ca khúc "Ba mươi" (Phạm Toàn Thắng)

Dù bị áp lực “cơm áo gạo tiền” hay bất kỳ vấn đề gì, họ vẫn có những cách riêng để tận hưởng cuộc sống chứ hiếm khi than vãn hay để năng lượng tiêu cực của mình ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Nếu bạn vô tình ra quán café mà thấy có cô gái hay chàng trai nào đang ngồi một mình nhâm nhi ly café đen không đường hoặc vào rạp chiếu phim mà thấy có ai đang đi xem phim một mình thì không chừng đó chính là những người 30 tuổi. Ngoại hình của chúng tôi có thể đa dạng nhưng về suy nghĩ, hành động thì chúng tôi vẫn có một thứ gì giống nhau trên một phương diện nào đó.

- Còn về tính cách, dường như họ cũng không quá đặt nặng những trách nhiệm truyền thống như trước mà làm theo ý muốn bản thân nhiều hơn?

- Đúng là tuổi 30 ngày nay so với tuổi 30 cách đây 10 năm thôi là thực sự khác nhau trong chuyện trách nhiệm truyền thống. Chúng tôi sinh ra vào lúc giao thời, vừa giữ lại những cái cũ nhưng cũng được mở mang bởi những cái mới. Chính vì thế, chúng tôi sẽ không đặt nặng trách nhiệm truyền thống như lứa trước nhưng cũng sẽ không nổi loạn như lứa sau.

Nếu như ngày trước, cuộc sống hoàn hảo nhất của một con người là 18 tuổi đỗ đại học, 22 tuổi ra trường kiếm được việc làm ổn định, 24 tuổi kết hôn, 25 tuổi phải đẻ con đầu ngay, 28 tuổi sinh tiếp con thứ hai và đến lúc “tam thập nhi lập” thì đã ổn định, có đủ vợ-chồng-con-cái-nhà cửa-xe cộ. Tuy nhiên, chúng tôi sau này thì chọn một con đường khác chông gai và phiêu lưu, mơ mộng hơn.

Như bản thân tôi rất ghét cái khái niệm “ổn định” bởi với tôi, “ổn định” sẽ khiến con người ta chây ỳ, lười biếng, không dám liều lĩnh và thử thách bản thân mình ở những cái mới. Tôi và những người bạn đồng trang lứa nay thường hay làm theo ý muốn của bản thân nhiều hơn, đôi khi chỉ tham khảo chứ không bao giờ nghe theo hoàn toàn sự sắp đặt của thế hệ đi trước. 

Chúng tôi thà bị coi là “ích kỷ” còn hơn phải sống trong day dứt, phải gồng mình lên để làm hài lòng xã hội.

Nick M

- Nhưng nếu vậy, họ có được coi là ích kỷ không?

- Chắc chắn là có nhưng tôi nghĩ điều đó không xấu. Thế hệ đi trước đã bị nặng phần “trách nhiệm” quá rồi, tại sao bắt thế hệ sau cũng phải như vậy? Có những người đã tự thay đổi bản thân mình để trở thành một hình mẫu mà xã hội muốn họ như vậy, cha mẹ họ muốn họ như vậy. Nhưng bản thân họ có muốn vậy không? Có người bị ép phải “ổn định” từ khi còn rất trẻ dù họ chưa sẵn sàng và vẫn còn muốn bay nhảy. Có người nhắm mắt làm một công việc mà họ ghét cay ghét đắng chỉ vì nó đem lại rất nhiều tiền.

Chúng tôi thà bị coi là “ích kỷ” còn hơn phải sống trong day dứt, phải gồng mình lên để làm hài lòng xã hội. Chúng tôi luôn quan niệm mình phải làm chủ cuộc sống của mình, chủ động trong mọi thứ và nếu không thoải mái với điều gì, đừng bao giờ miễn cưỡng làm nó để rồi có ngày ân hận. Trách nhiệm là thứ mà ai cũng có và sẽ thực hiện nhưng đừng để nó trở thành “cưỡng ép” đến mức nặng nề, mất vui!

Hôn nhân, tình yêu, tình dục: Không ai có thể ép buộc

- Người ta nói, người 30 ngày nay sẵn sàng muộn vợ muộn chồng vì thích sống độc thân quyến rũ, chứ không chấp nhận chịu áp lực lập gia đình như thời trước. Anh có thấy xu hướng đó ở bạn bè và bản thân mình?

- Người ta nói rất đúng về chúng tôi. Không hiểu sao tôi nhận thấy bản thân mình và ngay ở những bạn bè đồng trang lứa là khả năng quan sát toàn cảnh của chúng tôi rất tốt. Chúng tôi nhìn cuộc sống, nhìn các thế hệ đi trước và tự đúc rút những kinh nghiệm cho bản thân.

Thời trước, có người cưới nhau vì cha mẹ thấy là “hợp” để rồi sau đó sống cả đời mà không hạnh phúc, nhưng cũng không dám ly hôn vì sợ lời ra tiếng vào, sợ cha mẹ bị mất mặt, sợ hàng xóm đàm tiếu, sợ đủ thứ đến mức nghĩ đến là thấy thôi cuộc sống đang thế nào thì cứ tiếp tục như thế.

Với hôn nhân, duyên tới thì hẵng tính còn duyên chưa tới thì cứ để đó. Thậm chí duyên tới rồi đi cũng không vấn đề gì.

Nick M

Quan sát của tôi cho thấy là nhiều gia đình thời trước xây dựng một lớp vỏ bọc mẫu mực nhưng đằng sau đó, họ luôn phải gồng mình để làm hài lòng xã hội. Để rồi đến khi vượt qua mức chịu đựng, gia đình tan vỡ thì bao nhiêu câu cảm thán kiểu “Thật không ngờ!”, “Ai mà nghĩ ra nông nỗi như vậy” lại xuất hiện ở nơi công sở, nơi làng xóm.

Với chúng tôi, hôn nhân là điều rất tốt nhưng chỉ với những ai sẵn sàng với nó. Mặc dù thời bây giờ, hôn nhân là theo kiểu “thích thì cưới”, “chán thì bỏ” nhưng chúng tôi vẫn khá là e dè với nó và thích sống độc thân sang chảnh hơn. Duyên tới thì hẵng tính còn duyên chưa tới thì cứ để đó. Thậm chí duyên tới rồi duyên đi thì cũng không vấn đề gì. Bạn bè tôi có nhiều người còn “tập 2”, “tập 3” và tôi thấy họ có vẻ còn chưa muốn dừng lại.

- Vậy tình yêu với họ quan trọng đến mức nào?

- Đúng là trong thời buổi hiện đại này, câu “Tình yêu quan trọng tới mức nào?” là một câu hỏi khó và sẽ phải nghĩ ngợi đến mức mà không muốn nghĩ tới thì thôi cho qua.

Với chúng tôi, tình yêu là thứ không thể thiếu nhưng nếu không có nó, chúng tôi vẫn sống được. Thời buổi này mà nói câu: “Tình yêu là vĩnh cửu” thì chắc chắn sẽ bị ngượng mồm hoặc xung quanh bạn đều phá lên cười. Bạn có dám chắc mình sẽ yêu một người cho đến cuối đời với cảm xúc lúc nào cũng nồng nàn không thay đổi? Bạn có dám chắc cả đời mình sẽ không bao giờ ngoại tình, dù là trong tâm tưởng?

Thời buổi mạng xã hội, cứ lên Facebook lướt hàng ngày và nhìn các câu chuyện đi đánh ghen, vụng trộm, ngoại tình, bị người tình giết để cướp của cải… tất cả những câu chuyện ấy, cũng đều xuất phát từ tình yêu đó. Đủ để thấy nó quan trọng đến thế nào. Nhưng với thế hệ ngày nay, cảm xúc mới là thứ được ưu tiên nhất.

tac gia sach 1987 noi ve tuoi 30 anh 3
"Nhiều cô gái còn mong có người đến “cướp” đi cái mà họ không còn muốn giữ".

- Đã hỏi tình yêu thì phải hỏi luôn, tình dục thì sao?

- Xin được mượn tên của một bộ phim gắn với thế hệ chúng tôi để nói về câu hỏi này: “Tình dục là chuyện nhỏ”. Ngày xưa, người ta rất kị và thường coi đó là nhạy cảm nhưng ngày nay, chúng tôi nghĩ nó rất đơn giản. Với phụ nữ thời trước, chữ “trinh tiết” nó mới nặng nề làm sao, nào là chuyện phải giữ gìn trước ngày cưới, xong chuyện người chồng biết vợ đã mất trinh trước khi đến với mình thì lên báo tâm sự đủ kiểu…

Trong cuốn sách 1987, chúng tôi đã nói về vấn đề này. Ngày nay, nhiều cô gái còn mong có người đến “cướp” đi cái mà họ không còn muốn giữ, dù nó đáng giá “ngàn vàng”. Với đàn ông thì lại càng đơn giản hơn vì có mất gì đâu? Chúng tôi đã trưởng thành, có nhận thức rõ ràng và trách nhiệm với hành động của mình.

Trong thời buổi công nghệ, mạng xã hội cũng như đi du lịch tạo thêm cho chúng ta rất nhiều mối quan hệ và không quá khó khăn để giải quyết nhu cầu. Cái quan trọng là cảm xúc và sự tỉnh táo để biết nó là “chuyện nhỏ” hay “chuyện lớn”.

- Đây là thế hệ được “giáo dục giới tính” bằng Cô giáo Thảo, Maria Ozawa… Các “sản phẩm giáo dục” lớn lên như thế nào?

- Ngày trước, người lớn rất ngại ngần và lảng tránh chuyện giáo dục giới tính cho chúng tôi. Chúng tôi toàn phải tự tìm hiểu một cách thậm thụt thông qua những thứ bị coi là “không chính thức” hay là “hàng kín”. Đó là thời mà Internet còn chưa về đến các nhà như bây giờ, số đông chúng tôi cũng chưa có không gian riêng tư để mà tự do “nghiên cứu”.

Về giáo dục giới tính, lượng thông tin thời đó khá sàng lọc chứ không "quá tải" như bây giờ.

Nick M

Nghĩ lại thời đó vừa thấy buồn cười, vừa thấy nguy hiểm bởi nếu chúng tôi không đủ mạnh mẽ, đủ kiến thức để bị sa ngã thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Những “từ khóa” như Cô giáo Thảo hay Maria Ozawa cùng các cuốn phim “giáo dục giới tính” thời đó như Bánh Mỹ, The Girl Next Door, Sex & Zen, Kim Bình Mai đều trở thành những “huyền thoại” mà mỗi lần nhắc tới, chúng tôi thấy cả một thời ngây dại ập về.

Thế hệ ngày nay lẽ có được giáo dục giới tính tốt hơn, cởi mở hơn chúng tôi nên có lẽ sẽ khó biết được cái cảm giác ngày xưa hồi hộp thế nào khi cầm một chiếc đĩa VCD không vỏ bọc gì cả, hồi hộp chờ cả nhà đi vắng mới mở ra xem và khi đến lớp cùng bàn luận với lũ bạn kiểu “tại sao thế nhỉ”, “à thì ra thế”, “hóa ra là vậy”.

Chúng tôi đã được “giáo dục” cùng nhau như vậy, đôi khi một chiếc đĩa mà cả 5 thằng truyền tay nhau xem chung. Nhưng lượng thông tin thời đó chúng tôi tiếp cận được khá là sàng lọc chứ không bị “quá tải” như bây giờ.

Thú xê dịch: Không chỉ du lịch, mà du hành tận
Bắc Cực, Nam Cực

- Với trình độ ngoại ngữ và khả năng tài chính tốt hơn, họ cũng có khả năng đi nhiều nơi trên thế giới. Thú vui xê dịch của thế hệ 30 đã phát triển đến đâu so với thế hệ trước?

- Đúng là thời chúng tôi còn đi học, nghe đến Thái Lan, Singapore hoặc như các thành phố lớn ba miền của Việt Nam là thấy xa vời lắm. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Bangkok trở thành điểm đến mà nhiều khi chúng tôi gọi là “quê hương” vì đi nhiều quá, có khi chỉ đi hai ngày để ăn một bữa Tom Yum, xem một show ca nhạc. Châu Âu hay nước Mỹ tưởng như chỉ là giấc mơ mà đến ngày nay, khi chúng tôi 30 thì nó đã trở thành sự thật.

tac gia sach 1987 noi ve tuoi 30 anh 4
Nhiều khi gọi Bangkok là "quê hương" vì đi nhiều quá.

Thế hệ chúng tôi số đông là đều thích xê dịch và đó luôn là thứ chúng tôi hướng đến.

Nếu như ngày trước, thế hệ cha mẹ chúng ta tích góp từng đồng một, nhịn ăn, nhịn mặc, có khi cả năm không bước chân ra khỏi khu phố và cơ quan, chỉ để tích góp mua nhà, mua xe. Còn chúng tôi bây giờ thì khác. Nhà, xe cũng là những mục tiêu phấn đấu nhưng nhà thì có thể thuê, xe cũng thuê vì dù gì đường phố bây giờ cũng quá đông đúc rồi, xe nào mà chẳng bị tắc đường và hít khói bụi.

Tiền kiếm được chúng tôi sẽ dành một khoản khá lớn cho thú vui đi đây đi đó bởi ngày xưa chính các cụ đã nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và không thể coi đó là lý thuyết mãi được. Du lịch thông thường đã đành, nhiều người ở thế hệ tôi còn có những chuyến đi rất đáng ngưỡng mộ, như lái xe máy vòng quanh thế giới, đi đến những nơi tận cùng như Bắc Cực, Nam Cực hay bất ngờ nghỉ việc một năm để dành thời gian lang thang hết châu Âu.

Thời sinh viên có thời gian và sức khỏe thì không có tiền, lúc trưởng thành thì có tiền và sức khỏe nhưng không có thời gian, sau này thì lại có tiền và thời gian trừ sức khỏe. Chính vì thế, chuyện xê dịch là việc tiện thì phải tranh thủ. Với chúng tôi, món quà quý giá nhất của tuổi trẻ là những chuyến đi. 

- Chúng ta sống trong thời đại nhiều ngôi sao quá nên mỗi người chú trọng hơn đến tạo lập thương hiệu cá nhân qua những thành tựu, tuyên ngôn. Cuốn sách này có phải một phần thương hiệu của chính anh và các bạn anh?

- 1987 được thực hiện với mục đích là chúng tôi lưu lại những câu chuyện, những ký ức trong 30 năm qua. Anh “Chánh Văn” Đoàn Công Lê Huy đã ví nó như một cuộc họp lớp “đại quy mô” của hội 87 nhưng chúng tôi thì nghĩ đơn giản là chỉ muốn có một thứ gì đó lưu lại cột mốc tuổi 30 và cũng như Lê Cát Trọng Lý nói là “trước khi trí nhớ trở nên kém”.

Tuổi 20, chúng tôi có thể tiệc tùng thâu đêm suốt sáng nhiều ngày liền, tàn phá cơ thể bằng đủ thứ rượu, bia, thuốc để có những trải nghiệm, để “vào đời”. Nhưng khi đã sang tuổi 30, những câu chuyện của chúng tôi còn xoay quanh vấn đề sức khỏe rất nhiều. Thực phẩm giờ khác xưa, khí hậu cũng vậy, môi trường thì ngày càng ô nhiễm.

Ngày xưa, thế hệ cha mẹ chúng ta có thói quen tính xa nhưng giờ cuộc sống hiện đại thay đổi từng ngày, đôi khi người tính chẳng bằng trời tính nên chúng tôi cố gắng tận hưởng từng ngày, lưu lại nhiều nhất các ký ức có thể trước khi bị “lẫn”. Nhiều khi tôi vẫn tự hỏi tại sao ngày xưa chúng tôi có thể nhớ được từng số điện thoại bàn của nhau, từng ngày sinh nhật của các bạn cùng lớp. Trong khi đó giờ đây nhiều khi đến cái password mở khóa máy tính hay email còn quên luôn.

tac gia sach 1987 noi ve tuoi 30 anh 5
Hình ảnh trong cuốn sách 1987.

Thời buổi ngày nay đúng là có rất nhiều ngôi sao, ngay đến mỗi cá nhân cũng biết tạo dựng thương hiệu riêng nhưng quan trọng là để làm gì. Với cuốn 1987, nếu nó được đón nhận và truyền cảm hứng tới nhiều người thì đó là điều tốt với chúng tôi, khi có một bữa tiệc kỷ niệm tuổi 30 thật “hoành tráng”. Nhưng nếu nó lặng lẽ trôi đi thì cũng không sao vì ít nhất, tôi và các bạn bè 1987 cũng đã có một thứ lưu lại.

Sau này, về già khi mà đã “nhớ-nhớ-quên-quên” thì chúng tôi vẫn có cái đọc lại hoặc được kể lại để biết có một giai đoạn 30 năm đã sống hết mình, đã liều lĩnh, tự do, phóng khoáng, đã dành cả tuổi thanh xuân để mộng mơ để đến khi nói lời tạm biệt nó, chẳng ai phải luyến tiếc mà sẽ hăm hở lao về phía trước đón nhận những chặng đường mới.

Sách ‘1987’ vẽ chân dung một thế hệ

Ngô Phương Lan, Lê Cát Trọng Lý, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, nhà báo Đức Hoàng… cùng kỷ niệm tuổi 30 của mình bằng một cuốn sách mang tên “1987”.


Mi Ly

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm