“Về cơ bản thì con người không già đi, họ chỉ chết đi thôi. Chừng nào chúng ta còn sống tức là chúng ta còn trẻ, tức là tuổi thanh xuân vẫn còn ở đây”, câu nói của ông già Barney trong những trang cuối cùng của cuốn sách Mùa hè đó, gió thổi tôi đi, cứ ám ảnh tôi.
Khi gấp trang sách lại, tôi mỉm cười nhẹ nhõm bởi cùng với Hoàng Oanh - tác giả của tập sách - tôi đã bước qua một mùa hè trong tâm tưởng, nơi có thật nhiều say mê, thách thức, những trải nghiệm quý giá lấp đầy những câu hỏi trống rỗng của tôi về người phụ nữ tuổi 30 mà tôi muốn trở thành.
Mùa hè đó, gió thổi tôi đi là một tập sách về du ký, kể về một chuyến hành trình tuyệt đẹp đến Bắc Mỹ, trụ lại ở thành phố được mệnh danh là thành phố của "tình yêu và hoà bình" của thế giới: San Francisco.
Bìa cuốn sách Mùa hè năm ấy, gió thôi tôi đi của tác giả Hoàng Oanh. |
Nhưng nếu độc giả đang chờ đợi được đọc một cuốn du ký, nơi sẽ là tấm bản đồ chỉ dẫn cho họ biết nên đi chỗ nào chơi vui, ăn món ăn nào ngon nhất…thì lời khuyên chân thành là bạn đừng mua cuốn sách này. Bởi toàn bộ tập sách dày hơn 200 trang này chẳng có một dòng ghi chú nào về những nơi “nhất định phải đến” ở San Francisco cả.
Đổi lại, nếu bạn đang muốn dành những ngày nghỉ cuối tuần để bước vào hành trình tìm kiếm bản thân của một cô gái phóng khoáng, với tình yêu là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chuyến thiên di này thì có lẽ Mùa hè đó, gió thổi tôi đi là một lựa chọn lý tưởng.
Đời chẳng như mơ nhưng không thể thể giết chết mộng mơ
Hoàng Oanh - tác giả của cuốn sách - không đến San Francisco như một du khách nhón chân tạt vào một thành phố đẹp đẽ nào đó, chụp dăm ba tấm ảnh “check in” rồi vội vã bỏ đi một cách hời hợt. San Francisco là lời hứa, là đích đến của một hành trình “hẹn yêu” của cô và một câu trai kém cô 8 tuổi. Thế nhưng, ai đã nói đời không như là mơ nhỉ?
Có khi việc đánh đổi cả một công việc lương cao ổn định, một căn hộ xinh xắn cổ điển ngay giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt và đến Mỹ với một thứ hi vọng mong manh lãng mạn “vì tình yêu” lại chẳng đi đến đâu cả.
Và vì thế chuyến du kí này của tác giả kéo dài đến 6 tháng, một khoảng thời gian không quá dài, nhưng có lẽ vừa đủ để người lữ khách được sống như một tế bào nhỏ, sinh sôi, cảm nhận từng ngày hơi thở của thành phố này.
Ở đó, cô được sống thật phóng khoáng, hết mình với những buổi nhảy swing ngoài trời đầy tự do, được làm công việc truyền thông bán thời gian cho một bảo tàng sáng tạo, trở thành tình nguyện viên năng động của một phòng tranh, được “rơi vào tình yêu”, và trên cả là gặp gỡ những người bạn đầy cảm hứng.
Chính sự bản năng độc đáo, những câu chuyện thú vị, quan niệm cởi mở của những người bạn trên đường đi (dù họ đang ở độ tuổi nào đi nữa) đã góp phần vẽ nên một vòng tròn hoàn hảo cho chuyến đi kì lạ này.
Tôi đã bật cười ra tiếng trước những câu hỏi của tác giả trong sách, như kiểu: Mèo hoang mà sao béo ú vậy nhỉ? Sao người Mỹ lại thích bòng chày mà không thích bóng đá? Rồi còn cả bóng bầu dục nữa chứ, nghe đến là đã muốn "giãy lên đành đạch".
Những bữa trà chiều đúng kiểu quý tộc mà hai cô gái trẻ tự thưởng cho mình sau một ngày làm tình nguyện viên mệt nhoài. Hay im lặng thật lâu khi tác giả ví mình giống như một chú rùa tí hon, không hề có ý niệm nào về nơi mình sẽ đến và điều gì xảy ra ở đó.
Mà bạn biết đấy cứ một ngàn con rùa biển con được thả vào đại dương khi mới chào đời thì chỉ có một con sống sót lành lặn đến lúc trưởng thành…
Trước khi là một người viết, Hoàng Oanh là một nhà báo. Vậy nên dù cô luôn khiêm tốn cho rằng đây chỉ là cuốn sách của một cô bánh bèo, bỏ nhà…theo trai thì rõ ràng Mùa hè đó, gió thổi tôi đi vẫn mang lại cho người đọc một không khí thời sự sinh động trong góc nhìn của một kí giả.
Đó là sự bất ổn của một thế giới đầy biến động khiến người Hồi giáo phải chạy trốn khỏi quê hương của cmình, đi tìm một vùng đất hứa cho tương lai con cái và gia đình.
Tác giả - nhà báo Hoàng Oanh tại San Francisco. Ảnh: NVCC. |
Đó là sự đói nghèo chỉ cách nhau một gang tay giữa vùng Calexico nằm sát biên giới Mexico với nước Mỹ hào nhoáng phía xa. Đó là không khí lịch sử của ngày “tình yêu chiến thắng” 27-6-2015, ngày nước Mỹ thông qua đạo luật hôn nhân đồng giới trên toàn liên bang…
Và vì thế, lồng ghép giữa văn phong hài hước, lôi cuốn, tự nhiên rất đặc trưng của Hoàng Oanh là những mô tả khéo léo, giãi bày nhiều tâm tư của người viết về đời sống “bằng xương bằng thịt” của một nước Mỹ trần trụi, nhưng vẫn không thiếu chỗ cho những lý tưởng cao đẹp.
Đó cũng là cách mà Mùa hè đó, gió thổi tôi đi tưởng chừng như là một câu chuyện rất cá nhân, nhỏ bé của một cô gái trẻ, kì thực lại ra kín đáo vẽ nên một bức tranh đa chiều về sự sinh tồn, tình thân gia đình, sự khác biệt văn hoá và cả sự trầm lặng của con người trước những bất biến của cuộc đời.
Người phụ nữ tuổi 30 tôi muốn trở thành
Hoàng Oanh cũng là cô gái đã bước vào ngưỡng tuổi của những câu hỏi, đại khái như: Sao vẫn chưa lấy chồng? Sao cứ “đi chơi” hoài vậy, sự nghiệp, tiền đồ sẽ ra sao? Sao yêu đương…tùm lum vậy?
Và cho dù những cô gái trẻ luôn tin rằng (hay cho rằng): chuyện người khác nghĩ gì về ta chả quan trọng gì. Nhưng ở một mặt nào đó, những quý cô thành thị này vẫn luôn bị giằng co giữa truyền thống Á châu ngổn ngang bao trách nhiệm (trước hết là trách nhiệm với bản thân mình trong chuyện lấy chồng và sinh con trước khi…hết trứng đã) với mong muốn được khám phá một cuộc sống tự chủ đầy nồng nhiệt mà họ chưa bao giờ chạm đến.
Với tôi, một cuốn sách hay không phải là cuốn sách mà khi đọc xong, một người nào đó bỗng dưng sẽ trở thành thần tượng của bạn, là ước mơ và cuộc sống mà bạn muốn trở thành.
Điều đó không đúng, ít nhất là không đúng khi phần đời của mỗi người đều rất khác nhau. Nhưng một cuốn sách hay sẽ là cuốn sách giải mã được những băn khoăn, những “cơn sóng” tương tự đã khiến bạn bối rối khi bước vào những hành trình khác biệt trong cuộc đời mình, giúp bạn vững tin và nhẹ nhõm hơn trong từng hơi thở và suy nghĩ.
Và hành trình của Mùa hè đó, gió thổi tôi đi là một điều gì đó ngọt ngào và sinh động như thế.
Đi hơn 40 quốc gia, đến hơn 100 thành phố trên khắp địa cầu, một con số nghe qua cũng “choáng váng”. Nhưng hơn cả, tác giả của cuốn sách không chọn đó là sự khoa trương, hay dùng nó để cổ xuý cho một kiểu khẩu ngữ “nông cạn”: Các bạn trẻ ơi hãy bỏ tất cả mà xách balo đi đi?
Chúng ta chỉ thực sự nên đi nếu đó không phải là một cuộc trốn chạy ngắn hạn khỏi thực tại (vì khi quay về đâu sẽ lại vào đó thôi), hay mất lòng tin vào cuộc sống hay một ai đó để buộc mình phải đi xa. Mà những chuyến đi đơn giản hơn là để ngắm nhìn thế giới.
Hoàng Oanh từng là phóng viên một tờ báo lớn tại TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Phải. Ngắm nhìn một thế giới bao la, rộng mở với muôn vàn điều quyến rũ lẫn nỗi buồn để khiến chính mình không lớn, trưởng thành. Đó là điều tôi sẽ luôn nhớ khi gấp lại trang cuối của Mùa hè đó, gió thổi tôi đi, khi cô gái trẻ cài một bông hoa trên tóc trên con đường dẫn ra sân bay rời San Francisco để tiếp nối một hành trình khác…
Tôi vẫn luôn tự hỏi người ta sẽ chờ đợi điều gì ở một chuyến đi? Một tình yêu? Hay một điều kì diệu bất ngờ sẽ làm đời ta thay đổi hoàn hoàn? Tin buồn là thật ra chúng ta chẳng nên chờ đợi điều gì sẽ đến như mộng tưởng cả. Vì như tôi đã nói: Đời không như là mơ mà.
Điều xứng đáng hơn mà ta có thể làm ấy là tận hưởng từng giây phút nhỏ nhoi, quý giá của cuộc đời, và nếu có một điều nên tin ấy là tin vào chính mình. Điều kì diệu à? Có thể chúng sẽ đến sau - như lời ông chú Barney trong sách đã nói vậy.
Mùa hè đó gió thổi tôi đi của tác giả Hoàng Oanh do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, có giá bìa 55.000 ngàn đồng, hiện đã có mặt tại các hệ thống nhà sách trên toàn quốc.