Doraemon – bộ truyện tranh của Fujiko Fujio ra mắt vào năm 1969. Năm 1973, nhân vật Doraemon được khai thác dựng thành phim hoạt hình bởi hãng Nippon Television, tới 1979, kênh TV Asahi làm loạt phim hoạt hình ngắn Doreamon đạt tỷ lệ người xem cao, thúc đẩy ngành công nghiệp phim hoạt hình Nhật Bản phát triển.
Doraemon là một trong những nhân vật văn học nổi tiếng nhất của Nhật Bản. |
Không chỉ phát hành cả trăm triệu bản sách, phim hoạt hình ăn khách, nhân vật Doraemon còn được đưa vào nhạc kịch, trở thành nhân vật trong 63 trò chơi video ở Nhật, và xuất hiện trong vô số sản phẩm ứng dụng từ trang phục, đồ dùng học tập, sinh hoạt… của trẻ em.
Việc khai thác nhân vật, hình ảnh nội dung sách để đưa vào các sản phẩm khác là xu hướng chung trên toàn thế giới. Những cường quốc về truyện tranh như Mỹ, Nhật đã thực hiện rất thành công trong việc chuyển thể, khai thác nội dung sách. Doanh thu từ các sản phẩm đi theo truyện tranh luôn là một con số khổng lồ, lớn hơn rất nhiều số tiền bán sách.
Các quốc gia khác đã khai thác sách, làm ra nhiều tác phẩm phái sinh từ lâu, nhưng ở Việt Nam, việc làm này còn chưa được phổ biến. Gần đây, một số đơn vị, cá nhân năng động đã đưa thành công các nhân vật trong sách ra sản phẩm ứng dụng.
Mô hình chó đá - một sản phẩm lấy cảm hứng từ truyện Long thần tướng. |
Tạo hệ sinh thái sản phẩm cho nhân vật trong sách
Long thần tướng không còn xa lạ với những người đọc truyện tranh trong nước. Tác phẩm từng đạt giải Bạc giải thưởng về truyện tranh quốc tế, chinh phục độc giả không chỉ bởi cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn, yếu tố lịch sử và thần thoại hòa quyện, mà còn đậm đặc tính chất văn hóa.
Độc giả yêu quý, góp vốn hết lần này đến lần khác để các tác giả tiếp tục sáng tác và in đã 3 tập sách. Nhưng nhóm tác giả Long thần tướng không chỉ dừng lại ở thành công trên trang sách. Họ mở rộng các hướng khai thác tác phẩm của mình.
Nguyễn Khánh Dương – biên kịch của bộ truyện, đồng thời là người sáng lập công ty truyện tranh Comicola – kể về cú hích khiến nhóm tác giả quyết định sản xuất các sản phẩm khai thác từ sách Long thần tướng.
Đó là vào tháng 4/2016, Khánh Dương có cơ hội gặp gỡ đại diện một công ty của Nhật Bản tại Việt Nam. Đơn vị này giữ bản quyền của gần như toàn bộ các bộ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Công ty Nhật cho phía Việt Nam xem một tờ giấy A4, trên đó là bảng danh sách những họa sĩ truyện tranh có thu nhập cao nhất năm 2015.
Đứng ở vị trí thứ nhất là Akira Toriyama, mặc dù bộ truyện kinh điển Dragon Balls của ông đã kết thúc gần 20 năm nay. Ngạc nhiên hơn, đứng ở vị trí sau là cố tác giả của Doraemon Fujiko F Fujio. Tác giả đã qua đời từ rất lâu nhưng nhân vật Doraemon vẫn mang lại một nguồn thu vô cùng lớn.
“Sau buổi gặp ngày hôm đó, tôi nung nấu kế hoạch, truyện tranh Việt Nam cũng phải làm được điều tương tự” – Nguyễn Khánh Dương nói.
Ốp điện thoại với các nhân vật trong Long thần tướng. |
Cuốn truyện đầu tiên mà đơn vị truyện tranh của Khánh Dương khai thác chính là Long thần tướng. Những chiếc ốp điện thoại có hình nhân vật trong truyện như Hưng Đạo pha trà, Chiêu Quốc tâng bóng, chàng Long phi ngựa, Tiểu thư xuất giá… được đông đảo người yêu thích Long thần tướng sử dụng.
Hình ảnh nhân vật trong Long thần tướng được in lên một số sản phẩm như áo thun, lịch, tranh, bìa sổ… Đặc biệt, các sản phẩm khai thác sách được đưa vào sản xuất như mô hình nhân vật bằng nhựa, đánh dấu sách (bookmark bằng kim loại)…
Sau khi thành công với Long thần tướng, đơn vị này tiếp tục khai thác các hình ảnh, nhân vật truyện tranh khác. Hầu hết các bộ truyện tranh công ty này phát hành đều có áo thun, ốp điện thoại, móc chìa khóa theo nhân vật trong truyện. Ngoài ra còn có huy hiệu, mô hình nhân vật bằng nhựa, bookmark, gấu nhồi bông… theo tạo hình nhân vật truyện tranh.
Các sản phẩm không chỉ phát hành thành công với người đọc hâm mộ truyện, mà nhiều sản phẩm có sức sống tốt ngoài thị trường. “Gấu nhồi bông Pikalong, một nhân vật rất hot của họa sĩ Thăng Fly khi đưa ra thăm dò thị trường đã nhận được sự phản hồi rất mạnh mẽ từ người dùng. Tôi cảm thấy, chúng tôi đã đi đúng hướng” – Nguyễn Khánh Dương tiết lộ.
Mới đây, những hình ảnh trong cuốn sách Lĩnh Nam chích quái do Tạ Huy Long vẽ đã được đưa lên áo thun unisex. Đơn vị thực hiện là TiredCity – một công ty chuyên phân phối sản phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam dưới dạng các bản in. Bộ sưu tập áo gồm năm mẫu hình: Họ Hồng Bàng, Hồ Tinh, Ngư Tinh, Mộc Tinh và Đổng Thiên Vương, xông là năm câu chuyện nổi tiếng trong bộ Lĩnh Nam chích quái.
Mẫu áo in hình ảnh trong sách Lĩnh Nam chích quái. |
Hình ảnh trên áo được in lưới thủ công bằng mực nước, gáy áo có logo nhà xuất bản sách cũng như tên hoạ sĩ Tạ Huy Long, điều này rất quan trọng trong việc bảo vệ bản quyền cũng như cho người sử dụng biết được gốc gác của đồ hoạ, nếu muốn tìm hiểu thêm.
Đơn vị sản xuất lựa chọn sản phẩm là áo thun với mục đích là sản phẩm có thể được mặc bởi tất cả mọi người, đưa đồ hoạ trở nên dễ dàng hơn trong việc lan toả trong cộng đồng.
Nguyễn Việt Nam - CEO của TiredCity - cho hay, kho tàng tư liệu về mỹ thuật, đồ hoạ của Việt Nam rất thiệt thòi so với các nước bạn, vì vậy việc cộng tác đưa những đồ hoạ, câu chuyện của Lĩnh Nam chích quái tới thị trường là một nỗ lực lớn với mong muốn giúp những người trẻ hiểu thêm về bản sắc văn hoá Việt.
Giới trẻ sẽ mặc áo thun, đeo cặp sách in hình nhân vật truyện tranh Việt
Để sản xuất ra những sản phấm phái sinh từ nhân vật trong sách không phải điều đơn giản. Nói theo Nguyễn Khánh Dương là “cực kỳ khó khăn”, vì Việt Nam chưa có tiền lệ sản xuất các sản phẩm này.
Nếu in sách, thì vấn đề khá đơn giản, các nhà in Việt Nam có chất lượng in ấn và đóng xén không thua gì khu vực. Nhưng, nếu là đồ chơi, mô hình, những thứ mà Việt Nam chưa có nhà xưởng sản xuất, thì để tìm được một đối tác ưng ý thực sự khó khăn.
“Có một số sản phẩm, chúng tôi phải phát triển riêng một xưởng sản xuất để đảm bảo chất lượng đạt yêu cầu” – đại diện tác giả Long Thần tướng nói.
Thú nhồi bông và tượng Pikalong - nhân vật ăn khách của họa sĩ truyện tranh Thăng Fly. |
Dù đã quen với việc in ấn hình ảnh của họa sĩ lên các sản phẩm ứng dụng, song TiredCity thực hiện bộ áo thun Lĩnh Nam chích quái với không ít khó khăn. Sau khi chuyển thể đồ họa từ ngôn ngữ xuất bản sang ngôn ngữ thời trang, hình ảnh được duyệt kỹ lưỡng rồi mới đưa đi in với sự tập trung cao độ, tỉ mỉ trong từng chi tiết để cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh.
Tuy gặp những khó khăn trong việc sản xuất các sản phẩm ứng dụng từ sách, song những người trẻ tuổi đang làm công việc này luôn có niềm tin vào tương lai. Nguyễn Khánh Dương nhận định kinh doanh các sản phẩm ứng dụng không chỉ để bán sách, mà còn là cách mà các nền truyện tranh lớn trên thế giới đưa văn hóa của họ vào nước ta.
Đầu tiên, là những bộ truyện tranh hấp dẫn với chi phí bản quyền dễ chịu, những bộ phim hoạt hình được phát miễn phí trên các đài địa phương. Và khi các bộ truyện tranh, các bộ phim đó trở thành thân thuộc với giới trẻ, thì các món đồ chơi, áo thun, cặp sách, cốc, chén… in hình nhân vật bán chạy như tôm tươi.
Hotgirl Khả Ngân trong trang phục cosplay nhân vật Lan của truyện Long thần tướng. |
Đại diện nhóm Comicola hy vọng, với sự cố gắng của mình, đến một ngày nào đó, giới trẻ sẽ mặc áo thun, đeo cặp sách, đắp chăn ga gối nệm in hình các nhân vật truyện tranh Việt Nam. Bởi khi điều đó xảy ra, thì các tác giả truyện tranh Việt Nam sẽ thực sự sống được với nghề.
Người thực hiện bộ sưu tập áo thun Lĩnh Nam chích quái cũng nhận định việc đưa sách vào sản phẩm ứng dụng là rất phổ biến trên thế giới rồi. Với cách này, câu chuyện có thể được kể, được đón nhận theo những cách khác nhau, thậm chí với giá tiền khác nhau. Sách không chỉ khai sinh ra các sản phẩm phái sinh khác, mà những sản phẩm này cũng gia tăng giá trị cho sách.