Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Tôi chi 1,2 triệu đồng gửi phiếu về Mỹ để bầu cử'

Là cử tri Mỹ ở TP.HCM, Gregory Dolezal chi 1,2 triệu đồng gửi phiếu bầu qua bưu điện để đảm bảo phiếu chắc chắn được nộp. Với ông, đây là cuộc bầu cử quyết định tương lai nước Mỹ.

Gregory Dolezal sinh sống và làm việc tại TP.HCM từ tháng 4/2018. Hiện ông là Phó giám đốc Chương trình đào tạo Hoa Sen Plus, Đại học Hoa Sen; đồng thời là chủ tịch nhóm Democrats Abroad Vietnam (DAVN) - tổ chức tình nguyện và hoạt động xã hội phi lợi nhuận của cử tri Dân chủ Mỹ ở Việt Nam. Chia sẻ của Dolezal với Zing thể hiện quan điểm cá nhân của ông trong cuộc bầu cử Mỹ 2020.

bau cu tong thong My anh 1

Việt Nam có lẽ là nơi an toàn nhất trên thế giới vào thời điểm này. Cách Việt Nam ứng phó với đại dịch thật đáng kinh ngạc và xứng đáng trở thành hình mẫu.

Trong khi đó tại Mỹ, quê hương của tôi, Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới mọi người dân. Thật đau lòng khi các ca tử vong vẫn tăng lên.

Tại sao quê hương tôi, quốc gia giàu nhất thế giới với các trường đại học và tổ chức uy tín hàng đầu, lại không thể làm được như vậy?

Chúng tôi được trấn an rằng Covid-19 không phải vấn đề lớn cần bận tâm. Đáng tiếc là những lời nói đó lại khiến nhiều người nhiễm bệnh.

Đây chính là lý do khiến tôi nỗ lực hết sức trong khả năng của mình để thay đổi tình hình hiện nay, bắt đầu với một lá phiếu trong cuộc bầu cử 2020.

"Việc bỏ phiếu thực sự ý nghĩa đối với tôi"

Tổng thống đương nhiệm của chúng tôi, ông Donald Trump, luôn nói rằng bầu cử từ nước ngoài dễ gian lận hơn. Nhưng tôi không nghĩ vậy.

Theo tôi, bỏ phiếu qua thư rất an toàn. Công dân Mỹ, bao gồm binh lính Mỹ thực hiện nhiệm vụ trên khắp thế giới, đã bỏ phiếu theo cách này từ thời nội chiến. Mỹ cũng có đạo luật cho phép công dân ở nước ngoài có quyền bầu cử.

Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM đều rất thân thiện và hỗ trợ chúng tôi, không phân biệt đảng phái. Cử tri Mỹ ở Việt Nam có thể tới hai cơ quan đại diện này để bỏ phiếu miễn phí.

Cá nhân tôi thực sự say mê bỏ phiếu. Tôi gửi yêu cầu bầu cử vắng mặt từ tháng 7 và lá phiếu đến tay tôi vào tháng 8. Tôi dành vô cùng nhiều thời gian cho cuộc bầu cử năm nay nên đến tận đầu tháng 10 mới gửi phiếu bầu về Mỹ.

Việc bỏ phiếu thực sự rất, rất có ý nghĩa đối với tôi. Nếu chẳng may có bất kỳ sai sót nào khiến lá phiếu của tôi không được tính, hoặc không đến Mỹ đúng thời hạn, tôi sẽ không thể tha thứ cho bản thân.

Chính vì vậy, để chắc chắn, tôi chọn gửi phiếu qua đường bưu điện về cho gia đình ở thành phố Athens, bang Georgia. Bưu phí vào khoảng 50 USD (1,2 triệu đồng). Khá đắt, nhưng hoàn toàn đáng tiền để đảm bảo cho lá phiếu của tôi trong một cuộc bầu cử quan trọng như năm nay.

"Từ TP.HCM tới Athens của bang Georgia, phiếu bầu của con ở đây này", cha viết như vậy khi đăng lên Facebook ảnh chụp lá phiếu của tôi được bỏ vào thùng ở Athens. Cảm giác thỏa mãn khi nhìn thấy cảnh này thực sự rất tuyệt. Tôi không biết nói gì hơn ngoài việc kêu lên: "Yay! Tôi đã bỏ phiếu rồi".

bau cu tong thong My anh 2

"Cảm giác thỏa mãn khi nhìn thấy lá phiếu của mình được bỏ vào thùng thực sự rất tuyệt", Gregory Dolezal, Chủ tịch nhóm Democrats Abroad Vietnam. Ảnh: Phương Lâm.

Giống như những người ủng hộ đảng Dân chủ khác, tôi bầu cho cựu Phó tổng thống Joe Biden. Có quá nhiều lý do để ủng hộ ông ấy. Nhưng điều quan trọng nhất là trong mắt tôi, ông Biden đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ người dân Mỹ, còn Tổng thống Donald Trump lại dành cả đời để làm giàu cho mình.

Tôi hy vọng cựu Phó tổng thống Biden sẽ khôi phục tính minh bạch và xây dựng lại các thể chế phi đảng phái của nước Mỹ, cũng như đề xuất chính sách dựa trên khoa học hơn là lợi ích cá nhân.

Tôi hy vọng ông ấy thả tự do cho hàng nghìn trẻ em nhập cư bị giam ở biên giới, bảo vệ quyền lợi của những nhóm yếu thế, mở rộng hệ thống chăm sóc sức khỏe và đảm bảo mức lương cho người lao động.

Nếu đắc cử, ông Biden nên củng cố lòng tin với các đồng minh của Mỹ, tạo ra liên minh để bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu. Tôi hy vọng ông ấy có thể mở cửa biên giới chào đón người nhập cư, và đặc biệt là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Không dễ để làm bạn nếu quan điểm chính trị đối lập

Quan điểm chính trị của một người bắt nguồn từ nguyên tắc đạo đức cá nhân và chịu ảnh hưởng đáng kể từ môi trường sống. Tôi cũng không phải ngoại lệ.

Xuất thân từ tầng lớp lao động và trung lưu, hầu hết thành viên hai bên gia đình nội ngoại của tôi ủng hộ các giá trị như chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân, quyền bầu cử, quyền bình đẳng và công bằng dân sự...

Thành viên gia đình có ảnh hưởng lớn nhất tới tư tưởng chính trị của tôi có lẽ là chú Phil Hare, chồng dì Becky. Chú Phil là hạ nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Illinois trong hai nhiệm kỳ từ năm 2007 đến năm 2011.

Tôi đồng tình với quan điểm chính trị của chú Phil và đã rất hào hứng khi được góp sức vào chiến dịch tranh cử của ông. Phil Hare trở thành hạ nghị sĩ mà không có bằng đại học, chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy không được hưởng nền giáo dục đắt đỏ, nhưng ông có hành trình thực sự đáng ngưỡng mộ khi từ một "công nhân cổ xanh" làm việc trong nhà máy dệt trở thành hạ nghị sĩ.

bau cu tong thong My anh 3

Gregory Dolezal và Phil Hare (Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Illinois từ năm 2007 đến năm 2011) tại một sự kiện vận động cử tri năm 2006. Ảnh: NVCC.

Không thể phủ nhận rằng quan điểm chính trị có thể khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, nhưng đôi khi cũng gây chia rẽ. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận khi ai đó có quan điểm đi ngược lại giá trị đạo đức của chính chúng ta được?

Những ngày này, cuộc tranh luận giữa tôi và một vài người anh em họ ủng hộ đảng Cộng hòa trở nên sôi nổi hơn, nhưng cũng nhiều bất đồng hơn. Khác biệt trong quan điểm chính trị của chúng tôi ngày càng lớn dần.

Chúng tôi vẫn trò chuyện và tham gia tụ họp gia đình, nhưng khi đề cập đến quan điểm sống, chúng tôi hầu như bất đồng trong mọi vấn đề.

Đầu tiên là về Covid-19. Anh em họ của tôi không nghĩ là Tổng thống Trump xử lý đại dịch kém hiệu quả. Họ nghĩ tình hình hiện nay vẫn ổn. Họ không thích bị buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, còn tôi lại thấy đó là quy định cần thiết.

Đối với một số vấn đề khác như quyền phá thai hợp pháp, họ cũng không đồng tình. Anh em họ tôi ủng hộ quyền sở hữu súng, trong khi tôi nghĩ nên kiểm soát chặt chẽ việc mua bán vũ khí… Đó là những khác biệt cơ bản nhất.

bau cu tong thong My anh 4

"Tôi lấy làm tiếc khi mất bạn bè vì khác biệt quan điểm chính trị", Gregory Dolezal, Chủ tịch nhóm Democrats Abroad Vietnam. Ảnh: Phương Lâm.

Cá nhân tôi luôn cố gắng không để bất đồng chính trị ảnh hưởng tới các mối quan hệ cá nhân như bạn bè, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng làm được như vậy.

Trong nhiều năm qua, tôi đã hủy kết bạn trên mạng xã hội với một số đồng nghiệp và bạn bè cũ. Tôi không thích cách họ giễu cợt các vấn đề chính trị và thường không kiềm chế được, phải bình luận phản bác.

Điều này khiến mối quan hệ của chúng tôi rạn nứt. Gần đây, kịch bản tương tự cũng lặp lại khi một người bạn làm trong ngành truyền thông chia sẻ nội dung khiến tôi thực sự thất vọng.

Tôi thừa nhận mình khá vụng về trong việc giải quyết bất đồng, và thật tiếc khi mất bạn bè vì khác biệt quan điểm chính trị.

"Tôi giúp cử tri Mỹ bầu cử từ Việt Nam"

Khi sinh sống ở một đất nước khác, tư tưởng chính trị tương đồng cũng giúp kết nối chúng tôi lại với nhau. Và Democrats Abroad Vietnam (DAVN) là một tổ chức như vậy.

DAVN là nhóm tình nguyện và không mang tính chính thức. Ngoài chức năng như mạng lưới chia sẻ thông tin, nhiệm vụ chính của DAVN là hỗ trợ cử tri Mỹ ở Việt Nam bỏ phiếu trong năm bầu cử.

Tất cả cơ quan đại diện của Mỹ trên khắp thế giới đều có chương trình hỗ trợ bỏ phiếu liên bang. Các tình nguyện viên của chúng tôi tham gia vào các khóa đào tạo trực tuyến của chương trình này.

bau cu tong thong My anh 5

Thành viên nhóm DAVN tại sự kiện hỗ trợ cử tri bỏ phiếu ở quận 1, TP.HCM, hôm 11/10. Ảnh: Phương Lâm.

Các sự kiện hỗ trợ của chúng tôi thường được tổ chức vào buổi tối, trong các quán bar hoặc cà phê ở TP.HCM.

Tại đây, người Mỹ có thể mang lá phiếu đến nhờ hướng dẫn và nộp lại. Sau đó, các tình nguyện viên trong nhóm sẽ mang phiếu bầu đến Tổng lãnh sự quán Mỹ gửi vào giờ hành chính.

Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi tổ chức họp mặt trực tuyến qua nền tảng Zoom. Tình nguyện viên và cử tri Mỹ từ khắp nơi trên thế giới có thể tham gia để được trợ giúp.

Mạng lưới này cũng tạo một nhóm chat trên WhatsApp với cách thức hoạt động giống như "câu cá".

Khi một công dân Mỹ ở đâu đó trên thế giới gửi vào nhóm chat một câu hỏi về bầu cử - giống như khi ta quăng mồi câu - những "con cá" trong nhóm sẽ nhanh chóng bơi đến và ăn mồi. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 5-10 phút sau, người đặt câu hỏi sẽ có được câu trả lời chi tiết.

Cuộc bầu cử quan trọng với tương lai nước Mỹ

Công bằng mà nói, những khẩu hiệu kiểu như "Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất cuộc đời bạn" xuất hiện trong mỗi năm bầu cử. Nhưng trong trường hợp năm nay, điều này thực sự đúng vì Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng danh tính.

Chúng tôi luôn có nhiều bên và luôn có những quan điểm khác nhau. Trước đây, người Mỹ luôn có thể chia sẻ cùng một mục tiêu, dù cách đạt được mục tiêu đó không giống nhau. Nhưng bây giờ tôi không chắc là chúng tôi có cùng mục tiêu nữa.

bau cu tong thong My anh 6

Cử tri Mỹ tìm hiểu về quy định bầu cử tại một sự kiện do DAVN tổ chức ở quận 1, TP.HCM hôm 11/10. Ảnh: Phương Lâm.

Nhiều người cảm thấy lo lắng vì xã hội Mỹ hiện nay quá chia rẽ.

Chúng tôi từng đối mặt với vấn đề tương tự từ thời nội chiến Mỹ. Khi đó, người Mỹ bị chia rẽ đến mức họ chỉ có thể về phe này hoặc phe kia và sẵn sàng bắn nhau. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ không đi đến một kết cục như thế.

Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, khi cử tri Mỹ lựa chọn giữa một chính phủ đại diện cho người dân và vì người dân, hoặc một chính phủ chỉ phục vụ cho nhóm giàu có và quyền lực nhất.

Liệu người Mỹ có ủng hộ khoa học, sự thật và xã hội dân sự không? Hay người dân nước tôi cho phép nỗi sợ, thù hận và sự chia rẽ thắng thế?

Tất cả sẽ được quyết định trong cuộc bầu cử ngày 3/11.

Zing từ Mỹ: Tin giả, đại cử tri và các vấn đề của ngày bầu cử Chia sẻ với Zing từ Pennsylvania, Phương Anh cho rằng, xã hội Mỹ sẽ vẫn phân hóa cho dù ông Trump có tiếp tục làm tổng thống hay không.

Số lượng lớn cử tri Mỹ ở Việt Nam đã bỏ phiếu bầu tổng thống

Trong một năm nhiều biến động như 2020, một số người Mỹ ở nước ngoài nói với nhau rằng đây là "cuộc bầu cử quan trọng nhất đời" và "bầu cử là điều sexy nhất để làm năm nay".

Cử tri qua đời trước ngày bầu cử ở Mỹ, lá phiếu sẽ tính thế nào?

Những người đã đi bỏ phiếu sớm, xong lại qua đời trước ngày bầu cử sẽ không được tính phiếu ở một số bang. Một số bang khác vẫn tính, trong khi các bang còn lại không quy định rõ.

Hương Ly ghi

Ảnh: Phương Lâm

Bạn có thể quan tâm