Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi cắn răng bớt lương mua lại truyện tranh cũ

Mỗi thế hệ đều có cách đọc truyện tranh của riêng mình, khu biệt. Cái thời truyện tranh của 8X đời cuối và 9X đời đầu đã qua rồi. Cái gì cũng biến chuyển cả.

Dù gì trái đất vẫn xanh

Trẻ con vẫn đọc truyện tranh hàng ngày.

Cuốn truyện tranh tôi đọc đầu tiên trong đời chính là cuốn Bảy viên ngọc rồng, tập cuối, vào năm bảy tuổi. Bảy tuổi thực tôi cũng chẳng thông minh, đĩnh ngộ gì cho lắm, nếu không muốn nói là cù lần trong đám bạn cùng lứa nhanh nhẹn, khỏe mạnh, đọc thì vẫn đánh vần từng chữ, viết thì như gà bập bập bới giun ngoài bãi. Nhưng quả thực khi vớ được cuốn truyện tranh, một thế giới mới mẻ lập tức mở ra với các nhân vật khác lạ, sinh động, cuốn hút đến không ngờ.

Tôi không còn biết thế nào là ăn sáng từ ngày mê truyện

Cuốn truyện tập cuối đó là cuộc đối đầu giữa Ma Bư gầy và Ma bư béo, là Sôn gô ku đấu võ đài nhận được đồ đệ, cái thiện cuối cùng đã chiến thắng cái ác. Tôi vừa đánh vần, vừa cố hiểu những gì đang diễn ra quanh những ô vuông, chữ nhật, chi chít chữ, vì có đọc từ tập đầu đâu; có chỗ hiểu chỗ không; có chỗ hỏi người lớn giải thích; phải đánh vật đến nửa ngày mới tạm thời nhận biết được những gì đang diễn ra…

Qua roi thoi truyen tranh cua 8X,  9X anh 1
Tôi mơ được bay như nhân vật trong cuốn truyện.

Trưa đó, về tôi mơ giấc mơ được gợi từ cuốn truyện tranh vừa đọc lúc sáng: được bay. Từ trên cao tôi thấy thị trấn của mình hiện ra với đường ray, nhà ga, những lùm cây, khu nhà tầng của công nhân mỏ, bố tôi đang ngồi uống rượu trước sân với mồi là lạc rang, mẹ tôi đang cho hai con lợn sề ăn, mấy đứa bạn cùng xóm đang chúm đầu chơi ô ăn quan; một thằng nếu đi ngược lại sẽ ăn quan thế mà nó không nghĩ ra; càng gào lên thì nó càng có vẻ như chẳng nghe thấy; nó cầm quân lên, xong, đi xuôi, chẫng rồi; tôi lao xuống định nhảy vào chơi thay thì đột ngột tỉnh giấc.

Tiếc quá, tôi chỉ đang trong giấc ngủ trưa ngày chủ nhật thôi chứ chẳng phải được bay thật. Ngoài sân nắng thu vẫn gắt gỏng hắt vào, gió qua cửa sổ lùa vào đôi lúc lành lạnh. Một lần nữa tôi muốn đọc lại cuốn truyện. Vội vàng, tôi đi sang nhà bác hàng xóm, có họ. Thứ họ từ đằng bà nội, dù bố nhiều lần giải thích; kể cả đến sau này khi bác mất tôi cũng chưa tường thứ dây dưa họ hàng đã có. Tôi sang, cuốn truyện tranh vẫn nằm trên ghế, anh con trai bác đi học chưa về, tôi lại ngồi xuống, lần giở, mê mẩn ngắm những hình vẽ xếp tầng nối nhau từ trái sang phải…

Từ cuốn truyện tranh đầu tiên tôi đi lạc vào thế giới truyện tranh nhiều màu sắc, với: Thám tử lừng danh Conan, Thám tử Kindaichi, Thám tử Eiji, Dũng sĩ Hesman, Thần đồng đất Việt, Vương tử Takeru, Hoàng Phi Hồng cao thủ bida, Đường dẫn đến khung thành, Doraemon truyện dài và truyện ngắn, Bác sĩ quái dị, Lực sĩ Kinniku…

Tôi cũng không còn biết thế nào là ăn sáng nữa từ ngày đâm đầu mê truyện. Với số tiền một nghìn đồng có được mỗi sáng, nếu đọc ngay tại quán thì được ba quyển, còn mang về nhà hôm sau trả thì chỉ được hai. Tôi vẫn nhớ ông bà cho thuê truyện tên ông bà Tạc, rất nghiêm, chắc chắn có mối quan hệ mật thiết với thầy cô trong trường. Bởi tôi đã thấy nhiều thằng phải mời bố mẹ đến vì thuê truyện không trả, giữ quá ngày không đền tiền.

Mỗi thế hệ có cách đọc truyện tranh của riêng mình

Tôi cũng từng có lần phải đền vì tập truyện thuê vào lớp đọc, để trong ngăn bàn, ra chơi vào không thấy đâu nữa. Chắc chắn đã có đứa lấy, trong lớp thôi. Nhưng đứa lấy là ai thì chịu, không biết. Báo cô giáo thì càng không, thầy cô luôn cấm học sinh mang truyện tranh, đồ chơi đến lớp.

Thế là đành hết giờ, ra quán thập thò khai nhận: “Ông… ông… ơi, cháu…làm… mất truyện rồi… Cháu…”. “Mày tên Trọng Hưng lớp 5C cô Mai chủ nhiệm đúng không, thuê Doraemon tập mười lăm từ sáng qua”. “Cháu…”. “Đền gấp ba lần, quyển ấy giá bìa ba nghìn, nhân lên, biết nhân chứ, ba nhân ba”. “Nhưng…”. “Nhưng nhị gì, hay thích nhân năm”. Tôi học dốt Toán nhưng cũng biết ba nhân ba lợi hơn nên cun cút ra về, hẹn vài ba hôm nữa trả.

Qua roi thoi truyen tranh cua 8X,  9X anh 2
Dũng sĩ Hesman - bộ truyện gắn với tuổi thơ nhiều 8X, 9X.

Trước khi ra cửa ông còn gọi lại nhắn nhủ: “Đừng có trốn, lớp 5C ngay đầu dãy đây, mày ngồi bàn thứ hai từ trên xuống đúng không. Cả trường này có mỗi mày đeo kính thì thoát bằng giời”. Thực, tôi chẳng có mảy may ý định quỵt tiền ông đâu. Vì quỵt tôi sẽ không được thuê truyện nữa, mà quanh trường quán ông là duy nhất. Chỉ tức tôi là khách quen mà ông cũng dọa nạt thế. Nhưng thuộc mặt từng khách hàng nhí hao hao nhau với áo trắng, quần xanh, tóc tai rối bù thì chỉ có ông là số một.

Cũng may cho tôi hôm đó bà đi chợ vắng, chứ nếu gặp bà thì màn đối đáp chẳng dễ chịu thế. Bà sẽ hỏi tại sao làm mất, mất bao giờ, giờ tính thế nào… Ôi, bà sẽ dồn đuổi đứa làm mất truyện vào tận chân tường. Tôi đã thấy nhiều đứa ôm mặt nức nở thất thểu từ trong quán đi ra vì trót làm mất, làm ẩm, thiếu trang cuốn truyện đem trả.

Cái sự mất hay đổ nước, đổ mực vào đền thì cũng còn có lí, mình làm mình chịu. Chứ còn cái sự mất trang mới oái oăm, đứa thuê trước thấy tranh nhân vật nào đẹp là cắt mất. Lúc trả ông bà bận không để ý, rồi đứa thuê sau cũng không để ý khi cầm truyện, đến lúc trả vào tầm ông bà rảnh, lật ra lật vào kiểm tra thế là xong phim, the end. Nên tôi rút kinh nghiệm mượn - trả thường vào trưa hoặc chiều khi tan trườg, đông người. Chứ Thị Kính chờ được minh oan cũng còn khốn đốn...

Qua roi thoi truyen tranh cua 8X,  9X anh 3
Truyện Thám tử lừng danh Conan. Ảnh: TN

Cho đến tận bây giờ, khi đã có gia đình, một công việc ổn định, thỉnh thoảng tôi vẫn lôi những cuốn truyện tranh cũ ra đọc lại. Là người chậm tiếp thu cái mới, tôi không thể nào đọc truyện tranh đọc ngược bây giờ, từ phải sang trái, khi đọc toàn nhầm tranh. Rồi đến những truyện đã làm lại đúng với bản gốc, tên các nhân vật cũng thế nhưng sao tôi không dung nạp được, vẫn cứ nhớ hoài những cái tên, tranh cũ lem nhem.

Và hình như mỗi thế hệ đều có cách đọc truyện tranh của riêng mình, khu biệt. Các bạn trẻ giờ cũng có nhiều lựa chọn hơn cho truyện tranh, đời sống các bạn với truyện tranh cũng thế. Cái thời truyện tranh của 8X đời cuối và 9X đời đầu đã qua rồi. Cái gì cũng biến chuyển cả, biết vậy, mà sao vẫn ù lì sống với quá khứ. Thỉnh thoảng, lại cắn răng bớt lương (chứ không phải bớt tiền ăn sáng như xưa) để mua lại những bộ truyện tranh cũ từng sống với mình. Và giá truyện tranh cũ giờ cũng chẳng rẻ, lên theo cấp số nhân, từng ngày…





Nhà văn Đinh Phương

Bạn có thể quan tâm