Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những hình ảnh quý ngày tiếp quản Thủ đô 65 năm trước

Sách ảnh “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về” là tài liệu quý tái hiện không khí hào hùng của Hà Nội trong thời điểm lịch sử mùa thu năm 1954.

Ngày 10/10/1954 là một mốc son trong lịch sử thủ đô, nói riêng, dân tộc nói chung. Sau chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 10/10/1954, các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào từ các cửa ô, tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Tu lieu quy ve ngay tiep quan thu do anh 1
Bìa sách Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về.

Kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô, cuốn sách ảnh Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về được thực hiện. Sáng 6/10, lễ ra mắt sách được tổ chức trang trọng tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Hà Nội.

Lâu nay, hình ảnh về ngày Giải phóng Thủ đô mà công chúng thấy thường là ảnh của phóng viên Thông tấn xã theo đoàn quân tiến về Hà Nội, hoặc ảnh trích xuất từ phim Việt Nam trên đường thắng lợi của nhà làm phim Nga Karmen. Tuy nhiên, cuốn sách mới ra mắt chứa đựng một số hình ảnh từ nguồn đặc biệt.

Tại chương trình, ông Dương Trung Quốc - chủ biên cuốn sách - nói ấn phẩm mang nhiều hình ảnh với giá trị tư liệu cao, có nhiều hình ảnh đến từ người dân chụp 65 năm trước.

Nhà sử học kể năm 2004, khi thực hiện triển lãm ảnh về ngày Giải phóng Thủ đô, ban tổ chức là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nhận được hai cuộn phim của một nhà giáo từ Huế gửi ra. Trong hai cuộn phim là 70 tấm ảnh của ông Thân Trọng Ninh chụp Hà Nội vào ngày 9 và 10/10/1954. Khi ấy, ông Ninh đang học ở Hà Nội, có điều kiện nên đã chụp sự kiện trọng đại ấy.

Tu lieu quy ve ngay tiep quan thu do anh 2
Ông Dương Trung Quốc ký tặng sách sáng 6/10.

Hai cuộn phim của ông Thân Trọng Ninh khiến những người làm lịch sử nảy ra ý tưởng tìm kiếm nguồn tư liệu ảnh trong các album gia đình. Nhiều bức ảnh được lưu giữ trong các gia đình Hà Nội ngày ấy, đến nay đã thành tư liệu quý giá. Đó có thể là ảnh của những nghệ sĩ nhiếp ảnh như bậc thầy Nguyễn Duy Kiên, ông Phan Xuân Thúy (chủ hiệu ảnh Quốc tế), nghệ sĩ Hữu Cấy… Những người sinh sống bao năm ở Hà Nội cũng gửi tới các bức ảnh về thời khắc lịch sử, đó là ảnh của kiến trúc sư Đặng Trần Phát (phố Hàng Gai), ông Trịnh Tiến (phố Hàng Bồ), ông Vũ Văn Mỹ (phố Hàng Bông), ông Lê Sửu (phố Hàng Đào), nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải…

Bên cạnh đó, nguồn tư liệu trong sách còn được sưu tập từ ảnh của phóng viên cho các hãng thông tấn nước ngoài, các nhà sưu tập.

Tu lieu quy ve ngay tiep quan thu do anh 3
Bức ảnh ông Lê Sửu chụp em trai của mình ngày 10/10/1954.

Trong số những bức ảnh do người Hà Nội cung cấp, nhà sử học Dương Trung Quốc đặc biệt xúc động với ảnh của ông Lê Sửu (phố Hàng Đào). Bức ảnh này do chính tay ông chụp cậu em trai mình 7 tuổi đang đứng trên lòng đường, đúng lúc các chiến sĩ đang tiến về trung tâm phố cổ. Em trai ông sau này lớn lên cũng trở thành người bộ đội cụ Hồ, hy sinh trước ngày đất nước thống nhất.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng những hình ảnh trong sách là nguồn tư liệu để bảo tồn một cách trung thực nhất thời khắc lịch sử.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm