Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 300 năm trước, người Việt năng động, buôn bán nhộn nhịp

Ghi chép của những thương nhân phương Tây đến làm ăn tại nước ta cho thấy người Việt thế kỷ 17 năng động, sản xuất, buôn bán phát triển.

Mới đây, cuốn Psychologie du Peuple Annamite của Paul Giran cùng lúc được hai đơn vị xuất bản (Nhã Nam với ấn bản Tâm lý người An Nam và Omega+ với Tâm lý dân tộc An Nam). Sự trở lại của cuốn sách gây một tranh luận nhỏ trong giới nghiên cứu. Tác giả Pháp với con mắt thực dân đã nhìn về cộng đồng thuộc địa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 với đầy thói hư tật xấu. Ngược thời gian trở về thế kỷ 17, ghi chép của các thương nhân phương Tây tới nước ta cho thấy sản xuất thủ công nghiệp phát triển, người dân năng động buôn bán.

Ý kiến đó được nêu ra trong buổi tọa đàm trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội hôm 4/10. Buổi tọa đàm xoay quanh hai cuốn sách Tuyển tập tư liệu công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1672-1697)Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài (1637-1700) của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, NXB Hà Nội phát hành.

Một lịch sử đời thường qua con mắt người phương Tây 

Thế kỷ 17, các thương nhân công ty Đông Ấn Anh, Đông Ấn Hà Lan tới Kẻ Chợ - Đàng Ngoài nước ta làm ăn buôn bán. Dựa vào hơn 10.000 trang tư liệu gốc từ nhật ký thương nhân của các công ty này, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn đã phân loại, lược dịch, biên soạn thành hai cuốn sách. Ở đây có những mô tả cực kỳ sinh động, cụ thể, là nguồn tư liệu nghiên cứu quý giá.

Nguoi Viet the ky 17 trong mat nguoi Ha Lan anh 1
Tác giả Hoàng Anh Tuấn (giữa) trong buổi giao lưu ở Hội sách Hà Nội. 

Một số ý kiến của giới nghiên cứu lịch sử đánh giá ý nghĩa của hai cuốn sách nằm ở chỗ chúng cho thấy cụ thể đời sống người dân nước ta mấy trăm năm trước. “Các bộ thông sử của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư chẳng hạn thường ghi chép cung vua phủ chúa là chính, ghi các vấn đề hoàng cung; khuyết thiếu mảng lịch sử đời thường. Sử liệu phương Tây, họ ghi chép rất nhiều thứ. Khi đọc tư liệu thế kỷ 17 họ ghi lại so với thông sử của ta gần như trùng khớp nhau. Điều đó cho thấy giá trị cũng như độ xác tín của những ghi chép này”, PGS.TS Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - đánh giá.

Các diễn giả nêu các chi tiết trong sách chứng minh cho nhận định trên. Ví dụ, về sự việc một hoạn quan tên là Hoàng Nhân Dũng bị xử tử năm 1653, tài liệu của chúng ta có ghi vài dòng. Nhưng các thương nhân Hà Lan lại dành tới 40 trang để viết về tên hoạn quan này.

Theo ghi chép ấy, hoạn quan Hoàng Nhân Dũng lợi dụng công việc của mình, làm đầu nậu buôn bán lớn với thương nhân nước ngoài. Thương nhân Hà Lan đã “đầu tư” cho ông ta rất nhiều, những người Hà Lan đến buôn bán đã đưa cho ông ta 4.500 lạng bạc và rất nhiều tơ lụa. Những câu chuyện gần như không có trong chính sử của ta được người phương Tây đến làm ăn ghi chép lại như vậy.

Các tư liệu này có thể xem là một phần lịch sử xã hội đời thường. Họ ghi chép tỉ mỉ, cụ thể từ giá mua 10 quả trứng trong ngày hôm ấy là bao nhiêu, một bó củi giá như nào, giá gạo ngày hôm ấy... Qua ghi chép của họ, ta thấy được biểu giá chi tiết thời đó.

Nguoi Viet the ky 17 trong mat nguoi Ha Lan anh 2
Kinh đô Kẻ Chợ cuối thế kỷ 17. Nguồn: Mô tả vương quốc Đàng Ngoài

Theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, những ghi chép này là của các thương nhân nên hàm lượng thông tin về xã hội, chính trị, văn hóa, phong tục có hàm lượng ít; khía cạnh kinh tế chiếm phần nhiều dung lượng. Nhưng cũng nhờ vậy mà ngày hôm nay ta có thể hình dung một phần bộ mặt kinh tế người Việt nói chung thời ấy.

“Thật ra bức tranh kinh tế tại Việt Nam giai đoạn đoạn ấy rất sôi động so với ta từng nghĩ. Dân số đàng ngoài lúc ấy 3-3,5 triệu người, nông nghiệp là chính. Nhưng thủ công nghiệp cũng phát triển, một năm họ làm ra cả trăm tấn tơ (tơ rất nhẹ, nên một trăm tấn là con số lớn), ấy là còn gấm lụa, đồ gốm cũng rất phát triển… Đời sống kinh tế thời ấy thật sầm uất. Vì thế sau này khi làm các công trình lớn Thăng Long tư trấn, dân đã công đức rất nhiều”, diễn giả tại chương trình nói.

Tác giả Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm ghi chép của thương nhân Anh, Hà Lan, không chỉ cho thấy giao thương của người Việt với công ty này, mà người Việt ngày đó buôn bán sang láng giềng, buôn bán với các nước trong khu vực. “Người Việt có năng động trong kinh tế không? Rất năng động”, PGS. TS Hoàng Anh Tuấn nói.

Mò mẫm trong lưu trữ của Hà Lan để đem về tài liệu quý

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn khiếm tốn nói hai cuốn sách là kết quả khiêm nhường trong 15 năm nghiên cứu của ông về sự bang giao giữa công ty Đông Ấn với Đàng Ngoài của Việt Nam.

Khi tới Hà Lan học tập nghiên cứu, ông được tiếp cận Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hà Lan. “Hồi đó tôi đang học, được cấp thẻ tự do ra vào kho lưu trữ. Thời ấy lưu trữ về công ty Đông Ấn chưa được sắp xếp, phân loại cụ thể. Họ tin tưởng cho chúng tôi ra vào vài năm ở đấy”, PGS. TS Hoàng Anh Tuấn kể.

Các tư liệu này được viết bằng ngôn ngữ cổ, vì thế trong một năm đầu, tác giả Hoàng Anh Tuấn cùng thầy, bạn bè của mình khá chật vật để đọc hiểu. Làm việc với ngôn ngữ cổ trong thời gian dài, họ đã dần quen và hiểu tư liệu.

Nguoi Viet the ky 17 trong mat nguoi Ha Lan anh 3
Hai cuốn sách về xứ Đàng Ngoài trong ghi chép thương nhân phương Tây. 

Sau này, khi được NXB Hà Nội đề nghị tiếp tục khảo sát, sưu tầm, bổ sung tư liệu, PGS. TS Hoàng Anh Tuấn tìm hiểu thêm những nghiên cứu của các thương điếm Anh tại Đài Loan, Indonesia, Ấn Độ; tư liệu của thương điếm Anh ở Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia... đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hà Lan ở La Haye. 

PGS.TS Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận xét hai cuốn sách là phần lược dịch, nhưng nó điền lấp vào tư liệu của chúng ta, bổ sung vào tư liệu về một thời lịch sử đã qua, các thông tin rất cụ thể. “Ở đây, những mô tả, ghi chép của các thương nhân cực kỳ sinh động, không chỉ cho hậu thế mà ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ sử dụng và nhìn thấy giá trị của hai cuốn sách này”, PGS. TS Vũ Văn Quân nói.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm