Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ám ảnh lớn hơn bom đạn

Sống giữa chiến trường, người lính đã quá quen với hiểm nguy. Họ kiên gan phó mặc sự sống của mình cho số phận. Trong những góc tối của tâm hồn, có những thứ đáng sợ hơn cái chết.


Chiến tranh sẽ trở thành nỗi ám ảnh không thể nào nguôi trong tâm trí những người đã từng mặc áo lính, hít thở trong bầu không khí đặc quánh mùi thuốc súng và máu tanh. Với nhà văn Chu Lai, không phải là ngoại lệ. Từng là một chiến sĩ đặc công vào sinh ra tử trong chiến trường miền Nam, những hồi ức của người lính đã cho ông chất liệu để viết nên những trang văn rất tự nhiên, chân thực.

Có thể nói nghiệp văn của Chu Lai gắn liền với hình ảnh người lính và chiến tranh. Những năm 90, đề tài người lính trong thời kì hậu chiến trở đi, trở lại trong khá nhiều tác phẩm của ông. Nhắc tới nhà văn Chu Lai, người ta nhớ ngay đến tiểu thuyết nổi tiếng Ăn mày dĩ vãng (1991). Bên cạnh đó, Phố cũng là một tác phẩm khá nổi tiếng của tác giả về đề tài hậu chiến. Tiểu thuyết này đã được dịch sang tiếng Pháp với nhan đề Rue des soldats (Phố nhà binh).

Nhung am anh lon hon bom dan anh 1
Tiểu thuyết Nắng đồng bằng của nhà văn Chu Lai.  Ảnh: Đinh Tỵ Books. 

Thế nhưng, Chu Lai đã viết về người lính từ giữa những năm 70, khi ông vừa rời khỏi chiến trường. Nắng đồng bằng có bối cảnh khác so với hai tác phẩm kể trên. Cuốn tiểu thuyết này viết về những người lính đang ở chiến trường, hàng ngày đối mặt với hòn tên mũi đạn. Khi vừa phải đấu sức và đấu trí với địch, họ chợt nhận ra rằng thứ đáng sợ nhất không phải là họng súng của kẻ thù.

Hãy tin nhau trước khi là đồng chí

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Linh, một chiến sĩ trinh sát đang cùng đồng đội xuôi về vùng ven sông Sài Gòn để nghiên cứu địa bàn, chuẩn bị cho những trận đánh lớn sắp tới.

Khi bắt tay vào nhiệm vụ mới, anh lính gan dạ và bướng bỉnh mới chợt nhận ra: Sự khốc liệt của chiến tranh đôi khi không đến từ hòn tên, mũi đạn. Đáng sợ hơn cả là những mưu tính trong lòng người.

Vào chiến trường, sống chết còn là chuyện nhỏ, nên chẳng ai màng đến những khó khăn, thiếu thốn ở trước mắt. Bữa cơm chỉ toàn rau tàu bay với một chút muối, chàng chiến sĩ trẻ gắng gượng. Cơn sốt rét rừng ập đến, khiến cơ thể anh rã rời, chân đi không nổi… nhưng rồi những khó khăn ấy cũng phải lùi bước trước ý chí kiên cường của chàng lính tuổi đôi mươi.

Thế nhưng, sự ngờ vực của đồng đội khiến Linh cảm thấy bức bối đến nghẹt thở. Với những người lính dày dặn kinh nghiệm như Sáu Hóa, anh chàng chỉ là một tên lính trẻ khờ khạo, xốc nổi, mang trong mình cái thói “ngựa non háu đá”. Những người như thế chỉ hợp với việc lao đầu ra trước nòng súng như con thiêu thân lao vào lửa mà thôi.

Nhiệm vụ lần này yêu cầu người chiến sĩ trinh sát phải nghiên cứu địa bàn rất kĩ. Nơi đây là vùng “cài răng lược” địch và ta lẫn lộn, rất nguy hiểm. Người lính trinh sát phải bám xây dựng được cơ sở trong lòng dân, lấy được lòng tin của họ để tạo lớp vỏ ngụy trang cho mình. Ngoài ra, có thể nhờ vào đó để khai thác được những thông tin của kẻ địch.

Đứng trước một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp ấy, sự dũng cảm, mưu trí của một cá nhân là chưa đủ. Chiến đấu với những người đồng đội không tin tưởng mình, Linh cảm thấy hoang mang vô cùng. Sự nghi kị, ngờ vực lẫn nhau giữa những người đồng đội khiến tinh thần chiến đấu của cả tập thể trở nên rệu rã.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nguy hiểm đâu chỉ hiện hữu nơi hòn tên mũi đạn. Bọn thám báo với tai mắt như diều hâu lùng sục khắp nơi để truy tìm tung tích của các chiến sĩ giải phóng. Vì chút danh lợi, có những người sẵn sàng bán rẻ lý tưởng và lòng yêu nước. Đứng trước nguy nan và lằn ranh sinh tử, Linh và các đồng đội phải hạ cái tôi của mình xuống để nghĩ cho đại cuộc, nghĩ về những trận đánh lớn trước mắt.

Áng văn được viết từ trái tim người lính

Đã từng khoác áo lính, chiến đấu ở chiến trường miền Nam, cái chất lính tráng thiệt thà, chân thành mà hào sảng đã trở thành một phần máu thịt trong con người Chu Lai. Nhà văn viết Nắng đồng bằng với một tâm thế tự nhiên, giản dị như cái cách những người lính kể chuyện ở chiến trường. Ra đời năm 1979, cuốn tiểu thuyết này là “đứa con tinh thần” đầu tiên trong gia tài sáng tác của tác giả về người lính.

Nhung am anh lon hon bom dan anh 2
Chuyện sống chết không phải là nỗi lo duy nhất trên chiến trường. Ảnh: Phim Những người viết huyền thoại. 

Cái nắng vàng như mật, yên ả của vùng đồng bằng, gợi cho người ta nhớ đến những ngày xa xăm, khi đất nước chưa có bóng quân thù. Là người gốc Bắc vào Nam chiến đấu, hình ảnh đồng bằng với ruộng lúa chín vàng khiến cho Linh nhớ nhà da diết. Ngày quân ta chiếm được đồng bằng, giải phóng miền Nam, chàng lính ấy sẽ được về bên người mẹ già yêu dấu.

Trong Nắng đồng bằng, tác giả không “anh hùng hóa” những người lính. Với Chu Lai, họ chỉ là những con người bình thường, biết hờn giận, biết toan tính thiệt hơn. Đôi khi, vì cái tôi của bản thân, họ chẳng may lầm đường lạc lối. Khi cái chết như bóng ma vô hình luôn rình rập để cướp đi tất cả chỉ trong tích tắc, người ta đâu có thời gian và tâm trí để đắn đo.

Thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam đã cho nhà văn Chu Lai khá nhiều chất liệu để miêu tả một cách chân thực và sống động về cuộc sống và con người nơi đây.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm