Hà Nội mũ rơm và tem phiếu là những hồi ức của Trung Sỹ, kể về kỷ niệm của ông gắn với thành phố qua thời kỳ đi sơ tán và thời tem phiếu. Trong gian khổ, thiếu thốn, và cả những ấu trĩ, những chuyện trong sách vẫn lấp lánh tình người. Trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2019, tác giả Trung Sỹ giao lưu với bạn đọc về cuốn sách. Ông chia sẻ cùng Zing.vn những quan điểm về Hà Nội xưa và nay.
Sách về Hà Nội nhiều “hàng ăn” quá
- Đã có nhiều cuốn sách viết về Hà Nội cũ. Ý tưởng nào khiến ông viết cuốn sách này?
- Sau Chuyện lính Tây Nam, tôi có ý tưởng viết cuốn này. 18 tuổi tôi rời Hà Nội vào chiến trường. Trước 18 tuổi tôi cũng có nhiều chuyện đáng nhớ.
Nói về Hà Nội, tôi thấy các câu chuyện nhiều hàng ăn quá, rồi phố xá, mọi thứ cứ bảng lảng… Tôi muốn Hà Nội phải có phố, có số phận con người sống trong phố. Tôi là người con Hà Nội lớn lên, ra đi và trở về, nên tôi muốn người ta nhìn Hà Nội vừa thấy phố, vừa thấy nhà vừa phải thấy con người trong đó nữa.
Có thể tôi diễn đạt văn chương không giỏi, nhưng cái chính tôi là con người thật, cảm xúc thật, tất cả câu chuyện trong sách này đều là thật.
Nhà văn Trung Sỹ. |
- Ngoài dòng hồi ức, ông muốn gửi thông điệp gì tới thế hệ trẻ hôm nay?
- Các bạn trẻ sẽ nhận ra được một Hà Nội khác với Hà Nội chúng ta đang sống, đó là một Hà Nội của con người cũ, nền kinh tế xã hội cũ. Hà Nội ngày nay đã thay đổi nhiều.
Mũ rơm và tem phiếu là hai nội dung lớn của cuốn sách này. Mũ rơm là Hà Nội thời bị ném bom, tem phiếu là thời bao cấp. Mũ rơm là chiến tranh, tem phiếu là hòa bình.
- Sách như câu chuyện kể tản mạn, là hồi ký viết lại tuổi thơ đã trải qua. Ông có ý đồ nghệ thuật gì hay cứ viết theo mạch cảm xúc của mình?
- Đây là những câu chuyện tôi nhớ nhất, ấn tượng nhất trong tuổi thơ, được sắp xếp lại theo trình tự thời gian. Tôi viết để chia sẻ với các con tôi, các cháu tôi, để thế hệ trẻ biết ông bà đã sống qua như thế để các cháu có thể hiểu, sống tốt cho tương lai.
- Ra tới hai cuốn sách dạng hồi ức, phải chăng trong cuộc sống, ông là người hoài cổ về quá khứ?
- Tôi viết cuốn này trong 6 tháng. Bạn bè thường phục trí nhớ tôi. Tôi cũng có sự giúp đỡ của các bạn. Cuốn này có dòng nhớ chủ đạo là của tôi, khi viết xong có sự giúp đỡ của các bạn nữa, các bạn bổ sung những kỷ niệm, nhắc chuyện này đúng, chuyện này sai.
Thời bao cấp không lãng mạn như một số người thời nay hình dung
- Trên fanpage về cuốn sách, có một độc giả bình luận thời bao cấp có nhiều thứ ác mộng, trái lại có rất nhiều người thương nhớ thời bao cấp. Quan điểm của ông ra sao?
- Quan điểm của tôi là cái gì nó như thế nào thì ta nói đúng như thế. Thời bao cấp thực sự rất khó khăn, thiếu thốn; nhưng lại rất giàu tình cảm. Cách nói của bạn ấy có vẻ khó nghe, nhưng cá nhân tôi thấy không sai.
Những chuyện xếp hàng mà mất tem phiếu thì nhiều nhà phát khóc, nó rất buồn.
Sách Hà Nội mũ rơm và tem phiếu mới ra mắt. |
- Khi nhớ lại khó khăn thời đó, cảm xúc của ông như thế nào?
- Tôi thấy tuổi trẻ của tôi. Thời ấy khó như vậy mà còn sống được. Tôi muốn các cháu thấy thiếu thốn như vậy mà chúng tôi vẫn sống tốt. Bây giờ đầy đủ như vậy thì không lý do gì mà không sống lương thiện, sống tử tế và lành mạnh được.
- Theo ông Hà Nội ngày nay phát triển ra sao so với Hà Nội thời tem phiếu, thời mũ rơm?
- Hà Nội ngày nay nở to hơn về kích cỡ; nhưng nó chật lại về sự quan tâm lẫn nhau, nhỏ lại về tình người. Tiến trình phát triển văn hóa chưa đi cùng tiến trình phát triển đô thị. Kích cỡ văn hóa của con người chưa kịp kích cỡ cơ học thủ đô.
- Ông nói văn hóa chưa đi kịp sự phát triển đô thị. Ông có thể đưa ra một vài dẫn chứng chứng minh cho nhận định này?
- Bạn cứ ra đường là thấy, đèn xanh đèn đỏ mà người ta vượt loạn cả lên, tràn lên vỉa hè. Ngày xưa “ra vườn hoa em chơi em không hái bông nào”, nhưng giờ người ta giẫm nát cả hoa mà thành phố trang trí, thậm chí tranh nhau bưng về.
Ngày xưa, đồ dùng quen thuộc của người thủ đô là khăn mùi soa để bịt mũi hoặc đỡ những thứ thải ở miệng, nhưng giờ người ta thải đầy ra đường. Hà Nội xưa nói tục chửi bậy hiếm lắm, giờ ra đường bịt tai không kịp.
Tác giả Trung Sỹ trong buổi giao lưu với bạn đọc trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2019. |
- Kỷ niệm thì thường đẹp, phải chăng chúng ta thường thấy ngày xa xưa luôn lung linh?
- Chúng ta nhớ những ngày xưa cũng như nhớ tuổi trẻ, giống như một bông hoa đang nở. Ta nhìn về quá khứ, tuổi trẻ cũng như ngậm ngùi nhìn về bông hoa đang nở. Nhưng tôi cho rằng tôi khách quan hơn, tôi nhìn thấy những xù xì, gai góc của cây hoa. Trong sách này, thời bao cấp không lãng mạn như một số chương trình truyền hình đang làm. Tôi dị ứng với những chương trình như vậy.
- Thành công với “Chuyện lính Tây Nam” và cuốn này bước đầu cũng được nhiều người đón nhận. Ông có tính dấn sâu hơn vào con đường văn chương?
- Từ giờ đến cuối năm tôi phải ra thêm một cuốn nữa về chiến trường. Tôi đang viết hơn 200 trang, và đơn vị làm sách đã đặt hàng rồi. Với vốn sống, bạn bè nhiều như này, tại sao tôi không viết. Có thể xem Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là cuốn sách trước chiến tranh, Chuyện lính Tây Nam là trong chiến tranh, và sẽ có thêm một cuốn về cuộc sách hậu chiến, những người lính trở về.