Phụ nữ và trẻ em Hàn Quốc đang trở thành nạn nhân của đại dịch "tội phạm tình dục kỹ thuật số" ngày càng gia tăng và chính phủ chưa hành động đủ để dập tắt mối đe dọa này.
Vấn đề nhức nhối trên vừa được đưa ra trong báo cáo dài 92 trang có tựa đề "My Life is Not Your Porn (tạm dịch: Cuộc sống của tôi không phải phim khiêu dâm của các người), do tổ chức Human Rights Watch công bố ngày 16/6, theo Washington Post.
Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ thông tin và truyền thông, nhưng đang phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng tội phạm lạm dụng tình dục qua mạng. Những hình ảnh nhạy cảm - chủ yếu của phụ nữ - bị chụp lén và lan truyền trên mạng mà không có sự đồng ý (hoặc mạo danh nạn nhân) theo cách thức khiêu dâm.
Một cuộc họp báo năm 2018 cho các nhóm phụ nữ ủng hộ phong trào #MeToo ở Seoul. Ảnh: AP. |
"Nguyên nhân sâu xa của tội phạm tình dục số ở Hàn Quốc là những quan điểm và hành vi gây nguy hại đối với phụ nữ và trẻ em gái được chấp nhận rộng rãi. Chính phủ đã điều chỉnh luật nhưng không có một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng phụ nữ và đàn ông đều bình đẳng, do vậy hành vi sai trái là không thể chấp nhận được", Heather Barr, đồng giám đốc về quyền phụ nữ tại Human Rights Watch, cho biết.
Vấn nạn quay lén phụ nữ
Tiêu đề của báo cáo nói trên từ Human Rights Watch cũng chính là khẩu hiệu từng được sử dụng trong các cuộc biểu tình ở Hàn Quốc vào năm 2018. Vào thời điểm đó, hàng chục nghìn phụ nữ đã diễu hành trên đường phố Seoul để phản đối nội dụng khiêu dâm do quay lén bất hợp pháp và chỉ trích việc chính phủ không hành động để dập tắt hành vi tội ác này.
Theo dữ liệu của cảnh sát Hàn Quốc, số tội phạm tình dục liên quan đến quay lén bất hợp pháp trung bình trong 5 năm (2015-2019) lên tới 6.192 vụ, tăng 86% so với mức trung bình của 5 năm trước là 3.330.
Kể từ cuộc biểu tình lớn vào năm 2018, chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi luật và đưa ra các biện pháp ngăn chặn tội phạm tình dục số và một chương trình hỗ trợ cho các nạn nhân. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái là người bị hại vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong việc tiếp cận công lý, theo các lời khai được trích dẫn trong báo cáo.
Rút ra sau cuộc phỏng vấn với 12 người "sống sót" sau tội phạm tình dục số, cùng với các quan chức và chuyên gia, báo cáo chỉ ra sự thiếu nhận thức, sự xấu hổ của nạn nhân và các phương pháp điều tra thiếu nhạy cảm là những rào cản để nạn nhân tìm kiếm công lý.
Việc các hình ảnh trên mạng dễ dàng bị sao chép càng làm tăng thêm tác động dai dẳng của tội phạm tình dục - tội ác vốn để lại ảnh hưởng lâu dài lên cuộc sống nạn nhân.
Hậu quả đau đớn và dai dẳng
"Một trong những điều khó khăn nhất trong thời kỳ tội phạm mạng bùng nổ là tôi phải xóa rất nhiều bài đăng", một nạn nhân trong cuộc phỏng vấn, sử dụng biệt danh Kang Yu Jin, cho biết. "Đó là một công việc rất đau đớn và khó khăn".
Phụ nữ Hàn Quốc trong một cuộc biểu tình phản đối đại dịch quay lén ở Seoul. Ảnh: SCMP. |
Kang cho biết cô phải tự mình xóa những hình ảnh khiêu dâm do chính bạn trai cũ cô tung lên mạng một cách bất hợp pháp. Những hình ảnh đó vẫn xuất hiện trên mạng ngay cả sau khi bạn trai cũ của cô nhận án tù treo vì đăng ảnh. Kang mất nhiều tháng để xóa những hình ảnh bị chỉnh sửa, bao gồm ảnh ghép khuôn mặt cô với ảnh khỏa thân của người khác.
"Nó giống như giết người vậy, mặc dù anh ta không sử dụng dao hay bất cứ vũ khí nào. Nó giống như giết chết danh tính hoặc tinh thần của một ai đó vậy", cô nói với Human Rights Watch.
Một nạn nhân khác được phỏng vấn cho biết cô đã bị quay lén bằng camera thu nhỏ giấu trong đồng hồ. Sếp của cô, người đã tặng cô chiếc đồng hồ, thừa nhận đã nhìn lén cô trong phòng ngủ qua camera suốt một tháng.
Ngay cả sau khi thủ phạm bị kết án 10 tháng tù, cô cho biết mình đã phải dùng thuốc để điều trị trầm cảm và hoảng loạn vì trải nghiệm đau thương đó.
"Sự việc này liên quan tới những gì diễn ra ngay trong phòng riêng của tôi. Vì vậy, đôi khi trong cuộc sống hàng ngày, tôi vẫn cảm thấy hoảng sợ ngay tại phòng riêng của mình", cô gái chia sẻ.
Cần hành động cứng rắn hơn
Báo cáo này được công bố trong bối cảnh những vụ bê bối mới xảy ra liên quan đến việc quan lén liên tục nổ ra ở Hàn Quốc.
Đầu tháng 6, Trung tâm Nhân quyền Quân sự Hàn Quốc cho biết một trung sĩ Không quân đã bị bắt quả tang đột nhập vào ký túc xá nữ và quay phim trái phép các nữ quân nhân. Tuy nhiên, anh ta vẫn được phép làm việc trong quân đội. Về sau, các nhà lãnh đạo của Lực lượng Không quân cho biết họ sẽ tiến hành điều tra về vụ việc trên, song vẫn chưa có kết quả.
Cuối tháng 5, Giám đốc Sở Giáo dục của Seoul, Joe Hee Yeon, phải cúi đầu xin lỗi công khai sau khi một giáo viên trung học bị bắt gặp gắn camera quay trộm tại nhà vệ sinh nữ trường học.
Các chuyên gia cho rằng cần phải có một bộ quy định chi tiết và cứng rắn hơn để ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ trong các vụ phạm tội tình dục số. Nhưng trước hết, điều cần làm là phải giải quyết vấn đề văn hóa cốt lõi của hành vi lạm dụng - thói trăng hoa ở đàn ông được coi là bình thường.