Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam. |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh nhất từ khi tái lập tỉnh
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP ước giảm 8,25%. Quy mô nền kinh tế 112,5 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 khoảng 74 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,2 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5%.
Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 21,7%, riêng công nghiệp giảm 24,3%. Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hơn 71 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.
Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần. Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỷ đồng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường, bước vào thực hiện nhiệm vụ của năm 2023, tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù nỗ lực có nhiều kết quả, đã thực hiện ước đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm, tuy nhiên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
GRDP dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022, đây là mức giảm nhiều nhất kể từ năm 1997 thời điểm tái lập tỉnh đến nay. Công nghiệp gặp khó khăn, khó phục hồi; tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đạt dự toán và chỉ bằng 71,6% so với cùng kỳ; việc triển khai một số công trình, dự án chưa bảo đảm đúng tiến độ; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn gặp nhiều khó khăn; một số chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm trước; tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại đa số các cơ sở y tế công lập vẫn còn xảy ra. Vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Đời sống của một bộ phận người lao động, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Kỳ họp tập trung xem xét, báo cáo của UBND tỉnh và của các ngành, đánh giá những kết quả đạt được trên các lĩnh vực thảo luận; xem xét báo cáo công tác năm của các cơ quan liên quan. HĐND xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng.
Nhìn thẳng hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, đoàn kết gỡ khó
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận năm 2023, kinh tế của tỉnh Quảng Nam vẫn còn khó khăn. Tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay. Tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chưa đảm bảo tiến độ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp chưa mạnh, quản lý tài nguyên khoáng sản còn bất cập. Công tác cải cách hành chính, nhất là trên lĩnh vực đất đai chưa có sự chuyển biến mạnh. Công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật còn nhiều nội dung chưa chặt chẽ, xảy ra sai phạm đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra chỉ rõ, một số tổ chức, cán bộ bị xử lý kỷ luật dưới các hình thức khác nhau.
Đây là lúc tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cần thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, đoàn kết, thống nhất, ý chí và nghị lực, phát huy truyền thống cách mạng và văn hóa của người Quảng Nam, lãnh đạo nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, tập trung ổn định tổ chức, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ còn lại của năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Quảng Nam cần tập trung triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
“Quảng Nam cần khắc phục kịp thời, triệt để các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, đảm bảo công tác tổ chức, biên chế, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, ổn định tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ được sắp xếp. Thực hiện tốt công tác dự báo, chuẩn bị tốt các điều kiện để sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh theo quy định” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính nhất là việc giải quyết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chú trọng giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng, kéo dài về đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư sau thu hồi đất.
Bên cạnh đó, Quảng Nam cần chuẩn bị tốt các điều kiện, nguồn lực, triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy định hướng phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy thế mạnh của du lịch Hội An, Mỹ Sơn.
Quảng Nam phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.