Các thao tác tải lên hoặc tải xuống file lớn khó thực hiện do kết nối mạng chậm, không ổn định. Ảnh: Xuân Sang. |
“Thời gian vừa qua kết nối Internet rất chậm, tôi không thể tải được ảnh từ trên mạng để thiết kế các file thuyết trình, phải nhờ đồng nghiệp tải hộ và gửi qua Zalo”, anh Ngọc Anh, người sử dụng thuê bao VNPT tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết. Anh cũng chia sẻ chưa thấy nhiều khác biệt cuối tuần qua, thời điểm các doanh nghiệp viễn thông cho biết kết nối Internet sẽ được khôi phục.
Trong 2 tháng trở lại đây, Internet Việt Nam rơi vào cảnh “rùa bò” sau khi các tuyến cáp chính kết nối với Internet quốc tế, AAE-1, AAG, APG và IA, lần lượt gặp sự cố. 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 còn một phần đang hoạt động. Dung lượng đi quốc tế của Việt Nam qua các tuyến cáp này trước đây là 18,7 Tbps, nay bị mất 75%.
Các doanh nghiệp viễn thông cam kết từ tối ngày 10/2, kết nối Internet đi quốc tế không còn bị nghẽn, nhờ các giải pháp ứng cứu lẫn nhau và tiếp tục mở dung lượng qua các đường cáp đất liền. Đến nay dung lượng mở thêm qua các tuyến cáp đất liền là 3 Tbps.
Mục tiêu của các nhà mạng hiện nay là duy trì dung lượng lớn hơn 10% so với dung lượng sử dụng của khách hàng để đảm bảo kết nối ổn định. Nhưng theo thống kê của hai doanh nghiệp lớn là Viettel, VNPT, trong giờ cao điểm sáng ngày 12/2, dung lượng sử dụng lần lượt lên đến 96% và 94,95% so với khả năng đáp ứng của nhà mạng.
Đại diện nhà mạng FPT cho biết vào giờ cao điểm ngày 12/2 lưu lượng sử dụng của khách hàng của FPT mới chỉ chiếm 80% dung lượng nhà mạng có khả năng đáp ứng. Dù vậy, kết nối quốc tế của nhiều người dùng vẫn bị ảnh hưởng.
“Trong cuối tuần tôi vẫn gần như không sử dụng được các dịch vụ Internet quốc tế, không thấy cải thiện”, anh Xuân Long, người dùng thuê bao FPT tại quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết.
Tại cuộc họp ngày 10/2, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết các doanh nghiệp đang mua thêm dung lượng cáp đất liền và ứng cứu lẫn nhau để cải thiện tốc độ truy cập Internet cho người dùng Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Để khắc phục, VNPT cho biết đã triển khai đàm phán với các đối tác để mua thêm dung lượng cáp trên đất liền và đưa vào sử dụng trong 1-2 tuần tới. Đại diện Viettel cho biết sẽ tiếp tục đàm phán mua thêm dung lượng tuyến cáp trên đất liền để đảm bảo tỷ lệ dự phòng tối thiểu 10%.
“Các doanh nghiệp đã mở dung lượng 3 Tbps qua đất liền để ứng cứu băng thông quốc tế, tuy nhiên dung lượng ứng cứu không thể đủ so với dung lượng đã mất, và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở dung lượng đất liền bổ sung”, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết các doanh nghiệp sẵn sàng chịu chi phí cao để mua dung lượng đất liền để sử dụng tạm thời trong khi chờ khắc phục cáp quang biển, sớm nhất là tháng 3, tuy nhiên vẫn sẽ mất hàng tuần để đàm phán với đối tác quốc tế vận hành các tuyến cáp đi qua Trung Quốc, Lào, Campuchia.
"Doanh nghiệp nào đàm phán nhanh băng thông đất liền có thể ứng cứu hỗ trợ doanh nghiệp khác, để đảm bảo quyền lợi chung của khách hàng Việt Nam", ông Hồng Thắng cho biết.
“Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông đã từng bước được cải thiện, giải quyết tình trạng mất kết nối, nhưng tốc độ có thể bị chậm vào giờ cao điểm”, theo thông tin từ Cục Viễn thông.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.