4 trong số 5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng Việt Nam đang khai thác gặp sự cố, làm ảnh hưởng đến việc truy cập Internet của người dùng. Ảnh: IDG. |
Hơn 72 triệu người dùng Internet Việt Nam chia sẻ 5 tuyến cáp quang biển, SMW3, AAE-1, AAG, APG và IA. Số tuyến cáp vốn đã ít so với các nước trong khu vực, nay còn ít hơn nữa vì từ đầu tháng 12/2022 đến cuối tháng 1, lần lượt các tuyến AAE-1, AAG, APG và IA đều gặp sự cố.
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho biết 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 còn một phần đang hoạt động. Tuyến SMW3 hoạt động bình thường.
“Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng, ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là những nhu cầu truy cập đặc biệt cần băng thông lớn đi nước ngoài”, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết.
Cũng theo vị này, tổng dung lượng trên các tuyến cáp trước đây là 18,7 Tbps, trong đó khai thác 60% và dự phòng 40%, sau loạt sự cố dung lượng này bị mất 75%.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, tại buổi cung cấp thông tin báo chí về sự cố cáp quang biển ở Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Đến nay, sau nhiều lần bổ sung, tổng dung lượng ứng cứu qua các tuyến cáp đất liền là 3 Tbps. “Thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở các tuyến đất liền, vì cáp biển mất hàng tháng để sửa chữa, chấp nhận việc các tuyến đất liền sẽ có chi phí cao do mua ứng cứu và dùng trong thời gian ngắn”, ông Hồng Thắng cho biết.
Bộ TTTT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế. Cụ thể, nhà mạng phải đảm bảo dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm sẽ luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng để không bị nghẽn.
Bắt đầu từ tối 10/2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết với Bộ TTTT sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn, thông qua các giải pháp ứng cứu lẫn nhau trong thời gian tiếp tục đàm phán với các đối tác quốc tế để mở dung lượng cáp đất liền.
APG, tuyến có lưu lượng lớn nhất, bị hỏng trên nhánh S6 kết nối Hong Kong, Trung Quốc và S9 kết nối Singapore và Nhật Bản. Quá trình sửa chữa nhánh S6 sẽ kéo dài đến 27/3, còn S9 đến 9/4. AAG dự kiến sẽ được sửa xong vào ngày 4/4. Các tuyến AAE-1 và IA chưa có lịch sửa chữa.
"Về dài hạn cần mở thêm các tuyến cáp quang biển, đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet và đảm bảo tính sẵn sàng dự phòng trong trường hợp sự cố", Cục trưởng Viễn thông cho biết. Dự kiến đến 2025, Việt Nam có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển so với hiện nay do Viettel, VNPT và CMC tham gia phát triển.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.