Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: PLA Navy |
Bắc Kinh đã hành động cứng rắn qua việc điều tàu tàu chiến Diêm Thành mang tên lửa dẫn đường bám sát tàu USS Fort Worth của Mỹ khi nó tuần tra trên Biển Đông vào ngày 11/5. Sau đó không lâu, ngày 20/5, hải quân Trung Quốc đã 8 lần cảnh báo máy bay giám sát P-8 của Hải quân Mỹ khi nó đang hoạt động ở đảo đá Chữ Thập để theo dõi hoạt động cải tạo của Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng ban đầu.
Đối với Trung Quốc, đảo Hải Nam là một căn cứ quan trọng nếu chạm trán xảy ra trên Biển Đông. Do vậy, Bắc Kinh muốn chuẩn bị một kịch bản đụng độ quân sự thông qua việc phô bày khí tài hiện đại ở đây. Hệ thống vũ khí trên đảo Hải Nam có thể xem là một nước cờ đầy toan tính để Bắc Kinh chứng tỏ sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc đối đầu quân sự.
Những vũ khí mà Trung Quốc đưa đến cảng Tú Anh ở Hải Nam gồm máy bay chiến đấu J-10, trực thăng tấn công WZ-10, xe thiết giáp đổ bộ Type 63A và các xe chở tên lửa chống tăng, Tân Hoa xã đưa tin hồi cuối tháng 5.
Máy bay chiến đấu J-10 tại căn cứ trên đảo Hải Nam. Ảnh: Want China Times |
Đầu tháng 8, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không giấu giếm ý định của Bắc Kinh khi xây căn cứ tàu sân bay thứ hai của họ ở đảo Hải Nam.
So với cơ sở đầu tiên ở Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), căn cứ thứ hai lớn hơn. Tạp chí quốc phòng Kanwa (Canada) cho biết, việc xây dựng cơ bản đã hoàn tất từ tháng 11/2014. Căn cứ gồm một bến tàu lớn - cho phép hai tàu sân bay neo cùng một lúc (hiện tại Trung Quốc chỉ vận hành một tàu sân bay duy nhất là tàu Liêu Ninh).
Ông Ma Yao, nghiên cứu viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết, ba lý do chính để Bắc Kinh xây cơ sở ở Hải Nam là vị trí chiến lược của nó, cơ sở vật chất quốc phòng đáp ứng các yêu cầu, và sự hiệu quả nếu cần triển khai những tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường.
"Căn cứ trên đảo Hải Nam rất gần ba eo biển chiến lược quan trọng là Malacca, Lombok và Sunda, nên việc bố trí lực lượng hải quân sẽ dễ dàng hơn", ông Ma nói. Trong trường hợp Mỹ và Nhật Bản phối hợp phong tỏa "chuỗi đảo thứ nhất" (chỉ những cụm đảo trải dài từ Okinawa đến Đài Loan theo cách gọi của Trung Quốc), các tàu Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương thông qua đường Biển Đông.
Cũng theo ông Ma, việc bố trí lực lượng ở đảo Hải Nam giúp việc bảo vệ tuyến đường vận chuyển dầu (vốn nhiều rủi ro) thuận tiện hơn.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Jin Type 94 của Hải quân Trung Quốc chở tên lửa đạn đạo. Ảnh: PLA Navy |
Ngoài ra, ông Ma lưu ý quân đội Trung Quốc bố trí nhiều vũ khí trên đảo Hải Nam, đủ khả năng bảo vệ tàu sân bay. "Tốc độ phản ứng, sự chuẩn bị cao độ, kỹ năng của phi công, công nghệ hiện đại, khiến những chiến đấu cơ J-11B đủ sức che chắn cho tàu".
Căn cứ Hải Nam cũng gần với căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Ngọc Lâm (Quảng Tây). Nếu hai cơ sở này phối hợp với nhau, chúng sẽ hình thành căn cứ đa chức năng lớn nhất của hải quân Trung Quốc.
"Tàu ngầm là một lực lượng chiến đấu dưới nước không thể tách rời trong hạm đội hải quân. Căn cứ ở Biển Đông là nơi phù hợp nhất để tàu ngầm hoạt động so với 4 vùng biển xung quanh Trung Quốc mà không phải lo ngại né tránh các vũ khí săn tàu ngầm", vị chuyên gia phân tích.
Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, không bác bỏ hoặc xác nhận việc Bắc Kinh xây căn cứ ở Hải Nam, trong cuộc họp báo thường kỳ vào cuối tháng 7. Ông nêu khái quát lý do mà Bắc Kinh quyết định xây dựng một căn cứ tàu sân bay mới.
"Đây chính là cơ sở mặt đất phục vụ hoạt động của hàng không mẫu hạm, bao gồm cảng, sân bay và cơ sở huấn luyện, hỗ trợ cho các hoạt động hàng ngày của tàu", ông nói.