Biểu tình đã nổ ra ở một số thành phố tại Indonesia vào tháng 8/2019 sau khi các sinh viên người Papua ở thành phố Surabaya trên đảo Java được cho là bị chế nhạo bằng những lời lẽ phân biệt chủng tộc, theo Reuters.
Khi tình trạng bất ổn bùng lên trên khắp hai tỉnh Papua và Tây Papua, chính quyền Tổng thống Joko Widodo cho biết họ đã hạn chế khả năng truy cập Internet để "ngăn chặn các vụ lừa đảo lan rộng" vì điều này có thể dẫn đến nhiều vụ bạo lực hơn.
Trong phán quyết hôm 3/6, tòa án hành chính Jakarta đã yêu cầu chính quyền trung ương, bao gồm ông Widodo, đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với người dân và các tổ chức truyền thông Indonesia về việc "làm chậm và/hoặc chặn truy cập Internet".
Tòa yêu cầu chính phủ công bố lời xin lỗi trên 3 tờ báo quốc gia và 6 đài truyền hình trong vòng một tháng sau khi có phán quyết này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Reuters. |
Liên minh Nhà báo Độc lập (AJI) của Indonesia và nhóm vận động Mạng lưới Tự do Ngôn luận Đông Nam Á (SAFEnet) đã khởi kiện. Họ lập luận rằng việc hạn chế truy cập Internet, đặc biệt là vào thời điểm bất ổn dân sự, là vi phạm nhân quyền và xâm phạm quyền tự do thông tin.
"Không có gì đảm bảo chính phủ sẽ không làm điều này một lần nữa, nhưng về mặt tinh thần, người ta đã chứng minh rằng những gì họ làm là không đúng", ông Ad Wahyudin, luật sư của bên nguyên đơn, nói với Reuters, lưu ý rằng chính phủ có 14 ngày để quyết định xem có kháng án hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm ngoái, Bộ trưởng Truyền thông Johnny G. Plate đã bảo vệ hành động này.
"Khi có tình trạng bất tuân dân sự, đó không phải là đàn áp", ông nói. "Đó là đưa tình hình trở lại bình thường".
Việc đưa tin tại Papua, nơi một số người từ lâu đã vận động để độc lập khỏi Indonesia, thường xuyên bị hạn chế với báo chí nước ngoài.