Theo ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, việc chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử chính là “cánh cửa” để doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng, tối ưu hóa chi phí và hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện Lazada cũng nhấn mạnh kinh doanh thương mại điện tử không đơn giản chỉ là tạo ra gian hàng, đưa sản phẩm lên thì tự khắc có người mua mà còn có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà bán hàng với nhau.
Bên cạnh cơ hội, các chủ gian hàng, SMEs khi tham gia thương mại điện tử phải tính đến mô hình quản trị, lộ trình phát triển sản phẩm, tiếp thị, thu hút khách hàng, bán hàng đến chăm sóc khách hàng, hậu mãi, làm thế nào để doanh nghiệp bán hàng online có thể tăng lợi thế cạnh tranh… Đây được đánh giá là bài toán không thể giải trong ngày một, ngày hai.
Giúp các SMEs tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức cũng là nội dung chính của cuộc tọa đàm do Zing phối hợp với sàn TMĐT Lazada tổ chức. Tọa đàm mang chủ đề “Giải pháp kinh tế cho SMEs thời Covid-19”.
Các giải pháp giúp doanh nghiệp “sống khỏe” thời dịch sẽ được đưa ra tại cuộc tọa đàm do Zing kết hợp cùng Lazada tổ chức ngày 1/9. |
Trong buổi tọa đàm, các SMEs sẽ được hỏi đáp và nghe chuyên gia đánh giá về cơ hội của chuyển đổi số, tận dụng thương mại điện tử vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Các khách mời của tọa đàm gồm có: Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam.
Đặc biệt, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ cung cấp các chính sách mới nhất hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam. Đại diện Lazada cũng sẽ chia sẻ về các chính sách hỗ trợ các SMEs chuyển đổi số, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử, thích ứng kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Ngay từ bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi về cho ban tổ chức theo địa chỉ toasoan@zing.vn và đón xem tọa đàm trên Zing vào thứ ba (ngày 1/9) theo hình thức trực tuyến.
TMĐT phát triển tốt trong suốt thời kỳ Covid-19. |
Trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang là những đối tượng chịu nhiều khó khăn nhất. Hiện tại, 98% doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa, ước tính số lượng khoảng trên 670.000.Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch là bất động sản, lưu trú và ăn uống, giải trí. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động của các lĩnh vực trên tăng 70-100% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cục Thống kê cho biết gần 31 triệu lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó gần 900.000 lao động đã mất việc làm.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, dịch Covid-19 được coi là “cú hích” quan trọng cho chuyển đổi số và thương mại điện tử. Trong khi các cửa hàng truyền thống rơi vào cảnh “ngủ đông”, tạm dừng hoạt động vô thời hạn thì thương mại vẫn diễn ra bình thường, tăng trưởng cao và mở ra những cơ hội mới.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp thương mại điện tử và cho biết các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng 14% so với cùng kỳ 2019 trong giai đoạn cao điểm của dịch là từ tháng 2 đến tháng 4.
Dự báo trong năm nay, ngành thương mại điện tử vẫn tăng trưởng 2 con số, đạt quy mô thị trường khoảng 15 tỷ USD bất chấp dịch bệnh. Điều này cũng mở ra một hướng đi mới cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp SMEs có thể tận dụng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận hàng triệu người dùng Internet, tăng doanh số, thích ứng với trạng thái bình thường mới.