Lệnh này được đưa ra khá bất ngờ, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump chỉ tại nhiệm vài ngày nữa và cuộc bỏ phiếu luận tội tổng thống có thể sẽ diễn ra vào ngày 13/1.
Trước đó, viện dẫn lý do ngăn chặn Covid-19 lây lan, các tòa án liên bang đã ngăn chặn việc thực thi các quy tắc của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Theo quy tắc này, người muốn phá thai sớm phải gặp trực tiếp chuyên gia y tế để lấy thuốc.
Tòa án Tối cao hôm 12/1 tuyên bố chính quyền vẫn có thể thực thi quy tắc bất chấp những lo ngại về đại dịch, theo CNN.
Trong cuộc bỏ phiếu về vụ việc này, ba thẩm phán theo đường lối tự do tại tòa án tối cao đã bỏ phiếu chống.
Người biểu tình phản đối quy định hạn chế phá thai bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ ở Washington D.C. hôm 4/3/2020. Ảnh: Reuters. |
"Trong trường hợp này, cũng như trong các vụ việc khác liên quan đến phản ứng của chính phủ đối với đại dịch, quan điểm của tôi là các tòa án nên tôn trọng các thực thể có trách nhiệm chính trị với 'lý lịch, năng lực và chuyên môn đánh giá sức khỏe cộng đồng'", Chánh án John Roberts giải thích về yêu cầu của Tòa án Tối cao Mỹ.
Chuyên gia luật Steve Vladeck cho rằng thời điểm tuyên bố lệnh nói trên khá bất thường.
"Vì chỉ còn 8 ngày nữa ông Biden sẽ nhậm chức, khả năng quy định này của FDA được duy trì lâu hơn có vẻ không nhiều. Nhưng đây là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận các vụ việc về quyền phá thai của phe bảo thủ mới chiếm đa số ở tòa án tối cao", ông Vladeck nhận định.
Vào tháng 10/2020, Thượng viện Mỹ phê chuẩn thẩm phán theo đường lối bảo thủ Amy Coney Barrett vào tòa án tối cao theo đề cử của ông Trump. Bà Barrett thay thế cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người được coi là biểu tượng của phe cánh tả.
Sự thay đổi này được cho sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của người Mỹ, từ quyền phá thai, quyền của người đồng tính cho đến luật kinh doanh và môi trường.