Các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ ngày 11/12 ra lệnh bác đơn kiện của Texas, khẳng định rằng Texas không có tư cách pháp lý để đưa ra cáo buộc.
Lệnh bác đơn kiện được đưa ra sau khi 7 trong 9 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ không chấp nhận thụ lý vụ kiện này. "Texas đã không thể hiện lợi ích có thể nhận thức được về mặt tư pháp đối với cách thức các bang khác tiến hành bầu cử", Tòa án Tối cao Mỹ cho biết trong lệnh chưa được ký.
Luật sư của ông Trump: "Chúng tôi chưa xong đâu"
Theo The Hill, hai thẩm phán Clarence Thomas và Samuel Alito đã ra tuyên bố bất đồng thể hiện quan điểm rằng Tòa án Tối cao có nghĩa vụ phải giải quyết tranh chấp giữa các bang. Tuy nhiên, ngoài ý kiến trái ngược về vấn đề thẩm quyền này, hai thẩm phán bảo thủ cho biết họ đã cùng với bảy thành viên khác của tòa án đứng về phía chống lại Texas.
"Theo quan điểm của tôi, chúng tôi không có quyền từ chối việc nộp đơn kiện trong vụ việc thuộc thẩm quyền ban đầu của chúng tôi", thẩm phán Alito viết. "Do đó, tôi cho phép việc nộp đơn kiện nhưng sẽ không chấp thuận những đòi hỏi khác và tôi không bày tỏ quan điểm về bất kỳ vấn đề nào khác".
Sau hàng loạt thất bại kiện tụng, ông Trump gọi vụ việc của bang Texas là "vụ kiện lớn" đã chờ đợi từ lâu. Ảnh: Reuters. |
Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói các thẩm phán "đã né tránh. Họ trốn phía sau các thủ tục. Không ai trong số các thẩm phán đó đưa ra quan điểm về thực tế vụ việc".
Xuất hiện vào tối 11/12 trên đài Fox News, bà McEnany nói cuộc chiến pháp lý vẫn sẽ tiếp tục tại các tòa án cấp bang. Đây cũng là thông điệp từ luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani.
"Chúng tôi chưa xong đâu, tin tôi đi", ông vừa cười vừa nói trong cuộc phỏng vấn trên Newsmax ngay sau khi có lệnh của tòa. Ông cho biết đội ngũ của ông từ đầu đã lên kế hoạch theo đuổi "4 hoặc 5 vụ kiện riêng rẽ".
Trong một tuyên bố tối 11/12, Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton, người đứng đơn gửi lên Tòa án Tối cao, nói quyết định của tòa là "đáng tiếc".
Trong khi đó, chủ tịch đảng Cộng hòa tại Texas Allen West nói quyết định của Tòa án Tối cao đã đặt ra "tiền lệ rằng các bang có thể vi phạm hiến pháp Mỹ và không phải chịu trách nhiệm".
Ông West thậm chí cũng gợi ý thành lập một "Liên minh các bang tuân thủ hiến pháp".
Tuyên bố của ông West lập tức vấp phải sự phản đối của các đảng viên Cộng hòa khác. Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger bang llinois kêu gọi đảng Cộng hòa ở Texas rút lại tuyên bố này và cách chức ông West.
Giáng đòn vào "cú đánh lớn" của phe Trump
Phán quyết về đơn kiện của bang Texas là đòn giáng mạnh mẽ vào chiến dịch pháp lý mà ông Trump và đồng minh đã theo đuổi sau ngày bầu cử 3/11.
Động thái này, cùng với một mệnh lệnh ngắn gọn hôm 8/12 bác bỏ yêu cầu tương tự từ các đảng viên Cộng hòa ở Pennsylvania, là chỉ dấu cho thấy Tòa án Tối cao không muốn bị lôi vào chiến dịch của Tổng thống Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử.
Vụ kiện của Texas nhận được sự ủng hộ 17 bang mà hầu hết là nơi có thống đốc thuộc đảng Cộng hòa, cũng như 126 hạ nghị sĩ đảng này ở Hạ viện.
126 hạ nghị sĩ liên bang, toàn bộ đều là người của phe Cộng hòa, ủng hộ vụ kiện của bang Texas. Ảnh: AP. |
Texas ngày 8/12 nộp đơn kiện lên Toà án Tối cao Mỹ đòi hủy bỏ kết quả bầu cử ở 4 bang Pennsylvania, Georgia, Michigan và Wisconsin. Đây là 4 bang mang lại chiến thắng vững chắc cho cựu phó tổng thống Joe Biden. với tổng cộng 62 phiếu đại cử tri.
Theo đơn kiện, việc 4 bang nói trên thay đổi luật lệ bầu cử khiến cho quyền hiến định của cử tri Texas bị xâm phạm. Từ đó, đơn kiện yêu cầu Tòa án Tối cao "đóng băng" quy trình chỉ định đại cử tri tại 4 bang trên này.
Thay vào đó, các đại cử tri sẽ được cơ quan lập pháp của 4 bang - vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát - bầu ra. Một phương án khác là sẽ hủy tư cách toàn bộ 62 đại cử tri ở 4 bang này. Dù là phương án nào cũng cần Tòa án Tối cao thụ lý để phân xử.
Quan chức đại diện 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin hôm 10/12 thúc giục Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện của Texas, nói những tuyên bố trong đơn kiện là "sai sự thật".
"Những gì Texas đang làm trong quá trình này là yêu cầu Tòa Tối cao xem xét lại một loạt tuyên bố vô căn cứ về các vấn đề liên quan đến bầu cử, vốn bị tòa này và các tòa khác bác bỏ trước đây", Josh Shapiro, Tổng chưởng lý bang Pennsylvania, viết trong văn bản gửi tới 9 thẩm phán ở Tòa Tối cao.
Trước lệnh của tòa, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện ở Texas có rất ít cơ hội thành công. Họ cũng đặt câu hỏi liệu Texas có đủ tư cách pháp lý để thách thức quy trình bầu cử ở các bang khác hay không.