Ngày 29/3, dự thảo Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện đã được TAND Tối cao trình trong phiên họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Nhiều đại biểu Ủy ban Tư pháp còn băn khoăn về các quy định trong dự thảo luật.
Theo dự thảo, trước khi khởi kiện vụ án, nếu thấy cần phải bảo vệ tài sản, thu thập bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng 10 trong số 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành.
Các biện pháp này gồm: Kê biên tài sản; cấm chuyển dịch quyền về tài sản; cấp thay đổi hiện trạng tài sản; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác; phong tỏa tài khoản; phong tỏa tài sản…
Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho rằng trong thực tế, nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức phát hiện tài sản, quyền tài sản của mình đang bị xâm phạm, nhưng họ chưa thể khởi kiện, hoặc muốn tự thương lượng giải quyết tranh chấp.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn. Ảnh: Quochoi.vn |
“Vì vậy, nhằm bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp thì họ cần tòa hỗ trợ, áp dụng biện pháp mang tính chất ngăn chặn. Vậy cần có luật để đáp ứng yêu cầu đó của người dân”, ông Nguyễn Sơn nói về tính cần thiết ra đời của luật.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Chánh án TAND Hà Nội phân tích để cân nhắc một yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thẩm phán cần có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, và cũng phải nghiên cứu hồ sơ không khác gì một vụ án.
Do đó, ông cho rằng nên giới hạn chỉ trong tố tụng như hiện tại là phù hợp. “Chưa kể, nếu cho phép tách việc áp dụng biện pháp ngăn chặn khỏi việc giải quyết vụ án trong tố tụng thì có thể dẫn tới rủi ro là nó dễ bị lợi dụng để các cá nhân, tổ chức phá rối nhau, chứ không phải để giải quyết tranh chấp”, ông Chỉnh cho hay.
Cùng quan điểm này, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu phân tích trong thực tiễn xét xử, đơn vị ông rất thận trọng khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
“Biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền tài sản, quyền cơ bản của công dân. Với lại, nhiều khi được chấp nhận đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn rồi thì nhiều khi đương sự quên luôn vấn đề chính của mình là vụ án”, ông Hữu nêu quan điểm.
Trong khi đó, bà Lê Thu Hà, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách tư pháp cho rằng việc trao quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp khẩn cấp nên được bàn trong không gian cải cách.
Bà Hà nhận định có những việc cần tòa can thiệp ngay như lệnh cách ly để bảo vệ người vợ là nạn nhân bạo hành gia đình, hoặc lệnh yêu cầu cha, mẹ cấp dưỡng nuôi con cho tình huống đứa trẻ bị cha mẹ ngược đãi… Nhưng, việc này chỉ có thế đạt được khi có nhận thức mới về quyền tư pháp, là tòa án không chỉ có quyền trong tố tụng, mà cả ngoài tố tụng.
Trước những ý kiến của các đại biểu, Phó chánh án TAND Tối cáo Nguyễn Sơn thiếp thu các góp ý và thừa nhận việc xây dựng luật này dựa trên yêu cầu cải cách tư pháp, để tòa có thẩm quyền rộng hơn nhưng cần phải nghiên cứu, hoàn thiện thêm để phòng ngừa lạm dụng.
Ông Sơn cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật, chưa trình Quốc hội kỳ họp tới đây như dự kiến ban đầu.