Tô Hoài đến Vũng Tàu khá nhiều lần, và hình như lần nào cũng để viết một cái gì đó, chứ không phải du lịch hay nghỉ ngơi.
Ông tá túc trong ngôi chùa trên núi, ăn cơm chay cùng nhà sư và hoàn thành bản thảo một cuốn tiểu thuyết. Ông nằm ở nhà sáng tác, cặm cụi viết 101 truyện ngày xưa.
Tô Hoài có thể viết ở bất kỳ đâu
Có lần ông gọi điện thoại cho tôi đến chơi. Cũng có lần tôi cùng mấy người bạn mời ông đi uống. Nhưng nói chung, ông ít khi rời khỏi nơi "trú ẩn" của mình, chỉ đóng cửa lặng lẽ làm cho xong công việc, rồi lại lặng lẽ lên đường.
Chúng tôi cũng rất ngại làm mất thì giờ của ông nên không dám quấy quả. Nên nhiều khi ông đi khỏi Vũng Tàu rồi chúng tôi mới biết.
Một lần đưa ông đi ăn tối, cô chủ quán cơm Bắc biết trước đã bí mật đưa cả nhà - cả bố chồng, cả chồng và đứa con đang học cấp I - đến quán, để "chiêm ngưỡng" tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký.
Rốt cuộc, nhiều thực khách hôm đó đã từng đọc Tô Hoài, từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành, cũng phát hiện ra nhà văn nổi tiếng đang có mặt trong không gian ấm cúng của quán. Họ không làm điều gì quá lố, nhưng không thể giấu được sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ trong ánh mắt và những lời thì thầm bên tai nhau.
Một số cuốn sách của Tô Hoài. Ảnh: HuyenTrang Pham. |
Khi nhận ra điều đó, Tô Hoài vẫn giữ vẻ tự nhiên, nhưng rõ ràng ông ăn mất ngon, và thỉnh thoảng lại phải đổi tư thế ngồi.
Nhìn ông loay hoay chống đỡ với sự nổi tiếng của mình, tôi bỗng thấy ông nhà văn già này trở nên gần gũi, dễ thương lạ!
Chỉ những người có khả năng coi viết lách cũng là một nghề, một công việc cần lao như tất cả những công việc khác trong đời, hay nói cách khác, chỉ với một nhân cách lớn, mà khiêm cung là nền tảng, mới luôn có xu hướng được hòa mình, được chìm lẫn vào nhân quần như vậy.
Người ta đã nói nhiều về tính chuyên nghiệp của Tô Hoài. Đã coi văn chương là nghề, thì không gì quan trọng hơn viết, và cũng không gì bình thường, tự nhiên như viết.
Bất kỳ ở đâu và khi nào, Tô Hoài đều có thể viết. Trên đường đi, trong khách sạn, thậm chí nghe nói ông còn viết cả khi đang họp, hoặc… đang ngồi trên ghế chủ tịch đoàn ở một cuộc hội họp nào đó.
Nhiều người trong số chúng ta, dân nghiệp dư, coi việc sáng tác văn chương là ghê gớm, khó nhọc lắm, nên mỗi khi sửa soạn mọi thứ để ngồi trước trang giấy hay trước màn hình computer cứ loay hoay, vật vã như chuẩn bị... lên sới đấu vật.
Còn Tô Hoài thản nhiên, tuần tự viết hết trang này sang trang khác, xong cuốn này tiếp ngay cuốn khác. Tính về số đầu sách đã được xuất bản, chưa có nhà văn Việt Nam nào vượt qua kỷ lục của ông.
Viết được, viết bền đã khó. Viết hay càng khó. Người làm nghề tự trọng, càng viết càng thấy khó. Khoảng 200 đầu sách rõ ràng là "gia tài" đáng nể của Tô Hoài, nhưng có lẽ điều đáng nói hơn, không phải ở số lượng, mà là những cái "đỉnh" trong sáng tác của ông.
Viết cho trẻ con, ông có Dế Mèn phiêu lưu ký. Dế Mèn được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Trong nước in đi in lại không biết bao nhiêu lần.
Tô Hoài thản nhiên, tuần tự viết hết trang này sang trang khác, xong cuốn này tiếp ngay cuốn khác.
Ba phần tư thế kỷ trôi qua, chú dế của Tô Hoài vẫn dõng dạc cất tiếng gáy trên kệ sách của các em thiếu nhi. Và nghe đâu chính cha đẻ của tác phẩm có sức sống kỳ lạ đó, đã từng thốt lên, tự hào pha chút ngậm ngùi: "Đời tôi, may còn lại con Dế Mèn".
Viết cho người lớn, ông có Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác. Với tôi, Ba người khác thực sự là tác phẩm của một nhà văn lớn. Trong cuốn sách không mỏng nhưng cũng không quá dày này, Tô Hoài luôn giữ được tâm thế bình tĩnh pha chút hài hước.
Bằng cách đó, ngòi bút của ông bỗng trở nên sắc sảo, thâm thúy, chỉ ra cho bạn đọc thấy hết được sự nhảm nhí của con người trong bước đi loạng choạng, vấp ngã của lịch sử. Và đấy chính là điểm khác biệt, độc đáo của ông so với nhiều nhà văn khác khi cùng viết về một đề tài.
Sách Tô Hoài tự truyện. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Những kỷ niệm với nhà văn Tô Hoài
Một lần đến thăm ông ở nhà sáng tác Vũng Tàu, vào dịp đài truyền hình đang truyền trực tiếp một giải bóng đá lớn, tôi vui chuyện hỏi ông có thích xem bóng đá? Ông cười: "Mình chỉ thích đọc bóng đá, chứ không xem".
Đọc ở đây là đọc những bài tường thuật bóng đá trên báo. Nói chung, ông thích đọc báo viết, hoặc nghe đài, chứ không xem truyền hình. Đi đâu ông cũng mang theo một cái radio nhỏ. Có lần ông nhờ tôi mua giúp mấy tờ báo. Lúc đưa báo cho ông, theo thói quen, tôi gỡ những tờ quảng cáo định bỏ đi, nhưng ông ngăn lại.
Với nhiều người, những tờ quảng cáo ấy là đồ bỏ, nhưng với Tô Hoài, chúng chính là "thực tế" - ông "đi thực tế" bằng cách đọc chúng một cách cẩn thận. "Mình đọc cả cái giá báo in ở góc trang cuối cùng" - ông nói và mủm mỉm cười.
Cuối năm 2006, trong một lá thư gửi cho tôi, Tô Hoài viết: "Chắc mấy hôm nay Tiến và các bạn lại bận bịu báo Tết rồi. Tôi vẫn nhận đều báo của Tiến. Cái công thức báo mở ra cả nước và thế giới cùng lúc với địa phương khiến cho báo có đặc điểm riêng, đọc hay đấy...".
Sách Dế Mèn phiêu lưu ký. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Tờ báo Tô Hoài nói tới ở đây là tờ tạp chí Văn nghệ Bà Rịa -Vũng Tàu. Từ nhiều năm nay, tôi thường xuyên gửi tạp chí biếu ông, và luôn coi ông là người đọc thân thiết nhất - hơn thế, một độc giả lớn - của tờ báo.
Ông đã đọc nó và nhiều lần góp ý cho chúng tôi. Có một dạo tờ tạp chí này bỏ trang mục lục, ông nhắc: Nên có, để bạn đọc dễ theo dõi. Vậy là từ đấy, Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu lại in trang mục lục…
Năm 2003, Nhà xuất bản Kim Đồng in truyện vừa Làm mèo của tôi. Từ Hà Nội, Tô Hoài gửi cho tôi một lá thư và một bài viết về cuốn sách (trong thư ông viết "để Tiến đọc cho vui").
Với tôi, điều này còn bất ngờ hơn cả việc cuốn sách được giải thưởng trước đó. Thư và bài đều viết tay, còn nguyên cả những chữ gạch xoá. Bài viết chỉ mấp mé một trang khổ A4, câu chữ nhẹ như không, mê hoặc, dẫn dụ.
Nhà văn Trần Đức Tiến trong Lễ trao giải thưởng sách Quốc gia lần 2. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Cuối năm 2006, tôi lại gửi biếu ông tập Trăng vùi trong cỏ của tôi vừa in xong. Ngay lập tức, ông lại viết thư, khen sách in nhã nhặn. Cuối thư, ông bảo thấy sợ cái gió chướng Vũng Tàu, lần trước ở Vũng Tàu về ông đổ bệnh, nhưng khi dậy được lại nhớ, lại muốn vào cái thành phố biển yên bình ở phương Nam này nghỉ ngơi lần nữa.
Chúng tôi đợi ông.
Lâu lâu lại có người hỏi: Bác Tô Hoài năm nay vào chưa? Rồi ai đó xuýt xoa nhớ buổi tối đưa Tô Hoài đi chơi đột nhiên trời trở lạnh mà bác chỉ phong phanh chiếc sơ mi mùa hè. Cô chủ quán cơm Bắc đến giờ chưa hết bồi hồi vì buổi chiều được đón nhà văn nổi tiếng đến ăn cơm bình dân ở quán cô ấy. Còn tôi vẫn thủ sẵn chai rượu ngon thằng con trai xách từ Tây về.
Nhưng Tô Hoài không còn dịp nào vào Vũng Tàu. Ông không định đầu hàng gió chướng, nhưng tuổi tác đã đưa ông đi nghỉ ở nơi khác, thật xa.