Hiếm có tác phẩm văn học thiếu nhi nào của Việt Nam nổi tiếng như Dế Mèn phiêu lưu ký. Kể từ khi ra mắt năm 1941 tại NXB Tân Dân với tên Con Dế Mèn, tới nay, chú dế của đồng nội Việt Nam đã có biết bao phiên bản, chu du qua hơn 20 quốc gia, được chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác, làm hình mẫu cho đồ chơi…
Hơn 10 năm vẽ Dế Mèn, đến giờ vẫn tiếp tục sáng tạo
Ngay từ bản in đầu tiên, tác phẩm văn học của Tô Hoài đã được minh họa bằng những bức tranh đẹp. Con Dế Mèn đã gợi cảm hứng cho nhiều họa sĩ sáng tác như Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương, Đậu Thị Ngọc Vinh… Nhưng người gắn bó với tác phẩm đồng thoại này nhất có lẽ là Tạ Huy Long.
Một số ấn bản Dế mèn phiêu lưu ký xuất bản tại nước ngoài. Ảnh: Viết Tuân |
Lần đầu tiên Tạ Huy Long vẽ Dế Mèn vào năm 2006, được xuất bản năm 2007. Sau đó, anh vẽ phiên bản minh họa rút gọn cho ấn phẩm nhỏ hơn của Dế Mèn phiêu lưu ký. Phiên bản này được đích thân Tô Hoài viết tay phần nội dung câu chuyện, ra mắt năm 2009.
Năm 2017, sau khi hoàn thành bản minh họa Lĩnh Nam chích quái, Tạ Huy Long theo đuổi phong cách vẽ mới. Anh sử dụng những kỹ năng, cảm hứng này để thực hiện một ấn bản minh họa hoàn toàn mới cho Dế Mèn phiêu lưu ký. Ấn phẩm ra mắt năm 2017, là một trong những tác phẩm đặc biệt kỷ niệm 60 năm NXB Kim Đồng.
Không dừng lại ở những tác phẩm minh họa trên giấy, Tạ Huy Long đưa nhân vật Dế Mèn phiêu lưu qua các hình thức nghệ thuật khác. Năm 2018, triển lãm Chạm tới những thế giới của anh tái dựng thế giới đồng nội của Dế Mèn phiêu lưu ký với những tác phẩm điêu khắc bằng tre, tầm vông, da, kim loại…
Triển lãm Chạm tới những thế giới thu hút nhiều công chúng, đặc biệt, trẻ em tỏ ra thích thú với thế giới đồng nội. Những tưởng triển lãm là một kết thúc đẹp, khép lại một chặng sáng tạo của họa sĩ gắn bó với một tác phẩm văn học. Nhưng đến cuối năm 2019, Tạ Huy Long khiến công chúng bất ngờ khi cho ra mắt Dế Mèn phiêu lưu ký phiên bản truyện tranh.
Sách Dế Mèn phiêu lưu ký phiên bản truyện tranh. Ảnh: Nhã Linh |
Tạ Huy Long nói sức gợi trong trang viết của Tô Hoài là rất lớn: “Nó cho tôi nhiều năng lượng. Hơn 10 năm rồi tôi vẽ, và đến giờ vẫn tiếp tục được sáng tạo với nó”. Thời điểm đầu năm 2018, anh chia sẻ: “Có nhiều nhân vật văn học khiến tôi hứng thú. Nhưng hiện tại, Dế Mèn vẫn đang kéo tôi đi”.
Dế Mèn ở phiên bản kịch tính
Có thể nói ở phiên bản truyện tranh (comic), Tạ Huy Long không còn là họa sĩ minh họa cho tác phẩm của Tô Hoài, anh trở thành đồng tác giả. Họa sĩ sáng tạo 500 khung tranh với hình ảnh sinh động để kể lại chuyến phiêu lưu của Dế Mèn.
Nội dung Dế Mèn phiêu lưu ký phiên bản truyện tranh trung thành với tác phẩm của Tô Hoài. Đó vẫn là cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn cùng người bạn Dế Trũi, những bài học, những cuộc tỉ thí, những tai nạn, những giằng xé nội tâm… và bao buồn vui trên đường khám phá thế giới.
Đối với bạn đọc yêu thích thể loại comic, tác phẩm hấp dẫn bởi phần lời được rút gọn, các khung tranh thể hiện sống động nội dung. Phần hình ảnh được làm kỹ càng tới từng thớ gân, bắp thịt của các động vật nơi đồng nội. Những nhân vật như Dế Mèn, Dế Trũi, Xiến Tóc, Bọ Ngựa, Châu Chấu Voi, Chim Trả, Mụ Cốc, Nhện Cái… đều được tái hiện mang những đặc điểm của sinh vật; đồng thời được nhân cách hóa mang biểu cảm, sắc thái của con người.
Tác phẩm đầy kịch tính, với những khung tranh thể hiện các cuộc tranh đấu. Ảnh: KĐ |
Không chỉ hình ảnh hóa câu chuyện, tác phẩm phiên bản truyện tranh còn trở nên kịch tính hơn. Những khung hình tập trung vào các xung đột của nhân vật chính với nhân vật khác và cả xung đột trong nội tâm nhân vật.
Từ các khung hình này, độc giả có thể tức giận khi Dế Mèn trêu Mụ Cốc dẫn tới cái chết của Choắt; có thể lo lắng tới nghẹt thở khi Mèn bị bắt, khi Mèn bị bác Xiến Tóc cắt râu, khi những người bạn rơi vào thế giới thành lũy của bầy kiến, hoặc vỡ òa khi Mèn chiến thắng võ sĩ Bọ Ngựa và được bầu làm thủ lĩnh.
Các xung đột, tình tiết gay cấn cứ thế tiếp nối, hết mối nguy hiểm này lại tới tai họa khác ập đến… Sự bố trí, sắp xếp hợp lý của các khung hình khiến cho tác phẩm thêm phần hấp dẫn.
Phần lời được tiết chế nhường chỗ cho những hình ảnh. Họa sĩ đã cố gắng giữ lại phần lời đậm chất văn chương của tác giả Tô Hoài. Anh không viết lại lời thoại, lời dẫn theo văn phong của mình mà dùng chính câu văn của Tô Hoài. Trong nhiều trường đoạn, họa sĩ sử dụng một câu ngắn của nhà văn, rồi dùng tranh để diễn giải.
Những bức tranh đầy chất thơ về thế giới đồng nội. |
Để phù hợp với thể loại truyện tranh, tác phẩm không thiếu ngôn ngữ của hành động. Những tiếng “bốp”, “chát”, “hự”… xuất hiện trong các cuộc tỉ thí, tranh đấu của các nhân vật. Tuy vậy, truyện tranh Dế Mèn phiêu lưu ký không vì thế mà trở nên một tác phẩm bạo lực. Những câu văn gợi mở, những khung hình đẹp và câu chuyện, bài học rút ra trên đường đời giúp khắc sâu tính nhân văn của tác phẩm.
Hơn cả một tác phẩm truyện tranh, Dế Mèn phiêu lưu ký phiên bản comic có nhiều bức đại cảnh. Mỗi khung hình lớn ấy đều là một bức tranh phong cảnh đầy chất thơ về thế giới đồng nội. Toàn bộ ấn phẩm được in màu khiến cho cuốn sách mang dáng dấp của một artbook.
Truyện tranh Dế Mèn phiêu lưu ký không chỉ là một ấn phẩm độc đáo, đẹp đẽ, thể hiện sự tinh tế của họa sĩ Tạ Huy Long khi kế thừa nội dung của nhà văn Tô Hoài. Đó còn là câu chuyện truyền cảm hứng về sự sáng tạo. Nếu như thông điệp của tác phẩm Dế Mèn là thôi thúc bạn đọc biết ước mơ và hành động, thì công việc của họa sĩ Tạ Huy Long trong hơn 10 năm qua cho thấy khi biết yêu, gắn bó với một nhân vật, nhân vật ấy sẽ dẫn lối tới những miền sáng tạo vô bờ.