Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tô Hoài sống để viết

Có cảm tưởng như bao nhiêu kinh nghiệm hàng ngày, trước sau đều được Tô Hoài đưa hết vào trang giấy. Ông sống để viết và phải viết, như phải ăn phải uống.

Mỗi nhà văn đến với nghề nghiệp bằng một con đường riêng và sẽ tồn tại trong nghề theo những phong cách riêng. Song ở các nhà văn có thể gọi là thành đạt, những nhà văn có một cái tên mà đọc lên, nhớ ngay được, người ta thường nhận ra một nét chung.

Ấy là, những độc đáo trong tính cách, trong số phận khiến cho họ gần như nhất thiết phải làm nghề ấy, mà không thể làm nghề khác. Tô Hoài là một ví dụ về cái sự gần như nhất thiết ấy.

Dù là chỉ tính ang áng theo kiểu Việt Nam, thì nhìn vào tuổi nhỏ Tô Hoài, không ai tìm thấy một sự chuẩn bị hoặc một bệ phóng nào cả. Nhà văn đã viết trong Cỏ dại Tự truyện có lần kể với tôi là gia đình bên nội bên ngoại ông nghèo lắm, đến sinh ngày nào con cháu cũng không biết.

Chơi đùa chạy nhảy là trên cánh đồng Nghĩa Đô; đi học là ở trường làng và các vùng ngoại ô lân cận; người dắt ra làm quen với phố xá Hà Nội là các dì, các mợ - sự lớn lên của Tô Hoài lúc đó dựa hẳn vào bên ngoại.

Song dựa vào để lấy chỗ làm ăn, chứ mấy quyển truyện nôm của các nhà in sách phố hàng Gai, quyển Kiều truyền tay giữa bạn bè, hoặc mấy quyển sách dịch của tủ sách Đông Tây tư tưởng mà anh thợ cửi Nguyễn Sen mượn ở nhà các ông trưởng bạ, hộ lại làng quê để đọc những lúc rỗi... những sự chuẩn bị vẩn vơ ấy đâu đủ là bảo đảm chắc chắn để con người này đến với nghề cầm bút.

Có điều càng thấy rằng sự chuẩn bị của gia đình và xã hội cho Tô Hoài vào nghề vẫn là không có gì, người ta mới càng hiểu hơn cái phần năng khiếu to lớn, nó khiến cho Tô Hoài chỉ trong nghề này mới tìm thấy sự thích thảng thoải mái.

Nhân ngẫm nghĩ về sự đời, trong một lần vui chuyện, Tô Hoài nói với tôi cái điều có lẽ ông đã chiêm nghiệm từ lâu:

- Không có Cách mạng 1945, chắc ông X. sẽ ra làm quan (khoảng 1943-1944, X. từng theo học trường luật, nơi chuyên đào tạo luật sư, tri huyện). Mà không có Cách mạng chắc ông Y. đi làm giáo sư. Chỉ có mình, không có Cách mạng chắc vẫn đi viết văn.

Cũng cái ý ấy, song Tế Hanh có cách nói khác. Có mặt trong buổi lễ mừng thọ Tô Hoài 70 tuổi, đặt bên cạnh bao nhiêu lời chúc tụng ồn ào, Tế Hanh chỉ bảo rằng Tô Hoài sinh ra để viết, đại khái giống như, tuy ở một tầm cỡ khác, như P. Picasso cũng sinh ra để vẽ.

Sự so sánh đã được giới hạn, nhưng chắc chắn, đó là một lời khen tuyệt vời mà người cầm bút nào cũng mong mỏi và với Tô Hoài lại vẫn là một lời khen đích đáng. Có cảm tưởng như bao nhiêu kinh nghiệm hàng ngày, trước sau đều được nhà văn đưa hết vào trang giấy.

Ông sống để viết và phải viết, như phải ăn phải uống. Không phải ông chỉ ỷ vào cái năng khiếu sẵn có. Ngược lại ông biết gây dựng cho sự nghiệp của mình, như chăm một cái cây, cho thân nó cao, lá nó xanh, tán nó rộng. Và ông biết nuôi tài năng ấy, bằng cuộc sống quanh ông, chứ không tìm ở đâu khác. Điều này diễn ra trong suốt cuộc đời làm nghề của Tô Hoài.

Hơn nửa thế kỷ trước, khoảng 1942-1943, sau khi Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng được in ra, Vũ Ngọc Phan có viết trong Nhà văn hiện đại rằng ông có cảm tưởng được đọc một cuốn sách in ở bên Anh bên Nga.

Là vì tự truyện của Nguyên Hồng thực quá. Bằng một giọng kể run run cảm động, người thanh niên Nguyên Hồng lúc đó dám giãi bày trên mặt giấy những sự việc mà trong câu chuyện riêng với nhau, người ta cũng phải giấu.

Cũng thời gian này, Tô Hoài viết Cỏ dại (in ra 1944) một cuốn hồi ký có cách viết, cách nhìn đời tương tự như quyển tự truyện của Nguyên Hồng. Sau khi trổ tài quan sát và trình bày nhiều ý nghĩ sâu sắc trong Dế mèn phiêu lưu ký, đến đây, ngòi bút Tô Hoài như đằm xuống.

Nếu ở Những ngày thơ ấu, người ta được nghe chuyện trốn học, chuyện đánh đáo ăn tiền, thì ở Cỏ dại hết chuyện cậu bé chốc đầu, được ông ngoại lấy nước điếu chữa ra sao, lại chuyện từ nhà quê lên phố chờ đi học, sống ít ngày không đâu vào đâu, rồi ngơ ngẩn vẫn hoàn ngơ ngẩn.

Trước mắt chúng ta là một cuốn phim quay chậm ghi lại chuỗi ngày tầm thường nhạt nhẽo của một đứa bé tinh quái, lêu lổng. Phải một ngòi bút tự tin lắm mới dám đưa những chuyện đó lên mặt giấy. Nhất là đưa ra sao khiến khi đọc, người ta có thể cảm động đến ứa nước mắt thì chỉ loại Tô Hoài, Nguyên Hồng mới làm nổi.

Những cái nhếch nhác, nhất là những cái xấu xa nhảm nhí mà Nguyễn Công Hoan hoặc Vũ Trọng Phụng nói tới trong văn các ông là những gì ở ngoài các ông và các ông thường nhìn chúng căm ghét khinh bỉ. Nhà văn đứng cao hơn hẳn điều mình miêu tả.

Đọc văn Nguyên Hồng cũng như Tô Hoài, thấy sự nhếch nhác là ở ngay đây, bên cạnh nhà văn, trong chính bản thân kẻ viết văn, và việc cầm bút lúc này giống như một sự giải thoát. Tôi biết là tôi sống giữa xấu xa dơ bẩn như mọi người. Mọi chuyện không thơm tho đẹp đẽ gì. Nhưng tôi chấp nhận. Và riêng việc được viết nó ra đối với tôi đã là một điều hào hứng.

Cái sự chủ động trong bị động này ở Tô Hoài đã thành một thứ bản lĩnh thường trực. Ngoài chuyện giúp ông dám viết, nó còn giúp ông vững vàng ở một lĩnh vực cần thiết cho viết lách tới mức thiếu đi không viết nổi, đó là sự quan hệ với người trong giới và sự tự học.

Giờ đây, có dịp lùi xa hơn nửa thế kỷ, văn học 1932-1945 đối với chúng ta là một cái gì thuần nhất, và những tên tuổi như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, rồi quá nữa, Khái Hưng, Nhất Linh có đặt bên cạnh Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Bính thì cũng là sự tự nhiên, họ thuộc về cùng một thời đại.

Nhưng hãy thử đặt mình vào địa vị Tô Hoài, ở cái điểm khởi đầu, là quãng năm 1940 khi mà anh thợ cửi Nguyễn Sen bắt đầu gửi bài tới các báo, báo nào cũng gửi, và đến khi có truyện ngắn Mê gái - sau đổi là Chú gà trống di - in ở báo Chủ nhật, đến muốn đòi tiền, thì người ta chỉ gọi nhau chạy ra xem, chứ tiền không trả.

Bấy giờ, khoảng cách giữa một nguời dân ngoại thành học chưa hết tiểu học với đám nhà văn nhà báo đã học hết thành chung, tú tài, khoảng cách ấy là xa vời đến mức làm người ta rợn ngợp và không đám nghĩ tới nữa. Ấy thế mà Tô Hoài không nản.

Mới quen với nhà văn Vũ Ngọc Phan do mấy truyện ngắn đăng trên báo Hà Nội Tân văn, ông đã lân la định nhờ tác giả Nhà văn hiện đại giới thiệu để xin thẻ Thư viện quốc gia và khi không được, thì đến ngay thư viện của gia đình Vũ Ngọc Phan, để mượn sách bù vào chỗ thiếu ấy vậy.

Quen Vũ Bằng cũng một phần là để học nghề, để mượn sách, bởi vậy mấy chục năm sau, Tô Hoài còn nhớ đến cuốn Phố Mèo câu cá của nhà văn Rumani gốc Hung, mà Vũ Bằng đã cho Nam Cao và Tô Hoài mượn, rồi vài hôm sau cho anh xe lên đòi.

Đời sống đã đẩy Tô Hoài đi viết văn, nhưng lại chỉ cho ông năng khiếu mà không cho ông kiến thức sách vở. Để bù vào chỗ thiếu sót ấy, ông đành tự học suốt đời.

Giới cầm bút đã quá quen với chuyện thượng vàng hạ cám cái gì cũng đọc của Tô Hoài, song đến lượt tôi, tôi vẫn không hết ngạc nhiên. Cho đến khi, tôi trực tiếp hỏi, thì vẫn cái cách trả lời dẽ dàng vốn có.

Về thời giờ để đọc:

- Tuổi già, ngủ một lúc đến độ hai ba giờ là mình dậy, lúc ấy sách gì mà chẳng đọc hết.

Về bản chất của cái sự đọc nhiều này:

- Ấy là thói quen của người tự học.

Cũng nên nói thêm là, trong cuộc đời Tô Hoài, còn có một chặng thử thách nữa, mà nhờ thói quen thích ứng, tức cũng là nhờ bản lĩnh, ông đã hồn nhiên để trụ vững để rồi vượt qua, một cách nhẹ nhõm, ấy là những ngày đầu kháng chiến chống Pháp khi ông cùng các đồng chí đồng nghiệp được điều lên Việt Bắc, tận chân dãy núi Phia Boóc (Bắc Cạn) làm báo Cứu quốc.

Bấy giờ khoảng 1947-1948. Dường như cách sống của một nhà văn nổi tiếng tiền chiến chưa hề nhiễm vào Tô Hoài, lúc này, những tháo vát xoay xỏa của người thợ cửi cũ, lại được thức dậy.

Ông sống giữa đồng bào dân tộc Mán, làm công tác địa phương. Ông viết báo, viết tường thuật các trận đánh, viết xong, đọc ngay cho đồng bào nghe để lấy ý kiến.

Bề ngoài tưởng như trước mắt chúng ta là một con người hoàn toàn khác, và người cán bộ ba mươi tuổi ấy không còn dây dưa gì đến những chơi bời lăn lóc trên phố phường Hà Nội thuở nào. Song thật ra con người viết văn của Tô Hoài vẫn làm việc, ông gần như chuẩn bị lại từ đầu.

Ông vẫn viết đều, truyện ngắn có, truyện vừa có, nhưng lại rất nhiều ghi chép, phóng sự, ký sự và các bài báo vặt, và cả ca dao nữa, ca dao cho người dân kháng chiến dễ nhớ. Có cảm tưởng Tô Hoài là cái cây khoẻ, đất nào cũng mọc được, vứt vào đâu cũng sống được, và sống đến đâu viết đến đấy.

Vương Trí Nhàn / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY