Có một căn bệnh thoạt nhìn cũng vô can, song bởi vậy, nên khó chữa, nó tồn tại ở nhiều nhà văn Việt Nam và để lại nhiều giai thoại ngồ ngộ, đó là sự lý tưởng hóa nghề nghiệp, xem nghề của mình một chiều thiêng liêng, người làm nghề toàn hạng tâm huyết với nhiệt tình.
Mặc dù không cố ý, song loại người mắc bệnh này động nói tới văn chương là ngả sang giọng rưng rưng cảm động. Chữ nghĩa được dùng cao sang. Làm như ở đây toàn là thánh thần cả!
Phải thành thật mà thú nhận là lúc mới vào nghề, tôi cũng không tránh khỏi căn bệnh quý hóa đó. Chỉ dần dần, dạn dĩ lên trong tiếp xúc, tôi mới tìm tới được một cách nghĩ về văn chương tạm gọi là phải chăng. Và một trong những người giúp tôi có cách nghĩ hợp lý hơn này, là Tô Hoài.
Như trên vừa kể, trong những năm cộng tác với đề tài khoa học KX-06-17, tôi có dịp tiếp xúc với nhà văn này gần như hàng tuần và sớm nhận ra một điều: Không muốn thì thôi, còn khi đã muốn, ông có cái lối riêng để đến gần mọi người.
Những lúc có vài phút dư thừa, ngồi tán hão bên bàn, nếu cần xích lại với người đang nói chuyện với mình, ông chỉ cần vài câu, diễn tả đúng cái đơn giản tầm thường của đời sống, trước tiên là về chính mình, thế là mọi khoảng cách bị xóa sạch.
Một lần, nghe chúng tôi hỏi có những tác phẩm nào sắp cho in, Tô Hoài cắt nghĩa giản dị:
- Ấy toàn của xếp hàng từ mấy năm trước. Cần có cái in ra để thỉnh thoảng làm một hai chén với anh em, lại phải có món để mang về cho bà nó đong gạo nữa chứ.
Một lần khác, đến một nhà xuất bản nọ, trước khi ngồi nán lại một lúc, ông nhờ gọi điện về nhà nhắn với đứa cháu ngoại là bảo bà cho ông ăn cơm trưa với:
- Sao lại phải gọi về thế anh? - Hàng ngày chúng tôi vẫn gọi Tô Hoài là anh, dù biết người đối thoại với mình đã trên 70 từ lâu.
- Nghe có mình về, bà ấy còn làm thêm tí thức ăn, chứ không có mấy bà cháu ở nhà, lại trần xì có nồi cơm nguội.
Khi nói về những chuyện này Tô Hoài chỉ mỉm một nụ cười nhũn nhặn, con mắt lim dim gật gù, như có ý muốn nói: Chúng ta cùng một cảnh ngộ cả, tôi có khác gì các anh các chị đâu. Và mặc dù nói đông nói tây đủ thứ song cách nói chuyện của Tô Hoài vẫn dẽ dàng tự nhiên không mang tiếng là người nói nhiều, nói át người khác.
Nam Cao là một nhân vật lớn của cả văn học tiền chiến lẫn những năm sau 1945.
Bản thân Tô Hoài trước sau đã viết năm sáu bài, khi để tưởng nhớ Nam Cao, khi để phân tích quá trình trưởng thành của một nhà văn cùng lớn lên từ cuộc sống cần lao như mình. Song trong khi miêu tả Nam Cao đáng yêu đáng quý, Tô Hoài vẫn cho người ta thấy nhà văn rất gần với mọi người.
Nào những băn khoăn của Nam Cao muốn kiếm một cái vé sợi cho vợ. Nào những thèm muốn thường tình ở anh giáo nghèo khi từ nhà quê, nhìn vào đời sống thành thị. Và đây công việc viết văn của Tô Hoài mà cũng là của Nam Cao:
“Mỗi tháng chúng tôi túi bụi bận viết vào mấy ngày cuối tháng. Đã vào nghề viết, nhưng nghề thế nào tôi không bao giờ có được kinh nghiệm và thành thạo, chỉ biết lúc nào cũng là nỗi dằn vặt. Cứ sắp đến ngày hẹn đem truyện xuống nhà xuất bản tôi mới ráo riết, cắm cúi thâu đêm.
Có khi, chúng tôi phải viết đổi tay cho nhau mới làm kịp. Nam Cao thạo tả nhân vật, tôi nhờ anh viết cho tôi những đoạn như thế. Lúc Nam Cao buồn ngủ hay chán viết, anh bảo tôi: 'Cậu làm hộ mình thế này nhé. Sắp mưa, bờ ao có bụi tre. Buổi chiều. Mấy trang cũng được'. Tôi vốn thích tả cảnh. Tôi lia hộ bạn vài trang như anh đã phác. Cũng là một thứ công ti”, (trích Tự truyện của Tô Hoài, NXB Văn học 1985).
Trước mắt chúng ta, công việc viết văn hiện ra lam lũ, như nghề dệt cửi đầu hôm tối mai mà Tô Hoài vẫn tả.
Sống mòn là một tác phẩm mang nhiều yếu tố tự truyện của Nam Cao. Đã có một nhà văn lớp sau xem cái gì tác giả Chí Phèo viết ra cũng là lý tưởng, khi giải thích tại sao trước 1945 cuốn Sống mòn này không in ra được, đã khoác cho sự việc một cớ rất sang: Bởi nó đặt các vấn đề xã hội một cách xa xôi kín đáo nên Sở kiểm duyệt cũ của thực dân ngửi hơi thấy và xoay đi xoay lại nhiều lần không cho in.
Song, là người chứng kiến việc Nam Cao viết Sống mòn từ đầu, Tô Hoài lại hé ra cho bạn đọc thấy một sự thực khác. Theo Tô Hoài, khi viết xong tiểu thuyết (mà ban đầu gọi là Chết mòn), Nam Cao hay nói nửa đùa nửa thật: “Bao giờ những người trong tiểu thuyết này chết đi, mình mới đem in được sách. In bây giờ thì không dám nhìn mặt ai nữa”.
Vả chăng hồi đó Nam Cao chưa thành một cái tên để người ta nhận in tiểu thuyết dày, Tô Hoài nói thêm. Hóa ra chỉ đơn giản có thế! Biết những chuyện này, chúng ta không chán Sống mòn mà chỉ thấy mừng là một quyển sách như thế lang bạt suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, may mắn sao lại còn sống sót để tồn tại vĩnh viễn trong văn học Việt Nam.
Cũng như biết thêm con người yếu đuối, con người cái gì cũng thèm, cái gì cũng tiếc của Nam Cao, chúng ta càng quý cái sự vượt lên của ông và càng cắt nghĩa được tại sao người ta có thể đọc Nam Cao mãi.
Những tầm thường vốn có không làm hại tình cảm của chúng ta đối với nhau. Ngược lại đằng khác. Với người sống lâu trong nghề nói là một lý do để an ủi: Đấy, điều kiện sống của chúng ta eo hẹp vậy, làm sao để có tác phẩm lớn được. Mà làm thế nào biết được tác phẩm ấy sẽ lớn, sẽ sống mãi, thôi hãy sống nhì nhằng qua ngày!
Riêng với người còn đang định vào nghề, nó là một lời cảnh tỉnh, nghề văn vất vả lắm, anh có chịu được thì hãy đến.
Bằng cái biết cái hiểu của người trong cuộc, rỉ rả mỗi ngày một tí, Tô Hoài hé ra những sự thật chung quanh cái nghề mà ông thành thạo, theo cái hướng như thế. Kể làm sao hết những sự thực nghề nghiệp mà Tô Hoài đã nói tới đây đó vui vui mà đau xót.
Nhắc đến Nguyễn Công Hoan, bên cạnh câu chuyện nghiêm chỉnh viết thư xin phép cho diễn Tấm lòng vàng, là những chuyện buồn cười, Nguyễn Công Hoan khi về già viết truyện cổ lỗ thế nào trong khi lại chủ quan, thơ ngây với sự đời ra sao.
Liên quan Nguyên Hồng là câu chuyện đi khuân thùng bia hộ mấy bà phe phẩy. Trong hình ảnh thân thuộc của Nguyễn Bính, có hình ảnh anh chàng si tình cầm chiếc hộp sắt đầy những lá thư tình dở hơi. Hình như Tô Hoài muốn tìm lấy sự công bằng, trong khi vẫn giữ một tình cảm ấm áp giữa các đồng nghiệp, và nhiều lần, chỉ cần một nhận xét bỏ nhỏ thôi, ông phác ra cả một tính cách.
Về một nhà văn nổi tiếng viết về đời sống nông thôn:
- Tranh chánh hội mấy lượt không được, nên cái sự cụ ấy ghét cường hào có gì là lạ!
Về một nhà văn say rượu tự mình làm hỏng cuộc đời của mình vì rượu :
- Ông này đi họp với tôi ở Liên Xô mấy lần, từ máy bay xuống đã say, trước cái vòng quay trả hành lý, có mỗi cái vali cũng không lấy nổi: Cứ chạm vào lại trượt, lại phải chờ vòng quay sau, say như thế nên mới hỏng cả người.
Về một nhà thơ, chỗ nào cũng có mặt, mà thơ thẩn thì không ra sao:
- Cứ trông thấy thơ của ông ấy là tôi phải đọc. Đọc vì tò mò. Đọc cho nó đỡ buồn.
Về một giọng văn “công chức bẩm sinh”:
- Lúc nào văn ông ấy cũng nhạt, chỉ không biết lúc nào thì nhạt thật, mà lúc nào nhạt giả.
Mỗi người một vẻ, cuộc đời khá nhiều các bạn đồng nghiệp đi qua, để lại trong Tô Hoài những ấn tượng hơi buồn: Chúng ta sống không ra sao, đáng lẽ chúng ta phải biết mình biết người hơn, phải sống và viết cho khá hơn, mà cũng ra người hơn một chút, chứ thế này sao tiện?!
Cùng với việc lý tưởng hóa nghề nghiệp, có một nguyên tắc không ghi thành văn bản chi phối quan hệ giữa những người viết văn là để chuyện tiền nong sang một bên, không đả động đến nó bao giờ.
Có thể là trong câu chuyện hàng ngày cũng đôi khi người ta hỏi nhau, kháo nhau tỉ mỉ và nhất là trong đầu óc từng người, việc so đo tính viết thế này cho báo này được tiền hơn, viết thế kia, gửi cho báo kia, được ít lắm... những chuyện ấy luôn luôn trở đi trở lại, song viết ra thì không, hầu như là chuyện cấm kỵ.
Về phần mình, Tô Hoài công khai bày ra sự tính đếm của mình khá sớm. Sao báo Chủ nhật đăng truyện mà không trả tiền cho mình? Nhuận bút một truyện in trong Hà Nội tân văn là bao nhiêu, tương đương ra sao với thu nhập của một anh thư ký hãng buôn?
Cách ký hợp đồng của các ông chủ xuất bản thời xưa... Cách nhận bản thảo... Bấy nhiêu chuyện đã kể không làm cho người ta thấy văn chương hèn hạ mà ngược lại nó giúp người đọc nhận ra những xót xa còn ẩn giấu giữa những dòng chữ.
- Mấy năm 1943-1944, có lệ là sáng mồng một, phải đến mừng tuổi ông Tân Dân. Mừng tuổi thế nào? Dọn dẹp cỗ bàn cúng giao thừa xong, tôi còn ngồi lia luôn được một cái truyện. Đến nơi, mừng tuổi ông ấy cái truyện mới viết, thì ông mừng tuổi lại năm đồng. Thế là hòa, mà lại được cái tiếng lịch sự (Truyện Tết viết năm nay, ông cất vào kho, để sang năm, lại in vào số Tết).
- Nhuận bút báo Tết có cao hơn báo thường?
- Không. Nhưng người viết văn ngày xưa có cái sướng hơn hẳn người viết văn bây giờ là tiền ấy, do chính tay ông chủ trao, chứ không phải như bây giờ, giám đốc chỉ tay bảo mình ra gặp kế toán, rồi có tiền thì có kế toán bảo đến đấy mà lấy, không có tiền bảo hôm khác đến, muốn hành thế nào mình cũng phải chịu.