Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổ công tác của Thủ tướng: Quy định chung chung thì cán bộ sách nhiễu

Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp lưu ý Bộ kiên quyết cắt giảm các điều kiện kinh doanh chung chung, vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu.

Ngày 26/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, dẫn đầu kiểm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Tư pháp.

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng cho biết đây là cuộc kiểm tra thứ 44 của Tổ tại các cơ quan, bộ ngành. Năm 2018, với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 01 giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương.

Buổi kiểm tra tập trung 2 nội dung: Một là tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp từ 1/1/2017 tới nay; hai là rà soát các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính theo tinh thần của Chính phủ là cắt giảm 50% để tháo gỡ khó khăn, phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp.

Thủ tướng biểu dương Bộ Tư pháp có nhiều đổi mới

Thay mặt Tổ công, tác Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng chuyển lời biểu dương, khen ngợi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Bộ trưởng, cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp. Trong năm qua, Bộ có rất nhiều đổi mới, giúp Chính phủ, Thủ tướng bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là trong việc quan tâm xây dựng hoàn thiện thể chế, Bộ đã đi đầu, gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm…

Đặc biệt, Thủ tướng khen ngợi Bộ trưởng làm tốt vai trò của mình, gần đây nhất là trong phiên trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Trong 3 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định với 18 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 47 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 5 điều ước quốc tế. Cũng trong quý I, Bộ đã phát hiện và kết luận kiểm tra với 20 văn bản trái luật về nội dung.

Đồng thời, chủ động tích cực thi hành các vụ việc thi hành án dân sự…

To cong tac cua Thu tuong anh 1

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Tư pháp với VPCP và các bộ trong quá trình đôn đốc tiến độ xây dựng, trình các dự án luật, các văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh. Ở thời điểm 1/7/2017, lần đầu tiên Chính phủ không nợ đọng văn bản hướng dẫn. Điều này có đóng góp rất lớn của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý từ thời điểm 1/1/2018, hiện vẫn có 8 văn bản nợ đọng. Cùng với đó, từ 1/7 sắp tới sẽ cần tới 125 nghị định, quyết định  để hướng dẫn luật, pháp lệnh.

Bộ cần hết sức lưu ý 8 nhiệm vụ

Trước tình hình như vậy, Tổ trưởng Tổ công tác chuyển lời của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp hết sức quan tâm một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, quan tâm công tác đào tạo cán bộ kế cận. Bộ đang quản lý một số trường luật và trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cán bộ phải không chỉ giỏi luật trong nước mà cả luật quốc tế.

Thứ hai, công tác thi hành án dân sự, số vụ việc tồn đọng ngày càng lớn, số vụ việc không có điều kiện thi hành rất nhiều, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ và nếu cần thiết báo cáo cả Quốc hội xem xét, xử lý.

Thứ ba, vừa qua Bộ đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao trong các vụ kiện, tranh cấp quốc tế, nhưng trong điều kiện nền kinh tế đẩy mạnh thu hút đầu tư, chúng ta phải giải quyết nhiều vụ kiện, tranh chấp, làm sao phải có những phản ứng kịp thời với kiến thức, trình độ, thực lực để xử lý.

Thứ tư, làm sao phối hợp các cấp các ngành để xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước.

Thứ năm, kiểm soát tốt hơn chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù đã phân cấp các bộ ngành, địa phương nhưng Bộ phải có cái nhìn bao quát rộng hơn, bảo đảm tính khả thi, chỉ ra những bất cập, bảo đảm đúng thẩm quyền…

Thứ sáu, tham gia củng cố hệ thống tư pháp địa phương, tăng cường nguồn lực cho đội ngũ làm cán bộ hộ tịch, lý lịch tư pháp địa phương, mặc dù đây là nhiệm vụ của địa phương là chính.

Thứ bảy là công tác giáo dục pháp luật.

Thứ tám là công tác quản lý nhà nước về luật sư, hiện nay ở một số địa phương còn buông lỏng.

Cương quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh

Về điều kiện kinh doanh, hiện Bộ Tư pháp đang quản lý 98 điều kiện kinh doanh tại 6 luật và 4 nghị định. Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo rất sát sao, rà soát và đã dự kiến cắt giảm 43 trên 98 điều kiện.

“Đề nghị tiếp tục rà soát, những gì chồng chéo, chung chung, không lượng hóa được, không cần thiết thì bỏ, cương quyết như thế. Các hiệp hội ngành hàng có nêu những ví dụ về một số tiêu chí không định lượng được: Có sức khỏe tốt, phẩm chất tốt để bảo đảm hành nghề luật sư, hành nghề công chứng… Thế nào là tốt, trong khi chúng ta đã có phân loại sức khỏe cụ thể rồi, nhưng quy định chung chung thế này thì doanh nghiệp rất khó làm việc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, những điều kiện kinh doanh không cụ thể, không lượng hóa được sẽ vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu. Ví dụ như quy định thời gian tập sự hành nghề luật sư nhưng không nói rõ thời gian bao lâu, có kinh nghiệm tư pháp quốc tế nhưng không quy định rõ bao lâu là có kinh nghiệm. Rồi quy định trụ sở văn phòng phải có diện tích bảo đảm cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng…

Bộ trưởng cũng nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cửa, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường… song việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chính là dư địa tăng trưởng.

Trước khi Tổ công tác thành lập, tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25% tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương, nhưng cuối 2016 chỉ còn hơn 2% và cuối năm 2017 chỉ còn 1,88%.

Theo Bộ Tư pháp, từ đầu năm 2017 tới 15/3/2018, Bộ Tư pháp được giao 434 nhiệm vụ. Kết quả đã hoàn thành 378 nhiệm vụ, 56 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện trong hạn, chỉ có 7 nhiệm vụ quá hạn (1,61%).

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/To-cong-tac-cua-Thu-tuong-Quy-dinh-chung-chung-thi-can-bo-sach-nhieu/332522.vgp

Theo Hà Chính/Chính Phủ

Bạn có thể quan tâm