Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổ công tác của Thủ tướng sẽ xuống tận huyện để kiểm tra

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định trong năm 2018, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ kiểm tra định kỳ các bộ ngành, thậm chí xuống tận huyện, địa phương làm việc.

Ngày 28/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng) đã chủ trì buổi kiểm tra 16 bộ trong việc thực hiện cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, cơ quan đã trình bày các phương án, kế hoạch cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Phát biểu tại cuộc họp, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét công cuộc cải cách mới “bắt đầu động đậy”. Hầu hết bộ, ngành mới dừng ở mức tuyên bố xóa bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhưng thực sự gỡ bỏ được là cả một chặng đường dài nữa.

to cong tac cua thu tuong se xuong tan dia phuong lam viec anh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

“Từ lời nói, lời hứa, đến hành động thực tế, cắt giảm thực tế và triển khai thật sự cũng là cả vấn đề. Chúng ta đang có đà cải cách, nếu cỗ xe dừng lại hoặc đi chậm là… chết”, ông nói.

Ông Thiên cũng nhấn mạnh kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, chồng chéo, nhiêu khê nhưng phát hiện vi phạm, sai phạm thông qua kiểm tra chuyên ngành lại rất ít (chỉ 0,16%). Một doanh nghiệp đôi khi phải chạy từ Hải Phòng vào TP.HCM, rồi lại ra Hà Nội làm thủ tục.

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng sự cải cách nhen lên ở các bộ bắt đầu bằng “nhiệt lượng” truyền từ Chính phủ nhưng đến nay kết quả nhìn thấy chưa đều.

“Ở đâu có lãnh đạo bộ, đặc biệt là bộ trưởng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thì ở đó có kết quả tốt, chuyển biến nhanh. Tình trạng này cho thấy các bộ trưởng chuyển động không đồng đều. Nhìn vào kết quả có thể thấy bộ nào thực sự quyết tâm, bộ nào chưa”, ông nhận xét.

to cong tac cua thu tuong se xuong tan dia phuong lam viec anh 2
 

Thành viên tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình với kiến nghị của các chuyên gia là phải ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạnh mẽ hơn nữa để quản lý.

“Hiện chúng ta xuất nhập khẩu trên 400 tỷ USD/năm, cần hướng tới thực hiện thủ tục điện tử 100%. Kiểm soát được từng thủ tục hành chính ở 171 cửa khẩu quốc gia, kiểm soát được từng hành vi của công chức hải quan thì mới giám sát được toàn bộ hoạt động”, ông Tuấn nói.

Thống nhất các ý kiến, đề xuất, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh từ 15/3, Tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể tại từng bộ, ngành.

“Lần này tổ công tác sẽ xuống tận huyện, tận địa phương, bởi sự nhiêu khê của thủ tục nó nằm ở nhiều ngóc ngách lắm. Chúng ta phải dẹp bỏ các văn bản 'núp bóng', như chỉ bằng một công văn ban hành mà bắt cả nước thực hiện, để tạo ra các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh phải chủ yếu nằm ở các nghị định hướng dẫn thi hành luật, hạn chế triệt để việc ban hành các thông tư”, ông nói.

Theo thống kê, các điều kiện kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật, với 3.571 điều kiện cho 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 13 bộ. Trong đó nhiều nhất là Bộ Công Thương (1.215 điều kiện, đã cắt giảm 675), Bộ Y tế (853 điều kiện), Bộ Giao thông Vận tải (498), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (345), Bộ Tài chính (447)...

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm