Ngày 5/1, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký văn bản đồng ý cho Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội dự án Nhà máy bột giấy VNT-19.
Cuối tháng 3/2011, dự án Nhà máy bột giấy VNT-19 được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư với công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm.
Công ty CP Bột giấy VNT-19 liên tục nhập nhiều lô hàng thiết bị siêu trường, siêu trọng cũ đưa về công trường nhà máy ở Khu kinh tế Dung Quất. |
Sau ba lần điều chỉnh, dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117 ha với tổng vốn 10.000 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án được khởi công giữa năm 2015; theo kế hoạch đưa vào vận hành vào cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.
Lãnh đạo Quảng Ngãi cho hay trong quá trình triển khai, chủ đầu tư không tuân thủ cam kết đầu tư. Họ đã nhập máy móc cũ từ một nhà máy ở châu Âu về lắp ráp; dự định xả thải ra vịnh Việt Thanh ở Khu kinh tế Dung Quất. Nhà đầu tư dự án còn kiến nghị lấy 50 ha rừng dừa nước ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, để làm hồ cung cấp nước. Ngoài ra, quá trình thi công dự án, chủ đầu tư đã san lấp nhiều diện tích hoa màu, đất đai của người dân…
Nhà máy VNT-19 xây dựng trên đồi cao sát bên rừng dừa nước ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng từng thừa nhận dự án có sử dụng thiết bị cũ. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị sử dụng thiết bị cũ từ nhà máy TOFTE (Na Uy) rất nhỏ, chỉ khoảng 600 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư của dự án (10.000 tỷ đồng). Công ty này cam kết sẽ dừng hoạt động nhà máy nếu hoạt động xả thải gây ảnh hưởng đến các hộ dân trong vùng dự án.
Tháng 6/2018, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi từng kiến nghị Bộ TN&MT cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến dự án Nhà máy bột giấy VNT-19 (Khu kinh tế Dung Quất), do Công ty CP Bột giấy VNT-19 làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo ĐTM, vị trí dự kiến xả nước thải của nhà máy tại vịnh Việt Thanh (thuộc vùng biển thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, Bình Sơn), cách bờ biển 500-1.500 m. Tuy nhiên, lãnh đạo Quảng Ngãi xét thấy trong báo cáo, các số liệu thông tin về khu vực xả thải còn sơ sài.
Chủ đầu tư chưa đánh giá sức chịu tải và khả năng tiếp nhận của nguồn tiếp nhận; chưa xây dựng các mô hình để tính toán mức độ lan truyền của dòng nước thải, các kịch bản khi sự cố nước thải vượt quy chuẩn xả thải ra ngoài môi trường... Do vậy, dự án chưa đảm bảo cơ sở khoa học để đánh giá mức độ tác động việc xả thải của nhà máy đến môi trường xung quanh.