Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa gửi văn bản đến Thường trực HĐND tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu đối với các vấn đề tại huyện Bình Sơn.
Về vấn đề nhà máy giấy VNT-19 nhập thiết bị cũ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không thực hiện cam kết với dân, ông Căng cho hay nội dung này đã tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Nhập thiết bị hoen gỉ vì... thiếu vốn
Theo đó, nhà máy này được xây trên diện tích hơn 68 ha tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) do Công ty CP Bột - Giấy VNT-19 làm chủ đầu tư. Nhà máy có quy mô 250.000 tấn bột tẩy trắng/năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 8/2011 và đến nay đã ba lần điều chỉnh có tổng vốn lên 10.000 tỷ đồng.
Công ty CP bột giấy VNT-19 nhập thiết bị hoen gỉ về xây dựng nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu, cơ quan chức năng Quảng Ngãi yêu cầu doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến; máy móc hiện đại, đồng bộ (mới 100%), quy trình công nghệ khép kín, đáp ứng điều kiện về các chỉ tiêu kinh tế và thực hiện tốt nội dung bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau 3 năm được cấp phép, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai dự án do nguồn vốn quá lớn (nếu nhập thiết bị mới 100%).
Trước tình hình này, doanh nghiệp xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo hướng không yêu cầu thiết bị mới 100% và đã được Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi) chấp thuận.
Theo báo cáo của Công ty CP Bột - Giấy VNT-19, doanh nghiệp đã mua thiết bị cũ từ một nhà máy tại châu Âu.
Buộc thay mới thiết bị, nâng cấp dây chuyền công nghệ
Về vấn đề này, Quảng Ngãi đã buộc chủ đầu tư thuê cơ quan chuyên môn giám định chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trước khi vận hành nhà máy. Doanh nghiệp ký cam ký đảm bảo nhập, lắp đặt thiết bị, công nghệ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Nước gỉ sét chảy từ nhà máy tràn xuống ruộng lúa của người dân ở huyện Bình Sơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hiện, doanh nghiệp bắt buộc phải thay mới 100% dây chuyền thiết bị gồm: Hệ thống xử lý nước cấp thải, nước cấp cho lò hơi, lò hơi đốt than, lọc bụi tĩnh điện, tháp giải nhiệt, bộ hâm cho nồi nấu. Ngoài ra, doanh nghiệp đã đầu tư nâng cấp các hệ thống chưng bốc, máy sấy, thay thế nhiều phụ tùng mới, hệ thống điện điều khiển... đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn châu Âu.
Nhà máy sử dụng công nghệ tẩy bột bằng oxy, cam kết sử dụng ít hóa chất cho công tác tẩy rửa; thuê Công ty Aqua Flow (Phần Lan) nhà làm thầu thiết kế, cung cấp mới 100%, đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Theo thiết kế, dây chuyền này đã bố trí hồ sự cố dung tích 50.000 m3 để lưu trữ nước trong trường họp xảy ra sự cố đối với hệ thống xử lý nước thải. Doanh nghiệp bổ sung thêm hồ chỉ thị sinh học để nuôi cá kiểm chứng chất lượng nước thải trước khi xả thải ra môi trường.
Về vấn đề chủ đầu tư nhà máy giấy VNT-19 đặt ống xả ngầm dưới biển vịnh Việt Thanh có đúng quy định pháp luật hay không, ông Căng cho hay đã hai lần gửi văn bản lấy ý kiến Bộ Tài nguyên Môi trường nhưng đến nay chưa thấy phản hồi.
Dù hiện nay nhà máy giấy VNT-19 chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng sự cố môi trường biển Formosa tại Hà Tĩnh đã khiến chính quyền và người dân Quảng Ngãi lo ngại về vấn đề xả thải.
Ngày 26/6, Quảng Ngãi kiến nghị Bộ TN&MT rà soát, đánh giá lại một số nội dung trong báo cáo ĐTM để tránh tác động xấu đến môi trường khi nhà máy này đi vào vận hành.
Tháng 9/2015, dự án này từng được Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự kiến xả thải ra vịnh Việt Thanh (thuộc vùng biển xã Bình Trị, Bình Sơn). Tuy nhiên, lãnh đạo Quảng Ngãi xét thấy trong báo cáo, các số liệu thông tin của doanh nghiệp về khu vực xả thải còn sơ sài.
Lãnh đạo Quảng Ngãi băn khoăn nhà máy xả thải sẽ ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân như thế nào? Phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi nhà máy để xảy ra sự cố môi trường, các cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự cố ?