Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tô Chiêm - họa sĩ yêu sách

Khí có ý định viết về Tô Chiêm, tôi chỉ định khoanh vùng trong mảng hội họa vì cũng chỉ biết anh là họa sĩ. Gần đây, tôi mới phát hiện, ngoài tài cầm cọ, anh còn nhiều tài khác.

Chúng tôi thường gọi Tô Chiêm là “hàng xóm” vì anh công tác ở nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, gần báo Tiền Phong. Mấy anh em vẫn thường uống cà phê, trà đá với nhau, anh chỉ cười, lắng nghe các cô em ở báo tranh nhau nói.

Nhưng tôi biết Tô Chiêm không phải từ duyên trà đá, cà phê. Tôi gặp Tô Chiêm lần đầu tiên ở buổi họp cộng tác viên cuối năm của báo Nhân Dân hằng tháng. Hóa ra, anh đã là cộng tác viên lâu năm của Nhân Dân hằng tháng, ở mảng minh họa cho những bài báo, truyện ngắn trên ấn phẩm này.

Thầm nghĩ, nếu Tô Chiêm mở một triển lãm khoe toàn bộ gia tài tranh minh họa cho các báo, cũng rôm rả lắm. Bởi Tô Chiêm là cái tên khá quen thuộc trong những minh họa của báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, Đại Đoàn kết, Người Hà Nội...

Đã nghe nhiều người trong và ngoài giới khen tài minh họa của Tô Chiêm, tôi không ngạc nhiên. Bởi ngoài hội họa Tô Chiêm còn mê đọc sách. Nhờ ham đọc, cảm thụ tốt, nên minh họa cho các tác phẩm văn chương của Tô Chiêm trên báo chí thường ấn tượng.

Hoa si To Chiem lam sach anh 1

Họa sĩ Tô Chiêm. Ảnh: Tiền Phong.

“Tôi thấy… nhớ bằng cả trái tim”

Chưa thấy “hàng xóm” ra những cuốn sách như Đỗ Phấn để đàng hoàng bước vào làng văn nhưng thấy anh vẫn viết báo đều đều. Riêng mảng chân dung văn nghệ sĩ anh đã gom đủ để làm một cuốn sách.

Hiện nay, tập bản thảo đã hoàn thiện, “dọa” sinh nở nay mai. Tên sách không thể lạ hơn: Tôi thấy… nhớ bằng cả trái tim. Rất nhiều chân dung văn nghệ sĩ được Tô Chiêm khắc họa, bên văn chương với Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Thy Ngọc, Quang Dũng… bên hội họa với Bùi Xuân Phái, Mai Long, Tạ Thúc Bình…

Khi nhà văn Nguyễn Trí - tác giả Bãi vàng, đá quí, trầm hương - đọc bản thảo tập Tôi thấy nhớ… bằng cả trái tim đã không ngại dành cho họa sĩ những lời khen vừa chân thành, vừa hào phóng trong một bài viết dài.

Hoa si To Chiem lam sach anh 2

Tranh vẽ Tô Chiêm của họa sĩ Kim Duẩn.

Còn trò chuyện với tôi về tập chân dung, Nguyễn Trí tóm gọn: “Tập chân dung tốt lắm đấy. Tuy là họa sĩ, anh Chiêm đọc kỹ và viết có thần lắm”.

Chẳng phải như một số người viết chuyên nghiệp cứ dựng xong chân dung một người là dừng lại để chuyển sang khám phá những gương mặt khác, Tô Chiêm không “dứt tình”, anh vẫn mải mê theo nhân vật của mình.

Như với thi sĩ xứ Đoài, Tô Chiêm có bài viết: “Quang Dũng - Làm thơ bằng hội họa”. Bài viết này được in trong tập sách Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao (NXB Kim Đồng) do chính Tô Chiêm tham gia biên soạn.

Sách đã ra nhưng một hôm Tô Chiêm nhắn tin cho tôi, gửi kèm hình ảnh là một trang giấy cũ mèm có bút tích của Quang Dũng, hình như một trang nhật ký của ông thì phải. Chưa kịp xem kỹ, đã thấy Tô Chiêm nhắc: “Đọc đi, sẽ thấy Quang Dũng đã học khóa vẽ hàm thụ mong làm họa sĩ. Từng minh họa sách cho Nguyễn Tường Tam - Nhất Linh. Đây là những chi tiết mới tìm ra đấy”.

Tôi chỉ biết thả “mặt cười” sau dòng tin nhắn của Tô Chiêm, có phần nể phục sự tỉ mỉ, chịu khó tìm tòi của họa sĩ. Thế là lại hẹn hò “hàng xóm” cà phê.

Ham thú “đệ nhất phong lưu”, biên soạn sách hiếm “sạn”

Ra quán Tô Chiêm mang theo một túi sách, trong đó có những cuốn: Họa sĩ Mai Long - Những bức tranh như những bài thơ; Họa sĩ - Nhà giáo Tạ Thúc Bình: Dung dị một hồn quê Kinh Bắc; Nguyễn Bích: Họa sĩ của những ô tranh nhỏ; Họa sĩ Ngô Mạnh Lân: Một đời mơ những giấc mơ thơ trẻ; Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao.

Những cuốn sách này đều của NXB Kim Đồng và do Tô Chiêm biên soạn. Đừng nghĩ sách của NXB Kim Đồng chỉ dành cho trẻ thơ, với những ai yêu hội họa Việt thì đây là những cuốn sách nên đọc. Sách của Tô Chiêm biên soạn thường chi chút, cẩn thận.

Xem sách thấy sướng vì không va “sạn” như nhiều cuốn trên thị trường sách hiện nay. Tô Chiêm giới thiệu 5 cuốn sách trên nằm trong bộ sách vinh danh các họa sĩ từng đóng góp cho NXB Kim Đồng và thiếu nhi. Hiện nay mới làm được 5 cuốn, sẽ cố gắng làm 10 cuốn, giới thiệu những chân dung khác như họa sĩ Quang Thọ, họa sĩ Huy Toàn, họa sĩ Nguyễn Thụ, nhà văn - họa sĩ Thy Ngọc, họa sĩ Sỹ Ngọc.

Tôi hỏi Tô Chiêm: “Làm sách về các họa sĩ có khó không?”. Anh đáp: “Phần tư liệu tranh thì khó vì phải bám vào gia đình, tư liệu bảo tàng… Còn tư liệu sách thì không khó”.

Hóa ra anh vướng cái thú “đệ nhất phong lưu”, cụ Vương Hồng Sển gọi là “Thú chơi sách”. Bỏ một vài triệu đồng để sắm một chiếc áo đẹp, chắc Tô Chiêm chẳng bao giờ làm, song để “tậu” một cuốn sách cũ mà quí, thì anh chẳng lăn tăn.

Không ít người quý sách như gia tài. Có lần đến thăm nhà giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương, tôi được ông dẫn lên thăm thư viện sách. Ông có một số nỗi lo, trong đó lo khi nằm xuống không ai tiếp quản kho sách này.

Chẳng biết kho sách của Tô Chiêm có giàu có như Trần Ngọc Vương, thầy giáo của tôi không nhưng lời “khai” của anh làm tôi thoáng giật mình: “Chắc là cũng vài nghìn cuốn gì đó”. Nếu người Việt nào cũng lây tí ti cái thú của Tô Chiêm chắc chúng ta chẳng đến mức phải đứng trong top lười đọc sách cỡ thế giới.

Ngoài sách của NXB Kim Đồng và sách văn học, Tô Chiêm còn sở hữu rất nhiều sách lịch sử. Những “bật mí” của Tô Chiêm khiến tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Anh không chỉ biên soạn sách về các họa sĩ mà còn biên soạn cả những cuốn sách về lịch sử của NXB Kim Đồng như cuốn Mùa xuân năm 1975: Lịch sử ghi dấu bằng ảnh; Điện Biên Phủ - Bản hùng ca lịch sử

Lý do để anh bắt tay vào làm những cuốn sách này: “Thấy các cháu không thích lịch sử, nên muốn làm một cách mới… với nhiều hình ảnh, hội họa, âm nhạc, để trẻ tiếp cận lịch sử một cách vui hơn”, Tô Chiêm nói.

Anh cũng biên soạn những cuốn sách về danh nhân: Bác Hồ một tình yêu bao la; Bác Hồ - Người cho em tất cả; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người; Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - Hai cuộc trường chinh

Hay những bộ tranh truyện dân gian Việt Nam như Bà Chúa Trầm Hương; Bà Chúa Thượng Ngàn. Thậm chí, Tô Chiêm tham gia biên soạn cả sách thơ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Anh hay lấy bút danh khi viết báo và biên soạn sách là Anh Chi. Bút danh ghép từ tên hai con của anh: Huệ Anh và Mai Chi.

Hoa si To Chiem lam sach anh 3

Tranh Làng ven đô của Tô Chiêm. Ảnh: Tiền Phong.

Vẽ đẹp có khi mất cả đời

Nhưng nói đến Tô Chiêm, trước hết phải nói đến một họa sĩ chuyên nghiệp. Anh là con của cố họa sĩ Phạm Tô Chiêm (tên thật Phạm Văn Tự). Vì yêu thích bút danh Tô Chiêm nên cố họa sĩ đã dùng để đặt tên cho con trai.

Tô Chiêm là họa sĩ được đào tạo bài bản, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, khoa Đồ họa, khóa 30. Từng tham gia nhiều triển lãm nhóm nhưng Tô Chiêm chưa làm triển lãm cá nhân vì lí do hết sức đơn giản: “Chưa tập trung được thời gian”. Họa sĩ vẽ trên nhiều chất liệu nhưng sơn mài vẫn là mảng ghi dấu nhất của anh.

Hỏi Tô Chiêm tác phẩm hội họa nào anh ưng ý nhất, không cần nghĩ ngợi, anh đáp luôn: Trận xuất kích cuối cùng.

Không phải tác giả ăn khách, Tô Chiêm cứ lặng thầm vẽ, lặng thầm sống, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Vừa thấy người ta kêu gọi các họa sĩ tham gia đấu giá tranh mùa COVID, đã thấy Tô Chiêm gửi tặng tác phẩm của mình.

Một tay sưu tập tranh mới nổi bình luận phũ, dưới bức tranh của anh: “Tranh xấu”. Chẳng thấy Tô Chiêm nói gì. Nhưng xấu trong mắt người này lại đẹp trong mắt người khác, ngay lập tức bức tranh của Tô Chiêm được một người yêu tranh mua với giá không tệ.

Sau này mới biết, nhà sưu tập tranh mới nổi nọ mắc bệnh hay chê, hay chửi. Không chỉ chê tranh Tô Chiêm gã còn chê tranh của cả họa sĩ ăn khách trên thị trường hiện nay. Nhưng họa sĩ ăn khách “cạch” mặt nhà sưu tập, còn Tô Chiêm bị chê lại coi như không có gì.

Bởi anh quan niệm: “Để trở thành một họa sĩ vẽ sạch nước cản thì khoảng 10 năm là ổn. Còn để trở thành họa sĩ vẽ đẹp phải rất lâu… có khi cả đời”.

Đi đâu mà vội, việc gì phải tức tối khi người khác chê mình. Hiền lành, biết người biết ta.

Tô Chiêm yêu sách đến độ giữ được khoảng 600, 700 cuốn sách của NXB Kim Đồng, nơi anh đang công tác. Nay, Tô Chiêm tặng lại toàn bộ số sách ấy cho NXB để xây dựng phòng truyền thống, trong đó có tủ sách các giai đoạn từ năm 1957 đến nay.

Họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho 'Tướng về hưu'

"Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" ấn bản mới nhất có nhiều tranh minh họa mới của các họa sĩ tên tuổi hiện nay.

https://www.tienphong.vn/van-hoa/to-chiem-hoa-si-yeu-sach-va-viet-sach-1720480.tpo

Nông Hồng Diệu / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm