TNS John McCain - tiếng nói đi đầu vun đắp quan hệ Việt - Mỹ
Chủ nhật, 26/8/2018 10:14 (GMT+7)
10:14 26/8/2018
Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đời hôm 25/8 là một biểu tượng lớn về thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Sinh ra trong một gia đình danh giá với cả cha và ông nội đều là đô đốc hải quân 4 sao, John McCain tốt nghiệp từ Học viện Hải quân Mỹ năm 1958 và nhận nhiệm vụ ở vị trí thiếu úy. Bức ảnh chụp ông McCain (phải) cùng đồng đội năm 1965. Ảnh: Reuters.
McCain từng tham chiến tại Việt Nam. Sau khi máy bay của ông bị bắn rơi, ông kể lại rằng: "Tôi tỉnh lại ngay trước khi rơi xuống hồ ở Hà Nội, họ gọi đó là Hồ Tây. Mũ bảo hiểm và mặt nạ oxy của tôi đều đã mất". Trong ảnh, dân quân Việt Nam cứu ông McCain khỏi hồ vào tháng 10/1967. Ảnh: Reuters.
McCain là tù binh chiến tranh trong gần 6 năm. Trong nỗ lực đàm phán kết thúc chiến tranh Việt Nam, ông được trả tự do vào năm 1973. Trong ảnh, Tổng thống Richard Nixon chào đón McCain trở về quê hương. Ảnh: Reuters.
Mẹ ông, Roberta McCain, là người truyền cảm hứng cho ông theo đuổi con đường chính trị. Sau khi giải nghệ khỏi Hải quân, ông thắng cử hai nhiệm kỳ Hạ viện, từ 1983-1987, và sáu nhiệm kỳ ở Thượng viện Mỹ.
Sau chiến tranh, ông cùng các cựu binh như các cựu thượng nghị sĩ John Kerry, Jim Webb, Chuck Hagel cầm ngọn cờ đầu trong thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Trong ảnh, năm 1985, McCain cầm bức ảnh chụp lại Hồ Tây, nơi ông được cứu sau khi máy bay bị bắn rơi. Ảnh: AP.
Thượng nghị sĩ McCain là tiếng nói quan trọng trong nhiều quyết định mang tính bước ngoặt cho quan hệ Mỹ - Việt. Ông đã gặp mặt Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch tại Đồi Capitol ngày 17/10/1990. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tới thăm Washington kể từ khi Việt Nam giành độc lập. Ảnh: AP.
Trong những năm 1990, McCain gánh trên vai trọng trách nặng nề, nỗ lực tìm kiếm thi hài binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, đồng thời bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trong ảnh, ông McCain phát biểu tại một hội nghị của đảng Cộng hòa năm 1992. Ảnh: AP.
Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry (trái) tại buổi lễ khi Tổng thống Bill Clinton công bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tháng 7/1995. Ảnh: AP.
Năm 1996, Thượng nghị sĩ McCain gặp lại ông Mai Văn Ổn, người đã cứu ông trong chiến tranh. Thượng nghị sĩ McCain nói ông luôn có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam và sẽ tiếp tục đóng góp làm sâu sắc mối quan hệ song phương. Ảnh: AP.
Năm 2000, kỷ niệm 25 năm kết thúc chiến tranh, ông đã quay lại thăm Việt Nam và nhà tù Hỏa Lò. Trong ảnh, McCain và Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh, trong một lần trở lại Hỏa Lò. Ảnh: Getty.
McCain là nghị sĩ của phe Cộng hòa nhưng trong cả sự nghiệp chính trị của mình đã rất nhiều lần thể hiện những quan điểm trung lập, sẵn sàng đưa ra những quyết định khác với quan điểm của lãnh đạo đảng Cộng hòa khi ông thấy cần. Ông tranh cử tổng thống lần đầu năm 2000 nhưng thất bại trước George Bush trong cuộc đua sơ bộ đảng Cộng hòa. Ảnh: Getty.
Năm 2008, ông tranh cử lần thứ hai nhưng cũng thất bại. Đối thủ của ông lúc đó là nghị sĩ đảng Dân chủ Barack Obama. Trong suốt những năm làm việc tại Thượng viện, ông được nghị sĩ cả hai đảng tôn trọng vì thường ủng hộ đối thoại văn minh và nhượng bộ giữa hai bên trong bối cảnh chính trị Mỹ ngày càng chia rẽ đảng phái sâu sắc. Ảnh: Getty.
Ông John McCain và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường ở hội thảo về Biển Đông do CSIS tổ chức ngày 20/6/2011
. Viết trên Facebook cá nhân, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận xét: "Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những biểu tượng và đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ".
Ảnh: Thanh Tuấn.
Ông John McCain với Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam, trong chuyến thăm Quốc hội Mỹ tháng 6/2013. Ảnh: Reuters.
Hướng tới bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ông thúc đẩy các dự án nhân đạo như tìm kiếm binh sĩ mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ người khuyết tật do hậu quả chiến tranh, rò soát bom mìn... Hồi tháng 3, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông McCain nhận định chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson là dấu mốc trong quan hệ song phương, "cùng nhau nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và tiến tới xây dựng quan hệ đối tác gần gũi”. Ảnh: Getty.
Trong sự nghiệp của mình, McCain được trao nhiều huân chương danh giá. Tháng 11/2017, ông được Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Mark Milley trao huân chương vinh danh vì 63 năm cống hiến phục vụ đất nước. Trước đó, hồi tháng 10 cùng năm, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao Huân chương Tự do cho ông McCain tại Philadelphia. Ảnh: Getty.
Năm 2017, Thượng nghị sĩ McCain được chẩn đoán mắc một thể ung thư não hiếm gặp. Ngày 24/8, gia đình ông thông báo ông quyết định chấm dứt điều trị ung thư não ác tính để về nhà và dành thời gian cùng người thân. Một ngày sau, Thượng nghị sĩ McCain qua đời ở tuổi 81. Trong ảnh, ông McCain vẫn giữ nụ cười dù phải ngồi xe lăn vào tháng 12/2017. Ảnh: Getty.
Gia đình của thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain thông báo ông quyết định chấm dứt điều trị ung thư não ác tính để về nhà và dành thời gian cùng người thân.
TNS Mỹ John McCain, người bạn quan trọng của VN thời hậu chiến, vừa qua đời ở tuổi 81 sau hơn một năm chống chọi với ung thư. Ông đã tự chuẩn bị đám tang của mình suốt một năm qua.