Ông là tượng đài lớn của chính trường Mỹ, người xuất hiện từ trong chiến tranh, cho tới những nỗ lực để thúc đẩy bình thường hóa hậu chiến và luôn giữ một tiếng nói độc lập ở chính trường Washington.
"Chúng ta mất một người, mà bất kể tổng thống là ai, thì cũng vẫn tin vào vai trò giám sát và cân bằng của Thượng viện", Thượng nghị sĩ Susan Collins của phe Cộng hòa tại bang Maine, nói. "Đó là người khổng lồ thật sự tại Thượng viện, một hình bóng lớn và người tạo khác biệt không chỉ với chính sách mà trong cả khẳng định vai trò của Thượng viện như đã được Hiến pháp chỉ định".
Theo thông báo từ văn phòng của ông, TNS McCain qua đời lúc 16h28 giờ Phoenix ngày 25/8. "Cho tới lúc mất, ông đã phụng sự trung thành nước Mỹ trong 60 năm", thông báo nói.
Ông chiến đấu với căn bệnh ung thư não ác tính từ tháng 7/2017 và đã không còn xuất hiện ở Quốc hội Mỹ kể từ tháng 12 năm ngoái.
John McCain trong một cuộc vận động ở North Carolina năm 2008. Ảnh: Reuters. |
Gần nửa thế kỷ trong nền chính trị lớn
Dù phải chữa trị căn bệnh hiểm nghèo trong hơn một năm qua, ông vẫn xuất hiện đầy dấu ấn để bỏ phiếu lúc nửa đêm bác nỗ lực định xóa bỏ đạo luật y tế Obamacare của chính phe Cộng hòa hồi tháng 7 năm ngoái.
Mắt trái vẫn thâm với quầng đen và vết mổ dài trên mắt sau phẫu thuật, McCain khi đó giơ ngón tay cái chĩa xuống, ra dấu hiệu ông bỏ phiếu chống với dự luật của Trump mà sẽ bãi bỏ Obamacare và tăng phí bảo hiểm với hàng triệu người Mỹ.
Trump rất tức giận với lá phiếu này và thường xuyên chỉ trích cuộc bỏ phiếu đó dù không nêu trực tiếp tên TNS McCain. Ông trở thành kẻ phản bội đối với phe Cộng hòa nhưng lại là cứu tinh với hàng triệu người cần bảo hiểm y tế ở Mỹ.
Sinh năm 1936 trong một gia đình danh giá với cả cha và ông nội đều là đô đốc hải quân 4 sao, McCain đã mang tên tuổi nổi tiếng của gia đình tới cả chiến trận cũng như các cuộc đấu chính trị trong suốt hơn nửa thế kỷ. Cùng với John Lewis, McCain được coi là một trong những nghị sĩ vĩ đại cuối cùng của Quốc hội Mỹ sau khi Ted Kennedy qua đời năm 2009.
John McCain từng tham chiến và bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, ông cùng với các cựu binh như các cựu thượng nghị sĩ John Kerry, Jim Webb, Chuck Hagel cầm ngọn cờ đầu trong thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ông là tiếng nói quan trọng ở Thượng viện trong nhiều quyết định mang tính bước ngoặt cho quan hệ song phương.
Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry (trái) tại buổi lễ khi Tổng thống Bill Clinton công bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tháng 7/1995. Ảnh: AP. |
Mẹ ông, Roberta McCain, là người truyền cảm hứng cho ông theo đuổi con đường chính trị. Sau khi giải nghệ khỏi Hải quân, ông thắng cử hai nhiệm kỳ Hạ viện, từ 1983-1987, và sáu nhiệm kỳ ở Thượng viện Mỹ.
McCain là nghị sĩ của phe Cộng hòa nhưng trong cả sự nghiệp chính trị của mình đã rất nhiều lần thể hiện những quan điểm trung lập, sẵn sàng đưa ra những quyết định khác với quan điểm của lãnh đạo đảng Cộng hòa khi ông thấy cần.
Ông cũng hai lần ra tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng vào các năm 2000 và 2008 nhưng cả hai lần đều thất bại - lần đầu là thua trước George W. Bush trong cuộc đua sơ bộ phe Cộng hòa, lần hai là thất bại trước TNS Barack Obama của phe Dân chủ.
Trong cuộc chạy đua 2008, ông đã lựa chọn Sarah Palin, thống đốc bang Alaska khi đó, làm ứng viên phó tổng thống của mình. Đây được coi là quyết định gây tranh cãi và nhiều người coi đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của McCain khi Palin bị coi là quá khiếm khuyết cho vị trí phó tổng thống. Trong hồi ký "The Restless Wave" của mình, McCain vẫn bảo vệ việc Palin tranh cử nhưng thừa nhận ông có hối tiếc khi không chọn TNS Joseph I. Lieberman, TNS Dân chủ sau chuyển thành độc lập, khi đó.
Vợ của McCain, bà Cindy viết trên Twitter: "Trái tim tôi tan vỡ. Tôi quá may mắn khi được sống với hành trình yêu người đàn ông tuyệt vời này suốt 38 năm. Ông rời đi giống như cách ông vẫn sống: bằng lựa chọn của mình, ở nơi mà ông yêu nhất và xung quanh là những người yêu thương".
Chia buồn với người từng là đối thủ tranh cử của mình, cựu tổng thống Obama nói dù ông và McCain có "sự khác nhau hoàn toàn về gốc gác" và góc nhìn chính trị, cả hai cùng "trung thành với điều gì đó cao hơn - những lý tưởng mà người Mỹ và rất nhiều người nhập cư đã chiến đấu, tuần hành và hy sinh vì nó".
"Chúng tôi nhìn những cuộc chiến chính trị, dù là đặc quyền hay cái gì cao quý, như một cơ hội để phụng sự cho những lý tưởng cao hơn ở quê nhà, và để thúc đẩy nó trên khắp thế giới".
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ca ngợi ông McCain là người "luôn đặt phụng sự đất nước lên trên bản thân" và "đại diện cho điều ông tin tưởng rằng, 'một mục tiêu chung không làm mất cái riêng của chúng ta - ngược lại, nó làm lớn hơn nhận thức về cái tôi của mình'".
TNS John McCain tranh luận trên truyền hình lần thứ 2 với TNS Barack Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008. Ảnh: Getty. |
Đối đầu với Donald Trump, tự chuẩn bị đám tang của riêng mình
Tổng thống Donald Trump, người thường xuyên có những chỉ trích công khai với ông McCain, cũng tweet: "Tôi gửi sự cảm thông và kính trọng sâu sắc nhất tới gia đình Thượng nghị sĩ John McCain".
Trong vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông McCain thường xuyên chỉ trích ông Trump dù cả hai thuộc phe Cộng hòa.
TNS từ Arizona đặc biệt chỉ trích tỷ phú từ New York khi thường xuyên dành lời khen cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và những lãnh đạo trên thế giới khác mà ông coi là toàn trị và độc tài.
"Nịnh nọt thì sẽ được tình bạn của ông ta, chỉ trích thì thành kẻ thù", ông McCain viết như vậy về Trump trong cuốn hồi ký "The Restless Wave" của mình.
Tháng 7, ông McCain đã lên án kịch liệt hội nghị thượng đỉnh Helsinky giữa Trump và Putin. Ông gọi cuộc họp báo sau đó là "một trong những màn thể hiện nhục nhã nhất của một tổng thống Mỹ".
Reuters trích nguồn tin thân cận gia đình McCain nói ông Trump sẽ không được mời tới đám tang của Thượng nghị sĩ.
Theo CNN, TNS McCain đã tự chuẩn bị đám tang của mình trong suốt một năm qua. Ông thường bàn bạc với những người bạn thân tới thăm trang trại của ông ở Arizona.
Hai bạn thân của ông nói ông muốn tổ chức lễ tang ở ba nơi: Arizona, Nhà thờ quốc gia ở Washington và ở Annapolis.
Sức khỏe ông McCain đã suy sụp rất nhanh chỉ trong tuần vừa rồi. Một nhóm bạn của ông còn định tới thăm ông vào thứ tư tuần tới để kỷ niệm sinh nhật thứ 82 của McCain. Tuy vậy, chỉ một tuần trước kỷ niệm này, họ được thông báo rằng McCain sẽ không thể trụ lâu tới vậy.
Ông John McCain và ông Pete Peterson, đại sứ Mỹ đầu tiên tại VN sau chiến tranh, trong một lần trở lại Hỏa Lò. Ảnh: Getty. |
Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: "Thành tựu ông ấy tự hào nhất"
Ông McCain được coi là người có quan điểm cứng rắn về đối ngoại, vốn là quan điểm truyền thống của phe Cộng hòa. Ông được nghị sĩ cả hai đảng tôn trọng vì thường ủng hộ đối thoại văn minh và nhượng bộ giữa hai bên trong bối cảnh chính trị Mỹ ngày càng chia rẽ đảng phái sâu sắc.
Trả lời Zing.vn từ New York, ông Desaix Anderson, Đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ tại VN sau chiến tranh, đánh giá: "Thượng nghị sĩ John McCain và TNS John Kerry đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ Tổng thống George H.W. Bush và Tổng thống Clinton trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ".
"Nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của TNS McCain và Kerry cho bình thường hóa, tiến trình đó sẽ còn bị trì hoãn nhiều năm nữa khi chống đối ở Quốc hội lúc đó vẫn rất mạnh".
"TNS McCain là một người Mỹ vĩ đại và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một trong những thành tựu mà ông ấy tự hào nhất".
Viết trên Facebook cá nhân, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ trong giai đoạn 2011-2014, nhận xét: "Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những biểu tượng và đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ".
Ông John McCain với Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam, trong chuyến thăm Quốc hội Mỹ tháng 6/2013. Ảnh: Reuters. |
"Trong hơn 3 năm làm Đại sứ tại Mỹ (7/2011-11/2014), tôi đã có rất nhiều lần gặp gỡ TNS, khi tháp tùng các lãnh đạo VN, và các cuộc gặp riêng để trao đổi về đủ các loại vấn đề, khi thì về Biển Đông, khi thì về các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, TPP... Tôi cũng thích tính cách thẳng thắn trong các bài phát biểu của TNS, không khoan nhượng, luôn đi vào thẳng vấn đề".
Tháng 9 năm ngoái, khi hỏi về căn bệnh ung thư ác tính của mình, McCain dường như chấp nhận đó là một phần của số phận: "Mỗi cuộc đời đều sẽ phải kết thúc, dù cách này hay cách khác".
Khi Jake Tapper của CNN hỏi ông muốn mình được nhớ tới như nào, McCain trả lời: "Một con người phụng sự đất nước và không phải lúc nào cũng hành xử đúng. Đã mắc rất nhiều sai lầm. Có rất nhiều lỗi sai, nhưng ông ta phụng sự đất nước. Và tôi hy vọng chúng ta có thể thêm 'một cách danh dự' vào nhận xét đó".