Ngày 21/4, chương trình “Sách với Hà Nội” diễn ra tại phố 19/12. Các sự kiện tại đây hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 với nhiều hoạt động như đọc sách miễn phí, giao lưu trò chuyện với tác giả, triển lãm ảnh, trò chơi, đố vui liên quan đến sách… Phần lớn đối tượng tham dự chương trình đều là thiếu nhi, học sinh tiểu học, trung học.
Cám ơn các em nhỏ đã quan tâm tới sách
Khi lên phát biểu trong chương trình khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (người được mệnh danh là tiến sĩ văn hóa đọc) không nói những điều to tát về chiến lược phát triển văn hóa đọc. Ông thân mật hỏi các em học sinh học trường nào, cám ơn thầy cô, các em nhỏ tham gia ngày Sách.
Các em học sinh tại khu đọc miễn phí ở phố sách Hà Nội. |
Gieo thiện cảm đọc sách với trẻ nhỏ là điều quan trọng bậc nhất để phát triển văn hóa đọc. TS Nguyễn Mạnh Hùng kể, ông vừa qua một tour đi các hội sách trên thế giới, trong đó có Bologna - hội sách thiếu nhi lớn nhất. Tại đó ông được chứng kiến nhiều phương pháp sáng tạo, hấp dẫn mà thế giới dùng để khuyến khích trẻ em đọc sách.
“Trẻ em Malaysia mỗi năm được chính phủ dành tặng phiếu sách trị giá 200 USD, các em có thể dùng phiếu đến lấy sách theo sở thích. Người nước họ đọc trung bình 14 cuốn sách/năm" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Ở nước ta, một điều tra xã hội học chỉ ra người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn/năm. Con số này khiến nhiều người hoảng hốt, song đó là số liệu của vài năm trước.
5 năm qua, nhà nước, các cơ quan ban ngành có nhiều hoạt động để cải thiện tình trạng đọc sách. Sau khi có quyết định lấy ngày 21/4 làm ngày Sách Việt Nam, Bộ Giáo dục là đơn vị hưởng ứng nhiệt tình, gắn việc giáo dục, đào tạo với đọc sách. Báo cáo tổng kết 5 năm ngày Sách của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy 100% cơ sở giáo dục trên cả nước tham gia ngày Sách Việt Nam. Hàng chục nghìn tủ sách lớp học, trên 30.000 tủ sách phụ huynh được xây dựng nhằm đưa sách tới từng lớp học, phục vụ từng học sinh.
Không chỉ có nhà nước, các tổ chức dân sự, các cá nhân cũng nỗ lực để nuôi dưỡng tình yêu sách với trẻ em. Chương trình Sách hóa Nông thôn, anh Nguyễn Quang Thạch (người được UNESSCO vinh danh với giải Vua Sejong vì sự nghiệp xóa mù chữ) đã kêu gọi thực hiện nhiều tủ sách trong lớp học, nhà trường dành cho các em nhỏ.
Nhiều câu lạc bộ được thành lập có mục đích đồng hành với trẻ em trong việc đọc. Tiêu biểu như câu lạc bộ Đọc sách cùng con của TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, câu lạc bộ Sách ơi mở ra do TS Nguyễn Thị Ngọc Minh sáng lập…
Khi đứa trẻ đọc sách, cuộc đời nó thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn
Ngay tại phố Sách Hà Nội sáng 21/4, dễ dàng bắt gặp hình ảnh em nhỏ đọc sách. Nguyễn Mai Linh (học sinh lớp 5 trường Tiểu học Hồng Hà) ngồi trên ghế gỗ chăm chú đọc, bên cạnh là hai cuốn sách Linh vừa mua được. Mai Linh cho biết, khi đi học, nhà trường dành một giờ đọc sách cho học sinh vào thứ 2 hàng tuần. Trong giờ ấy, mỗi học sinh được tự do chọn đọc một cuốn sách, cuối buổi, giáo viên sẽ hỏi các bạn về cuốn sách vừa đọc.
Với Tạ Đức Kiên (lớp 7 trường THCS Hoàn Kiếm), phố Sách không phải địa điểm xa lạ. Kiên từng được cha mẹ đưa đi tham quan, xem và mua sách tại đây. Trong ngày Sách 21/4, phố Sách có khu đọc miễn phí các cuốn theo chủ đề Thăng Long - Hà Nội, Kiên chăm chú lật mở một cuốn sách dày, bìa cứng.
Đức Kiên kể ở nhà và trường em được hướng đọc sách về những tấm gương như Bác Hồ, chị Võ Thị Sáu, nhiều khi được mua cho các cuốn sách theo sở thích như như One piece hoặc Lớp học mật ngữ... “Tới đây được đọc miễn phí những cuốn về Hà Nội, đó là kiến thức để chúng em hiểu thêm về thủ đô và đất nước Việt Nam”, Kiên nói.
Bên cạnh khu đọc sách miễn phí, phố Sách Hà Nội có nhiều hoạt động giải trí cho trẻ em. |
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, có nhiều cách để khuyến khích việc đọc, trong đó, muốn tạo ra một xã hội nhiều người đọc sách thì phải bắt đầu từ lớp trẻ. “Mỗi người một việc, chúng ta hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Đầu tiên, hãy gieo vào các em những hạt mầm thiện cảm với sách vở, sau đó, việc đọc dần dần thành thói quen, thành tình yêu. Có vậy, khi lớn lên, việc đọc sách vẫn theo các em, gắn bó lâu bền”, TS Hùng nói.
Với suy nghĩ ấy, TS Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn được tổ chức cuộc thi nhỏ cho học sinh các trường tham dự ngày Sách. Các em có thể viết, vẽ cảm nhận về ngày Sách hôm nay, phần thưởng cũng là những cuốn sách. Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, đó là cách để các em có ấn tượng lâu hơn với sách.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama - người từng đọc cả tấn sách - nói: “Vào cái khoảnh khắc chúng ta thuyết phục được bất cứ đứa trẻ nào, bước qua ngưỡng cửa kỳ diệu dẫn vào một thư viện, chúng ta đã thay đổi cuộc đời của đứa trẻ ấy mãi mãi, theo hướng tốt đẹp hơn”.
Lợi ích của đọc sách ai cũng nhận thức được, nhưng để việc đọc trở thành nhu cầu tự thân, lâu bền đi suốt đời người, thói quen ấy cần gieo trồng, chăm chút từ khi mỗi người còn là những đứa trẻ.