Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình yêu đầu đời như bình bát trôi sông

Món quà tình yêu đầu tiên của Thanh là những trái bình bát vàng nhạt, hườm hườm, thơm thơm.

Ảnh: @huong.thanh.560.

Hồi sông chưa lở, đường từ trường học về nhà Thanh mọc đầy bình bát dại. Hạt theo trái chín xuôi chiều con nước từ miệt đầu nguồn nào đó đến khúc sông này thì bắt đất, nảy mầm, xanh cây. Hàng bình bát ngấm phù sa con sông, xanh tươi theo ngày tháng, không cần đến bàn tay người đời.

Vậy nên ở xứ Thanh có câu ví von “đồ bình bát trôi sông”, chỉ những con người thân sơ thất sở, tứ cố vô thân, cù bơ cù bất, trơ trọi không ai chăm sóc dưỡng nuôi. Thằng con trai tặng Thanh món quà tình yêu đầu đời cũng thuộc diện “bình bát trôi sông”, nhưng mấy chữ đó, khi đi kèm với tên nó, lại chẳng còn hàm ý chê bai. Ai chê bai mà lại nói:

“Lượm như bình bát trôi sông mà hiền lành, chăm chỉ. Ai như đám bây cha mẹ tưng tiu cho dữ rồi hư hỏng, làm biếng nhớt thây”.

Mà Lượm hiền thiệt. Ai cũng thương. Người ta hay nói, đất còn dùng chọi được chim, chứ Lượm thì hiền đến nỗi không thể sát thương được bất cứ thứ gì. Thương thì thương vậy thôi, chứ mấy ai dám để con gái mình gá tình gá nghĩa với cái thằng không cục đất chọi chim, không rõ gốc gác, được người đàn bà nửa tỉnh nửa điên, nghèo xơ nghèo xác lượm về nuôi trong một đêm mưa gió.

Dù Lượm có mạnh khỏe, đẹp trai ngời ngời theo kiểu mấy chàng diễn viên Ấn Độ đang nhan nhản trên tivi và hiền lành đến cỡ nào đi nữa thì cũng vô ích! Vậy nên, Thanh ém bặt, không dám cho ai biết về tình yêu đầu đời của mình. Thanh sợ lỡ đến tai tía má, thế nào cũng bị cấm cản, có khi còn bị ăn đòn.

Qua nhung mien yeu anh 1

Sách Qua những miền yêu. Ảnh: Q.M.

Thanh giấu mấy trái bình bát tận đáy lu gạo, lâu lâu giở ra thăm chừng. Ai có thắc mắc về nguồn gốc mấy trái đó là Thanh cười cười: Bạn cho. Tự hái. Chỉ là mấy trái bình bát thôi, mà Thanh vui lắm.

Vui nhất là lúc nghĩ đến cái vẻ ngượng nghịu, lúng ta lúng túng của Lượm khi chặn Thanh giữa đường, đưa cho bịch bình bát.

“Tui nghe người ta nói con gái mà ăn bình bát sẽ đẹp da, không cần xức kem xức phấn nữa. Tui cũng sợ Thanh đẹp rồi sẽ lọt vô mắt mấy ông Đài Loan, chê tui nghèo, tui xấu; nhưng thây kệ, sao cũng được, miễn Thanh đẹp là tui vui rồi”. Thanh nhận bịch bình bát từ tay Lượm, te te bỏ về. Sợ “má biết, má la”.

Nhưng ở quê mà, muốn không ai biết thì đừng có làm. Một khi đã làm thì sớm muộn gì cũng tới tai mọi người. Tình yêu đầu đời của Thanh cũng vậy. Bữa Thanh đi học về, chưng hửng khi nghe tía biểu: “Con Thanh ra rửa mặt, cơm nước rồi chặt cây roi mây đem vô tao biểu”.

Thanh hỏi má và thằng Út có chuyện gì mà tía có vẻ bực bội vậy, má cũng ngơ ngác: “Tao có biết gì đâu. Ổng đi ruộng về thì hầm hầm cả buổi. Chắc nghe ai nói hành nói tỏi gì đó rồi”.

Rồi má nhìn Thanh dò xét: “Mà mày đi học đi hành ngoài chợ có gây điều tiếng gì không? Có thì tự lấy mo cau đắp vô đít trước đi nghen con. Tía mày mà nổi nóng là tao can không được à”.

Thanh phụng phịu: “Có gì đâu má”.

Thằng Út thì nhìn Thanh cười lém lỉnh. Thanh mắng thằng Út con nít quỷ, mới học lớp chín biết gì mà nói, dọa ký đầu nó rồi lủi thẳng ra sau bếp, than thầm: “Chuyến này chắc Thanh chết với tía rồi Lượm ơi”.

Nhưng, Thanh đâu dễ gì chết. Dù sao cũng tía con với nhau mà. Bụng tía chỉ là làm dữ cho Thanh sợ mà chuyên tâm học hành, không ngụp lặn tình cảm trai gái quá sớm. Tía sợ Thanh lầm đường lạc bước. Với lại, Thanh là con gái, cũng mười bảy mười tám rồi, lớn tồng ngồng rồi, biết mắc cỡ rồi, sao tía nỡ đánh. Tía sợ Thanh buồn. Nhưng, thà tía đánh một trận, Thanh có đau, có buồn thì cũng mấy ngày rồi thôi.

Đằng này, tía chỉ nói một câu, kiểu thông tin nhẹ nhàng, mà làm Thanh rầu thúi ruột. Rầu tới tận bây giờ. “Hổm rày có bà nào đó, nghe đâu ở nước ngoài về, xuống tìm con mấy bận. Nhờ người chỉ dẫn mà bả tìm đến nhà, quả quyết rằng thằng Lượm chính là thằng nhỏ có cái bớt màu đen bằng ngón tay cái ở hông phải. Hai chục năm trước, vì hoàn cảnh, bả bỏ rơi dưới gốc mù u gần ngã ba sông. Tía còn nghe đâu bả có ý định đưa thằng Lượm đi khỏi xứ này”.

Rồi Lượm đi thiệt. Căn nhà nhỏ và chuyện nhang khói cho người mẹ nuôi, Lượm cậy ông cậu họ. Trước ngày đi xa, Lượm có qua nhà thưa chuyện với tía má Thanh.

“Tao nào giờ không có phân biệt chuyện sang hèn. Ông bà mình dạy, ruộng đất bề bề không bằng có một cái nghề trong tay. Thà tao gả con gái cho một đứa nghèo mà chí thú làm ăn, còn yên tâm hơn giao cho mấy thằng phá gia chi tử. Bây cứ theo má bây đi, rồi coi cái nghề nào đó lương thiện mà làm. Con Thanh cũng vậy. Tụi bây còn trẻ, lo nghề ngỗng ổn định đã. Tới lúc đó mà còn tình còn ý với nhau thì tao tính cho”.

Tía nói rồi đi thẳng ra sau nhà. Lượm ngồi với Thanh một lúc thì về. Hiên nhà đêm ấy đầy trăng, đôi bàn tay chỉ kịp hối hả tìm nhau như trao lời ước hẹn.

Lượm đi. Chẳng tin tức gì. Gần chục năm rồi. Thanh đã là cô giáo một trường trung học ngoài thị trấn. Xứ này đổi thay đến chóng mặt. Thêm nạn cát tặc, đến sông cũng trở dòng. Bãi bồi thành lở. Hàng bình bát xanh mướt ngày xưa có một cây rất to khắc hai chữ “Lượm - Thanh” giờ chắc đã mục rữa ở đáy sông.

Dù vậy, bao giờ đi ngang Thanh cũng kêu xe ôm dừng lại ngay đầu hàng bình bát cũ để đi bộ về nhà. Vừa đi vừa nhớ. Vừa nghĩ lẩn thẩn. Lượm giờ ra sao? Có được như hạt bình bát ngày xưa bắt vào đất tốt, nảy cành xanh lá vươn cao? Hay lại lận đận phương trời nào?

Sống mũi cay xè. Sương chiều giăng ướt nhòe đôi mắt. Thanh vịn vào nỗi nhớ lần từng bước trên con đường quê sau mưa lầy lội. Bình bát trốc gốc trôi rồi. Dù trôi xa vẫn một đời nhớ thương...

Lê Minh Tú / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY