Nhà thờ Mộ Thánh, hay Nhà thờ Phục Sinh theo cách gọi của Chính thống giáo Đông phương, nằm trong thành cổ Jerusalem là địa điểm Cơ đốc giáo linh thiêng nhất trên thế giới.
Nơi đây được cho là bao gồm cả đồi Sọ - nơi Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập giá, và ngôi mộ nơi Chúa được chôn cất. Công trình này đã trở thành địa điểm hành hương quan trọng với các tín đồ từ thế kỷ 4.
Tính xác thực của mộ Chúa
Du khách đến tham quan Nhà thờ Mộ Thánh có thể bị thất vọng khi tìm kiếm bầu không khí linh thiêng, tĩnh lặng để cầu nguyện. Ở đây, vẻ linh thiêng của phong cách kiến trúc và lối bài trí tương phản với sự nhộn nhịp của khách hành hương đến tham dự nghi lễ do các giáo phái khác nhau cử hành ở khắp các ban thờ.
Nhiều người tự hỏi đây có thực sự là nơi Chúa Jesus qua đời và được chôn cất? Đến nay, nhiều học giả ủng hộ tính xác thực của địa điểm này.
Trả lời trên See the Holy Land, học giả Israel Dan Bahat, từng là nhà khảo cổ học của thành phố Jerusalem, cho biết: "Chúng ta không thể hoàn toàn chắc chắn rằng vị trí của Nhà thờ Mộ Thánh chính là nơi mai táng Chúa Jesus nhưng hiện chưa có địa điểm nào khác có sức thuyết phục hơn nơi này. Vậy nên chúng ta thực sự không có lý do gì để phủ nhận tính xác thực nó".
Người hành hương cầm các ngọn nến khi tham gia vào lễ Lửa Thánh trong dịp Lễ Phục sinh tại Nhà thờ Mộ Thánh ở thành phố Cổ Jerusalem. Ảnh: Reuters.
|
Ý kiến phản bác chỉ ra rằng theo quan điểm trên, Nhà thờ Mộ Thánh nằm bên trong các bức tường thành phố, trong khi các sách Phúc Âm nói rằng việc đóng đinh diễn ra ở bên ngoài. Các nhà khảo cổ đã xác nhận vị trí của nhà thờ nằm bên ngoài thành phố cho đến khoảng 10 năm sau cái chết của Chúa Jesus, khi các bức tường mới được xây dựng.
Một số ủng hộ giả thuyết nơi chôn cất thi hài Chúa là khu Vườn Mộ. Khu vực này có không gian yên tĩnh hơn, tuy nhiên, những ngôi mộ tại đây lại có trước thời Chúa Jesus nhiều thế kỷ.
Lịch sử thăng trầm
Theo một số tài liệu, các tín đồ Cơ Đốc giáo đầu tiên ở Jerusalem sùng bái nơi này. Họ dường như đã cử hành phụng vụ tại ngôi mộ của Chúa Jesus từ thời điểm Chúa phục sinh cho đến khi thành phố bị người La Mã xâm chiếm vào năm 66 sau Công nguyên. Khi đó, Hoàng đế Hadrian đã san lấp nó và cho xây lên phía trên một đền thờ ngoại giáo.
Đến năm 326, nhà thờ đầu tiên mới được Hoàng đế Constantine I cho xây dựng. Ông đã phá bỏ đền thờ và đào đất nền của nó đưa đi nơi khác. Mẹ của hoàng đế, Thánh Helena, được cho là đã phát hiện ra Thánh giá thật gần ngôi mộ của Chúa.
Cửa chính vào Nhà thờ Mộ Thánh. Ảnh: JH Dooley. |
Công trình này đã bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn vào năm 614, khi người Ba Tư xâm chiếm Jerusalem và chiếm lấy Thánh giá. Nhà thờ sau đó đã được phục hồi rồi lại bị phá hủy trong thời kì trị vì của người Hồi giáo trong những năm đầu thế kỉ 11.
Năm 1099, đoàn quân Thập tự chinh tiến về Jerusalem, chiếm lại Nhà thờ Mộ Thánh và các nhà thờ khác từ tay người Hồi giáo và tiến hành xây dựng lại nhà thờ.
Những thế kỷ tiếp theo, Nhà thờ Mộ Thánh tiếp tục trải qua nhiều biến động từ việc bị tàn phá, xâm phạm, bị bỏ bê cho đến những nỗ lực khôi phục và sửa chữa không thực sự hiệu quả.
Nhà nguyện trên ngôi mộ được cho là nơi Chúa được chôn cất và sống lại đang có nguy cơ sụp đổ. Nó đã được xây dựng lại 4 lần, gần đây nhất là vào năm 1810, 2 năm sau khi công trình bị hỏa hoạn tàn phá. Những dầm sắt chống đỡ cho công trình hiện nay được đưa vào từ năm 1947, khi chính quyền Anh cai trị Palestine.
Các giáo phái chia quyền sở hữu
Quyền sở hữu Nhà thờ Mộ Thánh được chia sẻ giữa Công giáo La Mã, Giáo hội Armenia và Chính thống giáo Hy Lạp. Người Hy Lạp sở hữu không gian thờ trung tâm. Người Armenia sở hữu Nhà nguyện Thánh Helena ở tầng ngầm. Công giáo La Mã sở hữu nhà nguyện cho các tu sĩ dòng Franciscan và Nhà nguyện Phát hiện Thánh giá thật ở tầng ngầm.
Ba cộng đồng Chính thống giáo nhỏ hơn bao gồm Coptic, Syria và Ethiopia có quyền sử dụng các khu vực nhất định. 6 giáo phái chia sẻ quyền giám hộ thỉnh thoảng lại có những tranh chấp liên quan tới lãnh thổ và trách nhiệm của họ tại nhà thờ, đôi khi còn dẫn tới bạo lực.
Người hành hương cầu nguyện ở Tấm đá Xức dầu, nơi theo truyền thuyết Joseph xứ Arimathea đã đặt xác chúa Jesus lên để xức dầu trước khi chôn. Ảnh: Truth2U. |
Quyền sở hữu và sử dụng nhà thờ được quy định bởi Thỏa thuận Nguyên trạng bắt nguồn từ thế kỷ 18. Tuy nhiên, chìa khóa nhà thờ vẫn được giao cho một gia đình Hồi giáo nhận trách nhiệm mở và đóng cửa nhà thờ, một truyền thống có từ thế kỷ 12. Điều này dường như là do sự thiếu tin cậy lẫn nhau giữa các giáo phái.
Những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới chen lấn bên dưới mái vòm cao vút của nhà thờ mỗi ngày. Họ xếp hàng dài để vào nhà nguyện bên trên ngôi mộ dưới sự bảo trợ của cộng đồng Chính thống Hy Lạp. Cộng đồng Công giáo La Mã cử hành Lễ ban Thánh thể từ 4h30 hàng sáng.
Một ngày trước ngày Chủ nhật Phục sinh của Chính thống giáo, hàng nghìn người hành hương sẽ tụ tập quanh ngôi mộ để chứng kiến phép lạ của ngọn lửa thiêng.
Trước tình trạng hư hại của công trình linh thiêng này, các nhà khoa học đã tiến hành khôi phục và bảo tồn bao gồm ngôi mộ của Chúa Jesus tại Jerusalem cho các thế hệ khách hành hương sau này.
Các nhà bảo tồn sẽ loại bỏ, làm sạch và lắp lại tấm ốp đá cẩm thạch bên ngoài nhà nguyện, củng cố các kết cấu chịu lực và sửa chữa vết nứt trong phiến đá.
Mới đây, nhóm chuyên gia khảo cổ đã dỡ bỏ phiến đá bị mòn đi bởi hàng triệu người hành hương quỳ gối, cho phép họ xem xét bên trong ngôi mộ lần đầu tiên sau hàng thế kỷ.
Các dự án phục hồi đã bị đình trệ trong hơn 50 năm do các giáo phái quản lý nhà thờ đã chật vật để đạt được thỏa thuận về cách công việc tu sửa được tiến hành.