Rạng sáng hôm 7/7, ông Jovenel Moise, tổng thống thứ 42 của Haiti đã bị một nhóm người ám sát tại nhà riêng.
Trong khi Thủ tướng lâm thời Claude Joseph gọi vụ tấn công là "hành động thù hận, vô nhân đạo và man rợ", cái chết của ông Moise dường như là giọt nước tràn ly giữa bối cảnh căng thẳng chính trị tại Haiti leo thang đến mức đỉnh điểm.
Cuối tháng 6, các tấm biểu ngữ phản đối của người dân Haiti xuất hiện trên khắp thủ đô Port-au-Prince. Trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 gia tăng cùng với áp lực từ cộng đồng quốc tế, cuộc trưng cầu dân ý tại Haiti nhằm sửa đổi hiến pháp - dự kiến tổ chức vào ngày 27/6 - đã phải hoãn lại.
Trước đó, các lãnh đạo đối lập đã yêu cầu ông Jovenel Moise phải rời vị trí tổng thống, khi cho rằng nhiệm kỳ của ông đã kết thúc vào hôm 7/2.
Dù vậy, ông Moise và những người ủng hộ khẳng định nhiệm kỳ 5 năm của ông sẽ kéo dài thêm một năm nữa (2022).
Ngay trong tháng 2, một cuộc đảo chính với sự tham gia của một số quan chức đã nổ ra. Tại thủ đô Port-au-Prince, chính phủ đã phải huy động lực lượng vũ trang để ổn định tình hình.
Sau vụ việc, 20 người đã bị bắt, trong đó có một thẩm phán Tòa Tối cao và một quan chức trong ngành cảnh sát, theo Al Jazeera.
Trong 18 tháng qua, ông Moise lãnh đạo đất nước chỉ bằng các sắc lệnh tổng thống mà không thông qua quốc hội hay cơ quan tư pháp. Cho đến nay, cùng với ông, chỉ có 11 quan chức được bầu chọn trên toàn quốc.
Sự tức giận và thất vọng bao trùm phần lớn đất nước Haiti, qua hàng loạt cuộc biểu tình phản đối.
Người dân Haiti biểu tình phản đối ông Moise. Ảnh: AFP. |
Một tổng thống gây tranh cãi
Không giống như hầu hết chính trị gia ở Haiti, ông Moise xuất thân từ vùng nông thôn. Vị thế đó khiến ông có ít đồng minh trong giới chính trị, Economist nhận định.
Từ khi ông Moise nhậm chức đến nay, đất nước chưa thể thoát khỏi tình trạng hỗn loạn, trong khi nền kinh tế vẫn suy giảm.
Năm 2020, ông Moise đưa các hoạt động của những người bất đồng chính kiến vào danh sách “khủng bố”. Ông cũng từng xem mình là "người chỉ đứng sau ông trời" tại Haiti.
Trong khi đó, từ năm 2017, các cuộc biểu tình nổ ra để phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Haiti cùng với các cáo buộc tham nhũng.
Một bộ phận người dân cho rằng ông Moise có liên quan đến bê bối chiếm đoạt hàng triệu USD từ một nguồn viện trợ ở Venezuela.
Sau đó, khoảng 71 người biểu tình bị giết tại một khu phố ở thủ đô. Phe đối lập và nhiều người dân đổ trách nhiệm cho chính phủ Haiti, nhưng cơ quan này phủ nhận cáo buộc.
Trên thực tế, các vấn đề nghiêm trọng tại Haiti xảy ra trước thời điểm ông Moise nhậm chức tổng thống. Kể từ khi chính quyền ông Jean-Claude Duvalier sụp đổ vào năm 1986, chính trường Haiti đã rơi vào tình trạng bất ổn.
Trong bối cảnh đó, với nguồn lực sẵn có, các nhóm vũ trang tại Haiti đã liên kết với chính phủ, phe đối lập và các tập đoàn lớn để chi phối đời sống xã hội nước này.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Moise đã gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Daily Sabah. |
Trước đó, vào tháng 10/2015, ông Moise dẫn đầu vòng bầu cử tổng thống đầu tiên tại Haiti. Nhưng sau đó cuộc bầu cử đã bị hủy do có nhiều lá phiếu gian lận và các ứng cử viên không giành đủ số phiếu cần thiết để chiến thắng.
Trong cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào tháng 11/2016, ông Moise đã vượt qua các ứng viên khác với tỷ lệ ủng hộ 55,6%. Khi đó, tỷ lệ cử tri đi bầu là 21%, chỉ khoảng 600.000 người trong số 11 triệu dân Haiti.
Tháng 2/2017, ông Moise chính thức tuyên thệ nhậm chức.
Trong Hiến pháp Haiti, mục 1 điều 134 quy định rằng nhiệm kỳ tổng thống kéo dài đúng 5 năm. Sau cuộc bầu cử, giai đoạn này bắt đầu từ ngày 7/2.
Tuy nhiên, ở mục 2 của điều 134, bản hiến pháp có ghi rõ “trong trường hợp cuộc bỏ phiếu không thể diễn ra trước ngày 7/2, tổng thống đắc cử sẽ nhậm chức ngay sau khi có kết quả bầu cử, và nhiệm kỳ sẽ được tính từ ngày 7/2 năm đó”.
Tranh cãi xuất hiện khi phe đối lập cho rằng nhiệm kỳ của ông Moise bắt đầu từ năm 2016 - thời điểm ông chiến thắng cuộc bầu cử - và kết thúc vào năm 2021.
"Không ai được đứng trên hiến pháp và luật pháp”, Hội đồng Giám mục Haiti cho biết.
Tuy nhiên, ông Moise và những người ủng hộ lại chọn mốc thời gian bắt đầu nhiệm kỳ từ năm 2017.
Trong bài phát biểu trước toàn quốc vào ngày 7/2, sau khi liệt kê những thành tựu chính quyền, ông Moise nói nhiệm kỳ của mình vẫn còn một năm nữa.
“Nền dân chủ hoạt động khi tất cả chúng ta chấp nhận các quy tắc”, ông Moise nói. “Hôm nay đánh dấu ngày đầu tiên trong năm thứ 5 của tôi”, ông khẳng định.
Ông Moise cho rằng nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào năm 2022. Ảnh: Reuters. |
Thâu tóm quyền lực
Một tổ chức theo dõi tình hình Haiti đánh giá ông Moise đổ lỗi cho quốc hội về việc trì hoãn và không thông qua luật bầu cử, nhưng các đối thủ cáo buộc rằng chính ông đã thao túng tiến trình này.
Từ tháng 10/2019, Hội đồng Bầu cử Haiti đã dừng hoạt động vô thời hạn. Đến tháng 1/2020, ông Moise cũng tuyên bố giải thể quốc hội thứ 50 của Haiti. Tổng thống cho biết nhiệm kỳ của tất cả hạ nghị sĩ cùng với 2/3 thượng nghị sĩ đã kết thúc.
Bên cạnh đó, ông Moise cũng ban hành sắc lệnh loại bỏ các thẩm phán ra khỏi Tòa Tối cao do "vi phạm hiến pháp", đồng thời bổ nhiệm những người khác thay thế. Dù vậy, quy trình này bị chỉ trích là không tuân theo các quy định của hiến pháp.
Không chỉ vậy, ông Moise đã thành lập một hội đồng bầu cử và ủy ban tham vấn để chuẩn bị thảo bản hiến pháp mới.
Theo ông Moise, Hiến pháp Haiti “là một trong những nguồn gốc gây ra các cuộc khủng hoảng về xã hội, kinh tế và chính trị" của đất nước.
Ông Moise còn dự định loại bỏ vị trí thủ tướng, một chức vụ ông cho rằng trao quá nhiều quyền lực cho một người không được bầu cử trực tiếp. Theo hiến pháp, thủ tướng Haiti chịu trách nhiệm trước quốc hội và không bị tổng thống bãi nhiệm.
Trước đó, ông Claude Joseph, khi còn làm ngoại trưởng, cho biết: “Hiến pháp ghi rõ rằng nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm; ông Moise nhậm chức vào năm 2017 nên sẽ rời đi vào năm 2022”.
Ông Joseph cáo buộc phe đối lập sử dụng sử dụng các biện pháp "bạo lực" và "trái luật" để gây sức ép buộc ông Moise từ chức.
Dù vậy, cựu Thượng nghị sĩ Youri Latortue, một nhân vật đối lập ở Haiti, tin rằng: “Nhiệm kỳ của ông Moise đã kết thúc vào ngày 7/2”.
Vào thời điểm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thúc giục Haiti phải "tổ chức cuộc bầu cử tự do và công bằng” càng sớm càng tốt, để quốc hội có thể tiếp tục làm việc.
Dù vậy, ông Price cho biết Washington đồng ý với quan điểm Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS), rằng tổng thống mới nên kế nhiệm ông Moise "khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 7/2/2022”.
Đời sống người dân tê liệt do các vấn đề chính trị. Ảnh: Reuters. |
Đất nước tê liệt
Trong bối cảnh chính trị rối ren, đời sống xã hội ở Haiti đối mặt với các thách thức lớn. Hệ thống giáo dục bị tê liệt trong khi các doanh nghiệp hoạt động chỉ một nửa công suất.
Tại Haiti, khoảng 60% dân số nước này sống với thu nhập dưới 1,90 USD/ngày.
Giới luật sư Haiti từng kêu gọi tạm dừng công việc cho đến khi ông Moise “tôn trọng hiến pháp và luật pháp”.
Từ tháng 2, những người biểu tình yêu cầu ông Moise rời nhiệm sở. Hàng nghìn người xuống đường ở thủ đô Port-au-Prince để phản đối vị tổng thống.
Trên đường phố, lực lượng cảnh sát được huy động để trấn áp các cuộc tuần hành. Nhiều người bị thương, trong đó có một số nhà báo.
Không chỉ vậy, giao tranh cũng xảy ra giữa các nhóm vũ trang ủng hộ chính phủ và phe đối lập, trong khi nỗi sợ treo trên đầu người dân Haiti.
“Gần một phần ba lãnh thổ đất nước bị các băng đảng kiểm soát. Áp lực chính trị của các nhóm này đối với cuộc bầu cử tiếp theo rất rõ ràng”, tổ chức xã hội Fondation Je Klere cho biết.
Nhiều người dân Haiti ở đang phải sống trong bất ổn. Ảnh: Reuters. |
Đến đầu tháng 6, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết khoảng 8.500 phụ nữ và trẻ em Haiti phải rời khỏi nơi ở để tránh nguy hiểm.
Để tránh bất ổn và bạo lực tại quê nhà, khoảng một triệu người Haiti tìm cách đến Mỹ nhằm mưu cầu cuộc sống mới.
Trong bối cảnh đất nước chứng kiến hàng chục tổng thống cùng với nhiều chính phủ “đến rồi đi”, giữa cuộc khủng hoảng về chính trị, phe đối lập tại Haiti vẫn đang chia rẽ trong việc lựa chọn tổng thống lâm thời để lãnh đạo đất nước bước qua giai đoạn khó khăn.