Có lẽ đó là lý do mà mỗi một cuốn sách đi qua tôi đều tìm thấy những gợi ý mới để đọc tiếp từ chính những nhân vật mình yêu thích.
Martin Eden - Tinh thần tự học
Nhắc tới Jack London, bạn đọc Việt Nam sẽ nghĩ ngay tới hai tác phẩm nổi bật của ông là Nanh trắng và Tiếng gọi nơi hoang dã, hai tác phẩm văn học đã đi sâu vào tâm trí bạn đọc. Nhưng trong sự nghiệp 16 năm cầm bút, Jack London đã để lại một gia tài lớn gồm các tiểu thuyết, truyện ngắn và tác phẩm tự thuật, các bài báo, bởi ông có một khả năng viết dồi dào, bút lực mãnh liệt và sức sáng tạo dựa vào trải nghiệm thực tế có thể làm bạn đọc choáng ngợp.
Martin Eden được Jack London sáng tác ở tuổi 32, là một cuốn tiểu thuyết mang hơi hướm tự truyện của chính tác giả, cuốn sách này đã được xuất bản ở Việt Nam 37 năm về trước và đã để lại dấu ấn trong tầng lớp thanh niên khi ấy.
Là một người biết về ngành xuất bản tôi cũng thấy rất ngạc nhiên bởi bản in năm 1987 của Nhà xuất bản Văn học được in tới 31.000 bản, một con số mơ ước của ngành xuất bản hiện nay. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng cảm thấy thật vui mừng vì tinh thần tự học của Martin Eden đã được lan tỏa rộng rãi đến thế.
Sách Martin Eden của Jack London. Ảnh: Martin là Lukas Lã. |
Martin Eden là chàng thủy thủ trẻ tuổi mới đôi mươi, trong một lần tình cờ cứu giúp người con trai một gia đình tư sản thượng lưu, anh mới biết đến giới tri thức học vị cao, tầng lớp danh giá và đặc biệt, anh phải lòng và yêu Ruth Morse, cô con gái của gia đình tư sản này.
Tình yêu với Ruth và sự ngưỡng mộ với giới tư sản lần đầu anh biết tới đã thôi thúc anh từ một chàng thủy thủ muốn tìm kiếm con đường tự học thông qua sách vở, để trở thành một nhà văn. Anh đọc mọi thứ anh có thể tìm thấy trong thư viện, anh tìm tới văn học, kịch nghệ, khoa học, triết học… kiến thức anh tìm được như một ánh soi đường để anh có thể trở thành một con người có tri thức xứng đáng với người mình yêu.
Từ chỗ tìm đến sách để xứng đáng với người mình yêu, anh trở nên yêu thích sách một cách thực sự chứ không coi đây chỉ là cách duy nhất để giải phóng mình. Martin đã cho rằng chỉ có tình yêu, nghệ thuật và sách vở mới là những cứu cánh nâng đỡ một con người.
Martin đã cho rằng chỉ có tình yêu, nghệ thuật và sách vở mới là những cứu cánh nâng đỡ một con người.
Vậy Martin Eden đã đọc những ai, anh đã tìm thấy những chân lý soi đường cho mình qua hai nhà triết học là Herber Spencer và Friedrich Wilhelm Nietzsche.
Trong căn phòng tù túng chật hẹp của anh chất đầy sách khiến cho việc đi lại cũng gặp khó khăn, nhưng trong không gian đó Martin đã hình thành thói quen vừa đọc sách vừa ghi chép, anh ghi chép nhiều đến nỗi phải móc hết những tờ ghi chú vào dây phơi quần áo. Tinh thần tự học đã giúp Martin Eden trở thành nhà văn danh tiếng sau những nỗ lực không biết mệt mỏi.
Dù câu chuyện của Martin Eden có kết thúc buồn như chính cuộc đời của Jack London, đọng lại trong tất cả bạn đọc có lẽ là một tinh thần tự học đáng quý của anh.
Van Gogh - Đọc để không trở thành một họa sĩ nông cạn
Có một điều thú vị, tác giả Irving Stone là một người yêu thích Jack London và tác phẩm Martin Eden. Ông là người viết cuốn tiểu thuyết tiểu sử về Van Gogh có tên Khát vọng sống, đây là tác phẩm đầu tay và nổi tiếng nhất của ông trong sự nghiệp viết tiểu thuyết tiểu sử về những nhân vật nổi tiếng.
Nếu như Irving Stone nhận Jack London là nhà văn truyền cảm hứng cho mình, thì Jack London đã có một truyền nhân xứng tầm.
Sách Khát vọng sống của Irving Stone. Ảnh: Thu Trang. |
Van Gogh trong Khát vọng sống của Irving Stone cũng hiện lên là một nhân vật có tinh thần tự học và tự hoàn thiện bản thân mà ở đây cụ thể là đối với hội họa. Dù cầm bút vẽ khi ở tuổi 27, dành tám năm như một người học việc để rồi tỏa sáng ở hai năm cuối đời với 2.000 tác phẩm.
Trong con đường độc hành đầy đam mê của Van Gogh luôn có những cuốn sách song hành với ông. Van Gogh yêu thích văn học Pháp, cụ thể là những tên tuổi như Balzac, Victor Hugo, Émile Zola, Guy de Maupassant…
Với Van Gogh, đọc sách đem lại cho ông những niềm vui kì diệu, về những nỗi đau khổ và niềm vui của người khác, giúp ông quên đi những tại họa của chính mình.
Van Gogh cũng cho rằng chỉ có đọc sách mới giúp ông tìm hiểu được những gì đang xảy ra trong tâm hồn một con người, ông không thể vẽ gương mặt của một người nếu không hiểu điều gì đang xảy ra trong tâm trí họ, một người họa sĩ chỉ vẽ được không thôi, mà không biết hơn gì nữa, thì chỉ là một họa sĩ nông cạn.
Ngay cả trong lúc không còn minh mẫn phải ở trong nhà thương Thánh Paul ở St. Rémy, Van Gogh vẫn tiếp tục đọc sách như một giải thoát. Ông đọc sách của họa sĩ tiền bối Delacroix để quên đi mình đang ở trong một nhà thương giữa những người điên, mà được ở bên một họa sĩ vĩ đại có những lời lẽ sáng suốt thông qua một cuốn sách. Van Gogh tiếp tục đọc Shakespeare để quên đi thực tại và giúp mình được sống ở thời đại khác.
Van Gogh không sống quá lâu để hưởng trọn thành quả như Monet và Renoir nhưng ở chừng mực nào đó cuộc đời của Van Gogh lại là nguồn cảm hứng được cho thế hệ sau này hơn tất cả các họa sĩ của trường phái hậu Ấn tượng. Đó là sự theo đuổi đến cùng đam mê và con đường mình đã chọn.
Câu chuyện về cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy khát vọng của Van Gogh vốn dĩ đã hấp dẫn bất cứ ai muốn tìm hiểu về danh họa này, nhưng nó càng hấp dẫn hơn qua ngòi bút tài tình của Irving Stone khi tác giả đã tiểu thuyết được cuộc đời ấy.
Bài viết của độc giả Thu Trang, sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.