Tình ơi là tình sóng đôi với hai câu chuyện được kể tuần tự, cách chương, gối lên nhau về hai người phụ nữ Brigitte và Paula. Họ là 2 mà dường như là một, cả Brigitte và Paula, hay bất cứ người đàn bà nào được nhắc đến trong cuốn sách cũng đều chịu chung một “bản án”: Phận đàn bà.
Ngày làm đàn bà là ngày không còn được làm người
“Một ngày đẹp trời Brigitte quyết định, cô muốn chỉ còn làm một người đàn bà, hoàn toàn là đàn bà, cho một gã tên là Heinz”, Elfriede Jelinek viết. Lời mở đầu này mang đến cho người đọc các thông tin quan trọng: Nhân vật chính là một cô gái, tên Brigitte; cô hạ quyết định (nghĩa là cô đã đắn đo, suy trước tính sau từ rất lâu trước đó); cô muốn làm đàn bà (nhấn mạnh 2 lần) và cuối cùng, cô muốn làm đàn bà của một gã đàn ông cụ thể tên là Heinz.
Những gì tiếp diễn sau đó, khiến người đọc không khỏi bàng hoàng.
Sách Tình ơi là tình. |
Brigitte là một cô gái thành thị, đến tuổi lấy chồng. Nhà cô không giàu và trên thực tế, cô chẳng có cửa để sớ rớ vào Heinz. Giữa cô và gã “chỉ là công việc”. Nhưng Brigitte đã nhắm vào gã đàn ông này, cô phải giành cho bằng được, phải lập một gia đình, phải sở hữu tài sản của gã, dù có bị đánh đập, bị sỉ nhục, thậm chí là liếm mông mẹ chồng.
Nếu không lấy được Heinz đời Brigitte coi như chấm dứt. Vì thế cô phải toan tính nhiều hơn. Nghề may áo vú của cô không đảm bảo và dù không hề yêu gã đàn ông này, cô vẫn cứ từng bước từng bước đưa hắn vào tròng.
Tuy nhiên, Brigitte nhanh chóng vấp phải những chướng ngại vật. Trước hết, Heinz chỉ xem cô như một công cụ thoả mãn tình dục. Tiếp theo, bố mẹ Heinz không vừa mắt với cô. Cuối cùng, Susi là địch thủ có khả năng cướp Heinz “bảo bối”.
Như đã nói từ ban đầu, Brigitte hạ quyết tâm. Dù có mệt mỏi với công việc mỗi ngày, dù có trở thành nô lệ tình dục, có bị đánh đấm, bị lăng nhục… thì cô vẫn muốn có được Heinz. Và cô phải sử dụng đến cách cuối cùng, quyết phải mang thai để “ép cưới”. Và sau bao toan tính, nhẫn nhục, cô lấy được Heinz, cái gã béo ị, chỉ thèm tình dục, không có tình yêu.
Có thể nói, ngày đẹp trời mà Brigitte làm đàn bà đó chính là ngày rẽ lối để cô không thể làm một con người bình thường được nữa. Nghĩa là cô mất hết sự tự tôn, mất hết phẩm giá và thậm chí, bị chà đạp và xem như không phải là một con người. Dù có được gã đàn ông của mình, dù sở hữu được tài sản và có công ty riêng, nhưng liệu Brigitte có hạnh phúc?
Làm đàn bà nghĩa là không còn đường thoát thân
Tình ơi là tình không chỉ kể riêng chuyện làm đàn bà của Brigitte. Câu chuyện về cô gái thôn quê Paula là “một ví dụ” khác. Dù ban đầu ước mơ được đi học may, được đi xem phim, du lịch tại Ý, tự định đoạt đời mình thì cô nhanh chóng nhận ra mình chỉ là… đàn bà.
Paula là một cô gái trẻ khá bất hạnh. Ý chí độc lập đến từ quá khứ ấu thơ bị người cha bạo hành. Bên cạnh đó, hơn ai hết cô hiểu được, làm phụ nữ có nghĩa là đau khổ, tù túng, bị khinh rẻ thông qua câu chuyện của mẹ mình và những người đàn bà khác trong làng. “Nếu một người có số mệnh thì đó là đàn ông, còn một người chịu số mệnh thì đó là đàn bà” - lời tác giả viết - ứng nghiệm với Paula.
Bản tiếng Đức tác phẩm. |
Paula cũng như Brigitte, nhanh chóng tìm một người đàn ông, và Erich (thợ làm rừng, nghiện rượu bia, thích động cơ xe cộ hơn phụ nữ) chính là người cô để mắt tới. Cô tìm cách mua chuộc Erich và mẹ của cậu bằng những chiếc bánh ngọt, nhưng không ăn thua vì cô sạch sẽ thật đấy nhưng nhà nghèo. Và vì một cơ may trời cho, cuối cùng cô cũng có được Erich với một đám cưới, dù trước đó từng bị dân làng hạ nhục, ném đá vào người vì chửa hoang (con của Erich nhưng anh không thừa nhận).
Tuy nhiên, đời không màu hồng như Paula nghĩ. Khởi sự từ tình yêu và kết thúc bằng sự ê chề là tất cả những gì cô nhận lại. Dù có Erich làm chồng, có hai đứa con ngoan nhưng cô không chịu yên phận. Cô mắc một sai lầm. Cô quyết định làm gái mại dâm, ban đầu có thể chỉ là để thoả mãn, như sau đó là kiếm tiền.
Cuối cùng thì Paula cũng bị phát hiện trò đồi bại. Cô rời khỏi làng và đến một vùng khác để làm một nữ nhân công rẻ mạt, cô đơn, bị bỏ rơi, mệt mỏi, cùng quẫn. Đường đời của Paula, phần nào đó, chính là khởi đầu của Brigitte. Paula kết thúc đời mình ở điểm đầu của Brigitte khi quyết định phải lấy Heinz làm chồng.
Đó là một cái vòng luẩn quẩn, làm đàn bà không có đường thoát thân hay thoái lui, chính là như vậy.
“Tình ơi là tình đặc trưng Elfriede Jelinek nhất”
Lật dở từng trang viết của Elfriede Jelinek trong Tình ơi là tình, độc giả vừa cười vừa tím tái mặt mày, vừa tức giận vừa hả hê, vừa khinh miệt lại vừa đáng thương cho tất cả những con người xuất hiện trong đó. Jelinek “túm lấy cuộc đời thường nhật như bà nhìn thấy để ra tay nhờ thuốc đắng giã tật", đặc biệt là những người phụ nữ.
Thông qua Brigitte, Paula và các nhân vật nữ khác, người đọc thấy được hình ảnh người phụ nữ trong xã hội mà quyền tự do định đoạt số phận luôn bị gò bó vào khuôn khổ (thậm chí không có quyền, là nỗi đau đớn, tủi nhục) vào cuối thể kỷ 20 ở Áo nói riêng, châu Âu nói chung. Jelinek chuyển từ thành phố về nông thôn để hoàn thành cuốn tiểu thuyết và xoáy vào sự thảm hại của những nữ nhân công giá rẻ, vô học, đồng lương còm và mơ ước đổi đời hão huyền.
Dịch giả Lê Quang, người chuyển ngữ cuốn Tình ơi là tình của Elfriede Jelinek sang tiếng Việt nhận định Tình ơi là tình là tiểu thuyết đặc trưng Jelinek nhất. Đó không chỉ bởi tính nữ và sự gai góc khi khai thác nội tâm phụ nữ theo kiểu "những thây ma muốn mồ yên mả đẹp nhưng tôi lại cứ khai quật chúng lên, ngày này qua ngày khác" mà còn ở văn phong rất khắc nghiệt, sốc và thẳng.
Tác giả Elfriede Jelinek đoạt giải Nobel Văn học năm 2004. |
Tình ơi là tình và sau này là Cô gái chơi dương cầm đã xác lập nên vị trí độc đáo của trong giới văn chương. Bà là cái tên mà người hiểu biết sẽ tôn kính, nhưng giới truyền thông báo chí, thậm chí là đồng nghiệp đều xa lánh. Trái ngược với văn phong mãnh liệt, thậm chí bạo lực, ngoài đời Jelinek là một văn sĩ nhút nhát và có phần sợ đám đông.
Năm 2004, Elfriede Jelinek lần lượt được các giải thưởng văn chương uy tín gọi tên, bao gồm cả Giải Kafka lẫn Nobel. Tuy nhiên, bà ở rịt tại nhà (Áo), không cất bước nổi đến Praha (Séc) hay Stockholm (Thuỵ Điển) để nhận giải. Điều gì, khiến nữ tiểu thuyết gia đầy gai góc này lại như vậy? Phải chăng là bởi sự e dè, sợ đám đông như đã nói ở trên hay là bởi gì khác nữa?
Bên cạnh cuốn tiểu thuyết Tình ơi là tình (1975), Jelinek từng được biết đến với tác phẩm nổi tiếng khác như Cô gái chơi dương cầm (1983, tiểu thuyết), Ham muốn (1989, tiểu thuyết) cùng nhiều vở kịch thành công khác. Hiện tại Elfriede Jelinek đang sinh sống và làm việc tại Australia.