Trong những gia đình cha là học giả, trí thức, con cái thành đạt, nổi tiếng, luôn có bóng dáng của người mẹ tảo tần. Những câu chuyện rất đỗi riêng tư, bình dị mà xúc động trong Mẹ và con và Mẹ tôi phác thảo nên hình ảnh chung về người mẹ.
Qua ký ức của những người con, hình ảnh những người mẹ ấy tuy khác nhau về cuộc đời, số phận, nhưng đều có một điểm chung. Họ là những phụ nữ thương chồng, yêu con, lo toan vun vén, gánh trên vai mình bao nhọc nhằn, truân chuyên của cuộc đời.
Sách Mẹ và con. Ảnh: NXB Trẻ. |
Những trang tự sự xúc động về mẹ
Những nhà văn, họa sĩ, người nổi tiếng như: Nhà văn Bảo Ninh, GS Phong Lê, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, họa sĩ Lê Thiết Cương, Đỗ Phấn… đã dành những trang viết xúc động về mẹ mình. Các trang viết chân thành, độc đáo, đong đầy cảm xúc, kỷ niệm của người nổi tiếng được tập hợp trong cuốn Mẹ và con.
Mỗi nhân vật (người con) trong sách kể câu chuyện về mẹ của mình. Đó là những người mẹ với hoàn cảnh, cuộc sống, số phận khác nhau. Họ là trí thức, tiểu thương, là nông dân; họ sống ở nông thôn, ở thành thị, miền núi; họ có thể thế gia, bình dân hoặc không biết chữ…
Ở mỗi bài viết, bạn đọc vừa được thấy những câu chuyện riêng, cảm xúc riêng, vừa tìm được nét chung của bao bà mẹ Việt Nam. Câu chuyện của nhà báo Tạ Bích Loan cho thấy sự hy sinh, sống vì người khác của người mẹ. Lối sống cần kiệm, không ưa khoa trương, hào nhoáng, sự bình dị, sống để cho tặng của bà để lại bài học thấm vào các con.
Với nhà văn Nguyễn Việt Hà, nỗi lòng của người mẹ dành cho con là “thứ tình cảm vĩnh viễn không bao giờ gợn tạp” giữa cõi đời nhiều bất trắc.
Còn họa sĩ Lê Thiết Cương, khi viết về mẹ, tình mẫu tử được cụ thể hóa khéo léo bằng “mùi mẹ”, mùi của những món bánh mẹ làm: “Giả sử trái tim tôi có một ngăn kéo để lưu giữ lại những kỷ niệm của tuổi ấu thơ thì thể nào trong đó cũng phải có vài ba mẩu vụn bánh quế mẹ làm”.
Trong cuốn sách còn có hai bài viết đặc biệt về nhà thơ Xuân Quỳnh trong vai trò làm mẹ. Đó là bài viết của anh Lưu Tuấn Anh (con ruột nhà thơ Xuân Quỳnh) và một bài viết của MC Lưu Minh Vũ (con riêng của Lưu Quang Vũ, gọi Xuân Quỳnh là “má”). Qua trang viết của họ, tác giả Sóng hiện lên như một người mẹ đảm đang, hết lòng chăm sóc gia đình, giàu lòng yêu thương với con, dù đó là con mình sinh ra hay con riêng của chồng.
Cuốn sách không có tham vọng kể điều gì mới mẻ về tình mẹ con. Đó là những tự sự khơi lại mạch nguồn cao cả, đẹp đẽ của tình mẫu tử.
“Kể sao hết vẻ đẹp vô tư trong trẻo của tình mẹ, sự hy sinh của mẹ dành cho con, từ khi đứa con ấy manh nha tượng hình đến lúc mẹ nhắm mắt xuôi tay. Dù chỉ đồng quà, tấm bánh mẹ để dành phần, hay đến cao cả vong thân cho lý tưởng như nhân vật bà mẹ trong tác phẩm của Gorky, tình mẫu tử, bằng cách này hay cách khác vẫn chảy tràn trong lương tri nhân loại. Và hẳn nhiên là thiếu nó, không đứa con nào có thể lớn lên toàn vẹn thành người”.
Người mẹ trong những gia đình trí thức
Cuốn sách Mẹ tôi (nhiều tác giả, NXB Phụ nữ Việt Nam) tập hợp các bài viết của những người con trong các gia đình trí thức, nhân sĩ nổi tiếng thể kỉ XX viết về người mẹ của mình. Đó là những người ở hậu phương thầm lặng hy sinh, góp phần không nhỏ vào thành công của chồng, con.
Hình ảnh những người mẹ nông dân chân chất, nhân hậu, tảo tần vun vén gia đình được con của các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, học giả Phan Khôi, nhà sử học Trần Huy Liệu, GS Đặng Thai Mai... kể lại.
Bìa sách Mẹ tôi. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Nhà văn Nguyệt Tú (con gái danh họa Nguyễn Phan Chánh) được đi học đầy đủ nhờ sự động viên của mẹ Tống Thị Trừng; bà tuy không được học hành, luôn quan niệm “con trai hay con gái, đứa nào học được, cứ cho học”.
Trong những năm tháng nhà sử học Trần Huy Liệu hoạt động cách mạng, vợ ông, bà Nguyễn Thị Tý, đã lo toan, duy trì gia đình đông miệng ăn. Con ông, nhà văn Trần Chiến, đã viết: “Không có bà thì liệu có nhà cách mạng Trần Huy Liệu? Bố tôi có yên lòng bỏ lũ con lít nhít đâu đó, cho ai đấy, để ra đi làm những việc thỏa mãn lòng yêu nước của mình? Khó hình dung lắm”.
Trong cuốn sách, có những người mẹ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đó là những người mẹ trí thức vừa hoạt động cách mạng, vừa hoàn thành vai trò trong gia đình.
Vợ của GS Nguyễn Xiển, bà Nguyễn Thúy An, là một phụ nữ đa tài trong lĩnh vực nữ công gia chánh. Trong ký ức của con, bà An đã vận dụng kiến thức, kỹ năng của mình một cách linh hoạt: “Ngày gia đình tản cư, mẹ chỉ huy anh, chị em tôi nuôi dê, gà, phơi măng và sấy chuối, tăng gia theo mùa vụ. Thế mà mẹ vẫn còn biết cất nước hoa từ hoa bưởi (do năm ấy hoa bưởi nở thật nhiều) hay khi mọi người bắn hạ được con trăn to vừa nuốt xong chú dê của gia đình, mẹ lập tức chế thịt trăn thành thứ ruốc bông có chất lượng và rán mỡ trăn rồi để dành làm thuốc chữa bỏng, thỉnh thoảng lại giúp người dân quanh đó nếu có người bị bỏng…”.
Vợ của GS Đào Duy Anh, bà Trần Thị Như Mân, là người hoạt động nhiệt huyết trong hội nữ công. Con của bà Mân hồi tưởng: “Thật không tưởng tượng rằng một người phụ nữ nhỏ bé, con nhà quan lại cao cấp lại có một nghị lực phi thường làm đủ mọi nghề nghiệp từ chân tay đến trí óc, có một óc kinh doanh năng động, việc nào cũng hoàn thành một cách xuất sắc”.
Những câu chuyện riêng tư của người con không chỉ khắc họa chân dung riêng mẹ mình. Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép, tạo nên bức tranh rộng lớn, một tượng đài về người mẹ.