Nhắc đến show thực cảnh, nhiều người vẫn nghĩ đến những màn trình diễn đa phương tiện hoành tráng, diễn ra trong thời gian nhất định. “Tinh hoa Việt Nam” hoàn toàn khác. Đó không phải bảo tàng hay khu trưng bày, cũng không phải vở diễn chỉ kể một câu chuyện theo kịch bản. Bước qua cửa thành là thế giới cổ xưa từ cảnh vật đến con người, từ âm thanh đến mùi hương… |
Trong hơn 6 tháng, đội ngũ thực hiện biến khu đất 11.200 m2 ngay lối vào Grand World thành cuốn phim lịch sử. Ở đó, mỗi người có thể hoá thân thành những nhân vật, trải nghiệm phong tục, thưởng thức đặc sản truyền thống, cảm nhận nét đẹp văn hoá thông qua hàng chục màn trình diễn thực cảnh từ ngày sang đêm. |
Bao quanh khu “Tinh hoa Việt Nam” là luỹ tre làng, tạo nên kiến trúc kinh thành biệt lập và tái hiện tự nhiên phong cảnh xưa giữa vẻ đẹp hiện đại của siêu quần thể Phú Quốc United Center. Đây không chỉ là biểu tượng văn hóa của dân tộc từ những buổi đầu dựng nước, mà còn phản ánh cốt cách, hơi thở đời sống của người Việt. |
Theo tổng đạo diễn chương trình Nguyễn Việt Tú, không có khái niệm “xây mới” tại khu “Tinh hoa Việt Nam”. Từ kiến trúc, sân đình, mái ngói đến từng lá cây, ngọn cỏ đều được tái hiện nguyên bản hình mẫu xưa. |
Muốn mang đến không gian thuần Việt, từng chi tiết nhỏ nhất đều được chăm chút kỹ lưỡng. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Mạnh Đức - một trong những chuyên gia tham gia dự án “kinh thành cổ” giữa đảo ngọc - cho biết ông và đội ngũ sản xuất phải tìm đến các xưởng gạch thủ công, đặt nặn những viên ngói kiểu dáng xưa với chất liệu xốp, có độ lồi lõm nhất định, thích ứng tốt với thời gian và môi trường. |
16 gian hàng tái diễn đời sống, văn hoá của người Việt như Cổ nhạc, Cổ phục Việt, Nón Việt, Rối nước… được phục dựng cẩn thận trong nếp nhà 3 gian truyền thống, với những cánh cửa nhỏ, hẹp, cao đúng 1,65 m. Từ bậc thềm, then cài cửa, nước sơn đến con người, nếp sinh hoạt cũng đậm chất xưa. |
Trong các gian hàng tại khu “Tinh hoa Việt Nam”, Cổ chỉ quán là nơi lạ nhất bởi không nhiều du khách thật sự biết về nét đẹp văn hóa lâu đời này. Ấn tượng đầu tiên của gian hàng này là những trụ rơm trưng đầy hoa giấy Thanh Tiên - nét đẹp tâm linh của người Huế - có lịch sử hơn 400 năm. |
Cành hoa được làm từ những cây tre tốt, chẻ nhỏ, vót mỏng rồi phơi khô. Bí quyết làm hoa giấy nằm ở khâu nhuộm, sao cho vẫn giữ được màu sắc lâu bền. Du khách sẽ được “mục sở thị” quá trình nhuộm màu và phơi khô giấy khi ghé Cổ chỉ quán. |
Bên cạnh những gian hàng truyền thống, hoạt dộng show diễn là “linh hồn” của “Tinh hoa Việt Nam”. 200 diễn viên múa, chia thành 20-30 ê-kíp tập luyện 12 giờ/ngày, liên tục 3 tháng trước ngày khai trương. Mỗi năm có 2.920 mini show ban ngày, gồm Cấm vệ quân đối gác, Hàng rong, Võ Dũng Đường, Ấn tứ vinh quy…, và 365 show ban đêm được trình diễn tại đây. |
Show thực cảnh “Tinh hoa Việt Nam” buổi tối ấn tượng nhờ kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật trình diễn và công nghệ âm thanh, ánh sáng, trình chiếu 3D tân tiến. Trong đó, tiết mục đu bay trên không của võ sĩ là một trong những phần trình diễn ấn tượng nhất. “Các bạn không phải diễn viên múa chuyên nghiệp nhưng rất nhiệt tình. 200 diễn viên múa là những người hùng của chúng tôi”, tổng đạo diễn “Tinh hoa Việt Nam” chia sẻ. |
Trang phục là một trong những yếu tố làm nên cái hồn của “Tinh hoa Việt Nam”. Hơn 800 bộ quần áo, hàng nghìn phụ kiện đều được phục dựng nghiêm cẩn, tuân thủ đúng công thức hoa văn, lớp lang. “Tôi tin trang phục cúng hoa đăng của chúng tôi là thiết kế đẹp nhất Việt Nam”, Tổng đạo diễn Việt Tú khẳng định. |
Quy trình thiết kế đi từ khâu thể hiện chất liệu vải, hoa văn, chi tiết của trang phục trên moodboard; sau khi moodboard được duyệt thì lên mẫu, ra rập và may thử nghiệm một bộ; khi mẫu thử được duyệt mới sản xuất hàng loạt. Theo tổng đạo diễn Việt Tú, quy trình chuẩn bị trang phục của "Tinh hoa Việt Nam" không khác những vở nhạc kịch hay opera lớn của nước ngoài. |
Có rất nhiều giá trị văn hóa và nghệ thuật hội tụ sau 2 từ “tinh hoa” trong tên của vở diễn. Đó không chỉ là sự tỉ mỉ, nghiêm cẩn trong cách phục dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ; mà còn là mượn cách kể chuyện hiện đại, dùng hiệu ứng đa phương tiện để lan tỏa vẻ đẹp văn hoá truyền thống. |
Dàn máy chiếu hình 3D mapping; mặt hồ với hệ thống cơ khí khổng lồ, lúc cạn là sân đình, lúc có nước trở thành ao vuông như trong Văn Miếu; những khối nhà nặng hàng chục tấn “biết đi”, ban ngày là gian hàng, ban đêm chuyển động để thay đổi không gian trình diễn là những hiệu ứng giúp “Tinh hoa Việt Nam” xứng đáng với tên gọi “siêu show” tại Phú Quốc United Center. |
Không nhiều tác phẩm dùng công nghệ hiện đại để kể câu chuyện văn hoá dân tộc. Cũng rất ít show thực cảnh quy mô được đầu tư và sản xuất bởi người Việt. Nhận xét về show diễn, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, chuyên gia về văn hóa - nghệ thuật, khẳng định: “Đến nay, chưa show diễn nào vượt qua được ‘Tinh hoa Việt Nam’ về cả phương diện văn hóa lẫn nghệ thuật”. |
Bằng cách xây dựng mô hình mới, hình thức mới, show thực cảnh “Tinh hoa Việt Nam” cho phép du khách được tự do tham gia, trải nghiệm và thấm nhuần những giá trị tinh thần theo cách tự nhiên. |
“Tinh hoa Việt Nam” nói riêng và siêu quần thể không ngủ Phú Quốc United Center nói chung hứa hẹn là bệ phóng đưa du lịch Việt Nam phát triển, trở thành “điểm phải đến” mới của du khách quốc tế khi đảo ngọc mở cửa đón khách. |
Bình luận