“Không được phép bỏ lỡ” có lẽ là cụm từ đúng nhất khi nói về 3 show diễn thực cảnh: Tinh hoa Việt Nam, Sắc màu Venice và Once khi du khách đến Phú Quốc.
Tôi đến Phú Quốc vào một ngày tháng 4 nhiều nắng, thời điểm cận kề buổi công chiếu hai show thực cảnh là Tinh hoa Việt Nam và Sắc màu Venice. Từ 21/4, hai show thực cảnh này chính thức biểu diễn hàng ngày. Mỗi show kéo dài 30-45 phút, mang đến những câu chuyện văn hoá, tình yêu mãn nhãn.
“Tôi muốn nơi đây khơi gợi đam mê tìm hiểu văn hoá trong mỗi du khách bằng cách để họ trở thành một phần của câu chuyện, chứ không đơn thuần đến xem bảo tàng. Đó là lý do các gian hàng hoạt động nhộn nhịp mỗi ngày dù có khách tham quan hay không. Mỗi diễn viên là một người dân sống trong không gian kinh thành cổ. Họ buôn bán, sinh hoạt từ 8h30 đến 20h30 mọi ngày”, lời giới thiệu của Tổng đạo diễn Việt Tú ngay cổng chính khu Tinh hoa Việt Nam khiến tôi khá tò mò về những gì đang diễn ra phía sau cánh cổng son cổ kính.
Trong suy nghĩ của nhiều du khách, Tinh hoa Việt Nam chỉ đơn thuần là tên gọi vở thực cảnh được đầu tư 8,3 triệu USD diễn ra vào 20h30 mỗi ngày. Thế nhưng, đây thực tế là khu liên hợp sân khấu biểu diễn, gian hàng mua sắm trải nghiệm và công trình kiến trúc phục cổ, mang đến chuỗi hoạt động kéo dài từ sáng đến tối với trọng tâm là show diễn thực cảnh đa phương tiện cùng tên.
Bước qua cánh cổng, du khách như được sống trong một bộ phim lịch sử. Không có khái niệm “xây mới” tại Tinh hoa Việt Nam. Từ kiến trúc, sân đình, mái ngói đến từng lá cây, ngọn cỏ, tất cả đều được tái hiện nguyên bản hình mẫu xa xưa.
Khu Tinh hoa Việt Nam được thiết kế như ngôi làng cổ, có cổng chính, cổng hậu, luỹ tre và kinh đình. Tất cả gạch ốp lát tại đây được nung thủ công, có độ lồi lõm nhất định nhằm tái hiện chân thật hình ảnh mảnh sân thân thuộc của người Việt xưa. Ngay cả nắp cống - thứ tưởng như dễ bị lãng quên, cũng được chăm chút, biến tấu từ chính những viên gạch cũ, khoan lỗ, cắt gọt theo kích thước phù hợp.
Ban ngày, khu Tinh hoa Việt Nam tái diễn đời sống, văn hoá của người Việt thông qua 16 gian hàng: Cổ nhạc, Cổ phục Việt, Nón Việt, Rối nước, Khâm sành sứ Huế Pháp Lam…
“Hầu hết văn hoá được tái hiện tại đây đều đến từ Bắc Bộ, bởi đây là vùng đất đầu tiên của Việt Nam, từ những ngày đầu Vua Hùng dựng nước. Văn hoá Trung Bộ được tái hiện qua nét đẹp của Huế. Sự hiện diện của văn hoá Nam Bộ là ít nhất. Đây là dụng ý của chúng tôi, như một lời bỏ ngỏ để phát triển trong những năm tiếp theo”, PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, cố vấn sân khấu của Tinh hoa Việt Nam, chia sẻ về dụng ý sắp đặt các gian hàng.
Tổng đạo diễn Việt Tú - “cha đẻ” show diễn cùng tên - cũng đặt kỳ vọng phát triển thêm nhiều gian hàng hơn nữa trong tương lai, có thể là 36 hoặc thậm chí nhiều hơn. “Nội dung các gian hàng thay đổi 2-3 năm/lần, nhưng cốt lõi vẫn là giới thiệu tinh hoa văn hoá của người Việt Nam”, vị đạo diễn nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu giới thiệu tinh hoa văn hoá của người Việt Nam, mọi cơ sở vật chất từ kiến trúc, thiết bị đến trang phục đều được đội ngũ sản xuất chăm chút kỹ lưỡng. Tôi có dịp tham quan 2 gian cổ phục. Hơn 800 bộ quần áo, hàng nghìn phụ kiện phục vụ show diễn ngày và đêm được trưng bày tại đây. Tất cả đều được phục dựng nghiêm cẩn, tuân thủ đúng công thức hoa văn, lớp lang.
Ban ngày, bạn có thể thuê trang phục để hoá thân thành người dân, tham gia các hoạt động truyền thống cổ xưa, trở thành một phần của khu làng cổ. Tối đến, đây chính là kho phục trang của diễn viên múa trong show thực cảnh.
“Những đôi hài được thêu tay tỉ mỉ chỉ là phụ kiện mang dưới chân, khi trình diễn sẽ bị các lớp trang phục che phủ. Chúng tôi có quyền bỏ qua những tiểu tiết này, nhưng không. Với tôi, từ trang phục đến phụ kiện, tất cả được chăm chút kỹ lưỡng thì người mặc mới có cảm xúc khi khoác lên mình và diễn”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ khi đưa tôi tham quan gian hàng Cổ phục Việt.
Ngoài các gian hàng, du khách còn được mục sở thị những hoạt động truyền thống như lễ mở cổng thành; nghi thức đổi gác thể hiện tính nghiêm minh, kỷ cương chốn đô thành; biểu diễn võ thuật đường phố với các hình thức đồng diễn và thách đấu trên võ đài; đón dâu; ấn tứ vinh quy thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn…
Các hoạt động ban ngày kéo dài đến 17h30, sau đó dừng hẳn, nhường chỗ cho show diễn thực cảnh Tinh hoa Việt Nam. Sân khấu chính tái hiện sân nhà Thái Học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi 200 diễn viên múa mang đến 12 màn biểu diễn với 4 chương: Nguồn cội, Đời sống, Hành trình đạo học và Tinh hoa Việt Nam. Quá trình hình thành, xây dựng đất nước trong hơn 4.000 năm với những phong tục và đời sống văn hóa truyền thống Việt được truyền tải trọn vẹn trong 45 phút đầy thăng hoa.
Chương I mang đến 3 màn biểu diễn mang tên Lời ru, Cội rễ và Mở cõi. Sự tích “Con rồng cháu tiên” được kể lại bằng cách thức hoàn toàn mới - công nghệ trình chiếu 3D hiện đại. Đời sống sinh hoạt của người dân cùng không khí hào hứng, vui tươi trong tục dâng lễ vật tiến Vua Hùng được tái hiện sinh động, chân thực với màn trình diễn của 80 vũ công. Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong chương I của Tinh hoa Việt Nam là hình ảnh 50 vũ công nam trình diễn cùng tấm vải khổng lồ, trong không gian biển cả mênh mông được tái hiện sinh động nhờ công nghệ trình chiếu tương tác.
Chương II, với 3 màn biểu diễn Hồn tre, Vũ điệu lúa nước và Phong vị quê nhà, liên tục đưa người xem đi từ thú vị này đến hấp dẫn khác, từ khúc dạo đầu là màn xiếc tre nghệ thuật hiện lên giữa không gian làng quê độc đáo, đến vũ điệu lúa nước với những màn toé nước đầy nghệ thuật. Điểm nhấn của chương II là bản hoà tấu độc đáo từ những dụng cụ làm bếp truyền thống.
Ba màn trình diễn Đêm trăng thái học, Hành trình đạo học và Đăng quang tiến sĩ trong chương III là sự kết hợp hài hoà giữa ngôn ngữ múa đương đại cùng công nghệ trình chiếu hiện đại. Sự xuất hiện của mặt trăng cơ khí khổng lồ biến đêm tối trở nên rực rỡ, ấn tượng. Đây là một trong những chương đưa khán giả đến gần hơn với vẻ đẹp tinh hoa của cổ phục. Hình ảnh vua quan cùng binh lính trong những tấc trang phục được phục dựng sắc sảo, cầu kỳ đã thực sự diễn tả trọn vẹn sự uy nghiêm và rộn ràng của ngày vinh quy bái tổ.
Sau khi đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ tự hào, sôi động đến nhẹ nhàng, sâu lắng, chương cuối của Tinh hoa Việt Nam khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi khán giả thông qua 3 màn biểu diễn đầy hào hùng: Thập thủ liên hoàn - Lục cúng hoa đăng, Hào khí Đông A và Ngày hội non sông.
Nếu Thập thủ liên hoàn là liên khúc 10 bản hoà tấu nhạc cụ dân tộc nổi tiếng trong nhã nhạc cung đình, kết hợp cùng điệu múa, thì Lục cúng hoa đăng mang đậm tinh thần Phật giáo, tái hiện chân thật những giá trị nghệ thuật của người Việt xưa.
Đến với Hào khí Đông A, khán giả không chỉ được thưởng thức nền tinh hoa võ học Việt, mà còn bất ngờ trước màn đu bay trên không đầy ấn tượng của những người lính trong trang phục đèn LED. Cuối cùng, Ngày hội non sông tái hiện không khí hân hoan của ngày hội kinh kỳ, là bức tranh nghệ thuật hoàn hảo khép lại chương trình.
Tôi hy vọng bạn sẽ đọc đến đây, hiểu nội dung từng chương, các điển tích được tinh chọn trước khi theo dõi buổi trình diễn. Bởi có như vậy, bạn mới hiểu hết vẻ đẹp tinh hoa, sự chắt lọc tinh tế mà những người thực hiện mang đến trong 12 phân đoạn.
Để rồi khi xem xong, cảm xúc tự hào vẫn còn đó và mỗi người sẽ không khỏi ngạc nhiên với cách mà Tinh hoa Việt Nam đã làm. Không dùng các hình thức thể hiện truyền thống như thường thấy, Tinh hoa Việt Nam thành công nhờ cách kể chuyện hiện đại, mượn công nghệ để lan toả giá trị dân tộc, đưa những vẻ đẹp văn hoá nghìn xưa đến gần hơn với khán giả.
Như PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Nếu có thể dùng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại để tôn vinh và lan toả vẻ đẹp của giá trị truyền thống, tại sao chúng ta lại từ chối, tự giới hạn những tác phẩm nghệ thuật?”.
Bên cạnh hệ thống cơ khí đỉnh cao, công nghệ trình chiếu ánh sáng hàng đầu, âm thanh cũng là một trong những yếu tố làm nên thành công của show diễn, nhất là mặt cảm xúc. Từ sự hào hùng của buổi đầu dựng nước, những cảm xúc vui tươi, rộn ràng của vũ điệu dân gian, đến không khí trang nghiêm khi sắc phong trạng nguyên hay oai hùng trong màn múa võ cổ truyền, chất liệu dân tộc được sử dụng vừa đủ, khéo léo và tinh tế. Tất cả dìu dắt khán giả qua đầy đủ cung bậc cảm xúc một cách tự nhiên, mãn nhãn và mãn thị.
Tôi muốn mượn lời của đạo diễn Việt Tú để nói về tâm ý của những người thực hiện công trình này: “Chúng tôi đã đi một quãng đường rất dài, từ bãi đất trống đến nơi các bạn đang đứng. Tôi hy vọng mọi người sẽ trân trọng những gì chúng tôi cố gắng làm ở đây, cho văn hoá Việt Nam. Đương nhiên, hoàn hảo là điều không thể, nhưng ít nhất, chúng tôi đã làm hết sức với mong muốn mang văn hoá Việt đến gần hết với mọi người, trong đó có cả bạn bè quốc tế”.
Không ngoa khi gọi Tinh hoa Việt Nam là sản phẩm hội tụ 2 điều duy nhất: Vở diễn thực cảnh của đạo diễn thực cảnh duy nhất thành công tại Việt Nam và diễn ra tại “thành phố không ngủ” duy nhất của Việt Nam.
Sự tiên phong của Tinh hoa Việt Nam và “thành phố không ngủ” sẽ là tiền đề để Việt Nam trở thành điểm đến mới của du lịch trải nghiệm văn hóa nghệ thuật. Ở đó, các show diễn thực cảnh không chỉ là cầu nối để người Việt yêu văn hóa Việt, mà còn để bạn bè quốc tế công nhận những tác phẩm nghệ thuật do chính người Việt sáng tạo nên.
Tôi gọi Sắc màu Venice là món tráng miệng bởi đây là màn cuối trong chuỗi 3 show thực cảnh trình diễn mỗi ngày. Nếu gọi Tinh hoa Việt Nam là món ăn thượng hạng, Sắc màu Venice cũng thế, không “món” nào ngon hơn. Vậy nên, tôi khuyên các bạn, nếu có thời gian, đừng vội xem hai show trong cùng một đêm. Bởi, mỗi đêm thưởng thức một “món”, mới thấm hết mỹ vị.
Khi tiếng chuông tháp Ánh sáng ngân vang cũng là lúc đoàn thuyền gondola nối đuôi nhau tiến thẳng về hướng hồ trung tâm. Không khó để nhận ra đây là cách “dụ” du khách khéo léo của những người làm chương trình. Khi mọi người chọn được ví trí ưng ý cũng là lúc đại tiệc âm thanh và ánh sáng bắt đầu.
Sắc màu Venice kéo dài 30 phút, diễn ra lúc 21h30 mỗi tối tại hồ Tình yêu. Vở thực cảnh được dàn dựng công phu thành 6 chương: Đêm huyền diệu, Vũ điệu Venice, Bức họa tình nhân, Dạ vũ ánh trăng, Lời nguyện ước và Vũ khúc ánh sáng.
Sắc màu Venice kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của đôi nam nữ trong một lần đến Phú Quốc United Center. Cả hai hoà mình vào lễ hội sôi động diễn ra ngay tại kênh đào Venice giữa lòng Grand World và lạc mất nhau trong dòng người náo nhiệt. Chàng trai không ngừng tìm kiếm và gặp lại cô gái của đời mình. Liệu còn sân khấu nào phù hợp kể câu chuyện này hơn hồ Tình yêu giữa lòng kênh đào Venice, phía sau là tháp đồng hồ cổ kính như chứng nhân cho câu chuyện tình lãng mạn?
Xem Sắc màu Venice, tôi đoán du khách sẽ có 2 lần ngạc nhiên. Lần đầu là sự xuất hiện của chiếc dương cầm trắng từ từ nổi trên mặt nước, chàng thả hồn bên những phím đàn, nàng thả dáng trong những bước nhảy uyển chuyển. Lần thứ hai là sự vươn mình của chiếc quạt cơ khí khổng lồ. Từng nan quạt lật mở nhẹ nhàng tạo thành hình ảnh bán nguyệt rực rỡ giữa hồ Tình yêu. Màn trình diễn laser cùng hiệu ứng khói lửa từ mặt hồ mang đến cái kết mãn nhãn và thăng hoa với bất kỳ du khách nào.
Được đầu tư 4,2 triệu USD, Sắc màu Venice là một trong những show trình diễn trên nước đắt đỏ nhất hiện nay. Show thực cảnh như mang cả một châu Âu phồn hoa và thơ mộng về giữa Phú Quốc, bằng những sắc màu rực rỡ từ công nghệ 3D mapping kết hợp bối cảnh, phục trang LED cùng các vũ đạo quyến rũ.
Thế nhưng, “chất Âu” trên kênh đào Venice không chỉ thể hiện qua show thực cảnh buổi tối. Xuyên suốt 9h-19 mỗi ngày, bạn có thể ngồi thuyền gondola để du ngoạn một châu Âu thu nhỏ giữa lòng Phú Quốc hay hoà mình vào các hoạt động diễu hành, hoá trang, biểu diễn nghệ thuật đường phố, xiếc, vẽ tranh chân dung, trình diễn opera… diễn ra liên tục hai bờ kênh đào.
Một chuyến đi sẽ khó thể trọn vẹn nếu thiếu mất mảnh ghép ẩm thực. Thế nhưng, khái niệm đó với tôi giờ đây không chỉ dừng lại ở những đặc sản đơn thuần, mà còn là những món ăn tinh thần như chuỗi show thực cảnh hoành tráng tại Phú Quốc United Center.
Lần nữa, tôi gọi Once là “món điểm tâm” và tôi khá chắc đây sẽ là “món ăn” yêu thích của bất kỳ ai lớn lên trong thế giới của những câu chuyện cổ tích huyền thoại.
Once công chiếu muộn hơn Tinh hoa Việt Nam và Sắc màu Venice, với 2 show diễn mỗi ngày. Show diễn buổi sáng mang nguồn năng lượng tích cực, sự hứng khởi đến du khách với hiệu ứng trình diễn nước, ánh sáng kết hợp các bản nhạc quốc tế nổi tiếng, sôi động. Chiều buông, Once đưa du khách trở về không gian cổ tích với hình ảnh phượng hoàng lửa hùng mạnh đối đầu mụ phù thủy toàn năng trong trận chiến thiện - ác từ ngàn xưa.
Thời điểm tôi đến Phú Quốc, Once vẫn còn là bí mật với du khách. Nhưng tôi tin rằng, với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng kết hợp từ hàng chục máy chiếu hiện đại, sân khấu nước hoành tráng cùng màn trình diễn điêu luyện của hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp, sẽ có rất nhiều điều để chia sẻ trong bài viết tiếp theo.
Bình luận