Ngày 2/3, ông Ngô Hoàng Kỳ - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã ký quyết định ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân ở xã Quảng Cư và các phường Trường Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơn (thị xã Sầm Sơn) bị ảnh hưởng của dự án "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương – thị xã Sầm Sơn".
Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ việc giải bản (phá bỏ) tàu, thuyền (bè, mủng) dưới 20 CV cho chủ phương tiện đang hành nghề khai thác hải sản trên địa bàn các xã, phường liên quan đến dự án trên với mức hỗ trợ 70 triệu đồng/bè (bao gồm bè, ngư lưới cụ, trang bị an toàn, trang bị hằng hải), 50 triệu đồng/mủng (thuyền thúng).
Người dân ngày 2/3 vẫn tập trung trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối việc giao đất cho Tập đoàn FLC. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Những bè, mủng khi phá bỏ phải cam kết không đóng mới, mua mới, sử dụng tàu, thuyền có công suất máy chính dưới 30 CV.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ hộ gia đình (theo số khẩu thực tế) có tàu, thuyền khai thác hải sản có công suất máy chính dưới 20 CV giải bản 30 kg gạo tẻ/khẩu/tháng (trong 6 tháng) để ổn định đời sống.
Khi ngư dân tìm nghề mới chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ có bè và 8 triệu đồng/hộ có mủng. Nếu hộ gia đình nào giải bản trước ngày 15/3 thì được thưởng 10 triệu đồng/bè hoặc mủng.
Quyết định này cũng nếu rõ, nếu tàu, thuyền nào giải bản muốn đóng mới tàu cá có công suất từ 30 CV – 400 CV sẽ được hỗ trợ 1 lần sau đầu tư là 35 % giá trị đóng tàu mới (tương đương với mức lãi suất hỗ trợ khi vay vốn ngân hàng). Mức hỗ trợ thấp nhất là 125 triệu đồng, cao nhất là 250 triệu đồng.
Theo ông Ngô Hoàng Kỳ, đây là một dự án quan trọng làm thay đổi bộ mặt của Sầm Sơn nên tỉnh đã cân nhắc rất kỹ để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý nhất.
"Việc giải bản tàu thuyền dưới 20 CV, đánh bắt gần bờ để thay thế tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ cũng hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn" – ông Kỳ nói.
Ngày 2/3, người dân vẫn tập trung trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối việc cơ quan chức năng thu hồi đất ở khu vực neo đậu bến thuyền ở xã Quảng Cư để giao cho Tập đoàn FLC xây dựng. Tuy nhiên, số lượng người không đông như trong hai ngày 29/2 và 1/3.
Công an Thanh Hóa vẫn lập một hàng rào chắn phong tỏa tuyến đường đại lộ Lê Lợi dẫn vào trụ sở UBND tỉnh để đảm bảo an ninh trật tự.
Xe cứu thương vẫn được huy động sẵn phòng trường hợp có người dân kiệt sức, ngất xỉu. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo ông Trương Như Phúc (54 tuổi, xã Quảng Cư), người dân không đồng ý với chính sách hỗ trợ trên của tỉnh vì hoàn toàn không thỏa đáng.
"Không đi biển thì chúng tôi biết làm gì? Thu hồi đất thì thu nhưng bà con chỉ xin các cấp lãnh đạo trừ ra một khoảng bến dài cỡ 500 - 1.000 m để neo đỗ tàu thuyền thôi. Bao đời nay các thế hệ người dân Quảng Cư sống bằng nghề này rồi" - ông Phúc trình bày.
Trước đó, Zing.vn đã đưa tin, trong hai ngày 29/2 và 1/3, cả trăm người dân ở xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã tập trung trước cổng UBND tỉnh phản đối cơ quan chức năng thu hồi đất ở khu vực neo đậu bến thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương (thuộc xã Quảng Cư) để giao cho Tập đoàn FLC xây dựng.
Theo người dân, Tập đoàn FLC đã có những việc làm nhằm chặn đường ra biển, cấm không cho người dân khai thác thủy sản gần bờ trước mặt của khu nghỉ dưỡng.
Việc làm này lâu nay khiến người dân bức xúc và nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã Quảng Cư và thị xã Sầm Sơn nhưng vẫn không được giải quyết triệt để.
Đến nay, UBND tỉnh lại tiếp tục thu hồi đất khu vực neo đậu tàu thuyền khiến họ bất bình kéo lên tỉnh để phản đối.